Doanh nhân, doanh nghiệp động lực trong sự nghiệp phát triển kinh tế

Đại đoàn kết dân tộc tạo ra nguồn sức mạnh vô tận của nhân dân ta, là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước cũng như đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Tiến trình phát triển của nước ta khẳng định chân lý đó.

plugin-ckeditor-uploaduploada65bd5a501d48a85362e6a7067-1660193414.jpg
Lãnh đạo các địa phương thường xuyên giao lưu với doanh nhân

 

Khối đại đoàn kết toàn dân tộc dựa trên nền tảng nào? Từ những năm xây dựng đất nước theo mô hình chủ nghĩa xã hội nhà nước với cơ chế tập trung quan liêu bao cấp cho đến nay, các văn kiện của Đảng luôn xác định nền tảng đó là liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vậy vị trí và vai trò của tầng lớp doanh nhân ở đâu khi chúng ta đã chuyển sang nền kinh tế thị trường?

Với những đóng góp thực tế của doanh nhân vào sự phát triển đất nước trong thời gian qua, nhiều bài viết trên báo chí đã gọi tầng lớp này là “người lính, người xung kích trong thời bình”, là “lực lượng chủ lực của nền kinh tế”, là “nhân vật trung tâm của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nước nhà”…

Các cụm từ ấy nói lên tính cách và tầm quan trọng của doanh nhân nhưng chưa xác định tầng lớp này có vai trò gì trong khối đại đoàn kết dân tộc, có nằm trong nền tảng liên minh với công – nông - trí thức không hay chỉ là thành phần phụ thuộc, hoặc nói một cách dân dã, là tầng lớp ăn theo?

Quá trình đổi mới trên đất nước ta đã tạo môi trường và điều kiện ngày càng thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ doanh nhân thuộc nhiều thành phần kinh tế, hình thành một tầng lớp đông đảo; đến nay có gần năm triệu người (chưa kể nông dân sản xuất để bán sản phẩm ra thị trường, trở thành người kinh doanh), trong đó khoảng một phần ba là doanh nhân làm chủ và quản lý các doanh nghiệp (doanh nghiệp ở đây được dùng theo nghĩa rộng bao gồm cả hợp tác xã, trang trại hoặc kinh doanh cá thể có đăng ký).

 Ai cũng thấy trong nền kinh tế thị trường, doanh nhân là người có vai trò quyết định sự phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần quan trọng tạo việc làm và đóng góp cho ngân sách nhà nước, đồng thời tham gia phát triển văn hoá, xã hội.

Quan hệ của doanh nhân với công nhân, nông dân và trí thức không chỉ dựa vào sự hoà đồng về lòng yêu nước và tinh thần dân tộc mà còn có sự gắn bó về lợi ích. Thêm vào đó, trong sự phát triển tự nhiên của đời sống xã hội, có không ít công nhân, nông dân, trí thức trở thành doanh nhân và cũng có những doanh nhân đồng thời là người trực tiếp sản xuất và có trình độ trí thức.

Trong quan hệ về lợi ích giữa doanh nhân và công nhân, mặt chủ yếu không phải là sự đối kháng theo quan điểm đấu tranh giai cấp máy móc, mà là sự hợp tác giữa người đầu tư vốn tạo việc làm và người có sức lao động cần chỗ làm việc, hai bên dựa vào nhau và cùng có lợi, cùng làm giàu cho mình và cho đất nước. Nhà nước ban hành luật Lao động để điều hoà lợi ích của cả hai phía, giải quyết mâu thuẫn nảy sinh, quan tâm bảo hộ quyền lợi của người làm thuê thường yếu thế hơn, đồng thời có chính sách điều tiết thu nhập hợp lý để thực hiện công bằng xã hội nhưng không làm nản chí người đầu tư kinh doanh.

Khi doanh nhân thực hiện đúng các quy định của luật pháp, thì có thể coi lợi nhuận kinh doanh còn lại sau khi nộp thuế là chính đáng, bao gồm thu nhập từ công lao động kinh doanh và quản trị doanh nghiệp (là loại lao động phức tạp, đòi hỏi cao về trí tuệ và tâm sức), từ lãi suất của đồng vốn và có phần bù đắp cho những rủi ro trong kinh doanh (không phải mọi trường hợp đầu tư kinh doanh đều có lãi).

Lợi nhuận đó có tác dụng kích thích đầu tư kinh doanh và là nguồn vốn mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm và của cải cho xã hội. Quan điểm giáo điều, máy móc về đấu tranh giai cấp và xoá bỏ bóc lột không phù hợp với cuộc sống và không có lợi cho việc thực hiện dân giàu, nước mạnh.

 Vì lẽ đó, trong các đặc trưng chủ yếu của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng, Đại hội VII của Đảng năm 1991 nêu: “Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công”, đến Đại hội X năm 2006 đã bỏ đi hai chữ “bóc lột”. Đối với nông dân, doanh nhân và các doanh nghiệp là người cung ứng đầu vào (vật tư và vốn) cho sản xuất, người mua gom, chế biến và tiêu thụ nông sản, giúp cho sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường trong cả nước và thị trường ngoài nước.

 Sự liên kết nông dân với doanh nhân là yếu tố rất quan trọng để phát triển nền nông nghiệp hàng hoá, mở rộng ngành nghề ở nông thôn, nâng cao đời sống nông dân. Thực tế đòi hỏi phải tăng cường và cải thiện sự liên kết này để bảo đảm hài hoà lợi ích của các bên, khắc phục tình trạng sản xuất và thu nhập của nông dân không ổn định, chịu thua thiệt.

Sự phát triển của kinh tế thị trường đặt doanh nhân và các doanh nghiệp vào địa vị đối tác quan trọng trong việc đặt hàng và ứng dụng kết quả nghiên cứu của các cơ sở khoa học và công nghệ, đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu công nghệ của doanh nghiệp.

Sự liên kết trí thức với doanh nhân vừa thúc đẩy sự phát triển khoa học và công nghệ gắn với thực tiễn vừa nâng cao trình độ công nghệ và quản lý của doanh nghiệp. Tiếc rằng do nhiều nguyên nhân, sự liên kết đó đến nay vẫn còn yếu. Dù còn có mặt bất cập, song ở nước ta, liên minh giữa công nhân, nông dân, trí thức và doanh nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã hình thành trong thực tế và ngày càng gắn bó.

Có thể nói trong liên minh các giai cấp và tầng lớp làm nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà thiếu tầng lớp doanh nhân thì không phù hợp với thực tế và không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Giải quyết đúng đắn vấn đề này không những tôn vinh tầng lớp doanh nhân một cách thiết thực mà còn đòi hỏi tầng lớp này phải có bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng, khắc phục những mặt còn yếu về quy mô, về trình độ, năng lực quản lý, về trách nhiệm xã hội và văn hoá kinh doanh, đồng thời thúc đẩy sự liên kết bền vững giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức.

 Đó là giải pháp quan trọng để phát huy cao hơn nữa sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Từng bước thích ứng với kinh tế thị trường, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, các doanh nhân đã tỏ rõ bản lĩnh khi chèo lái con thuyền doanh nghiệp vượt qua những sóng gió của kinh tế thị trường thời hội nhập.

Không chỉ làm giàu cho mình, cho xã hội, giới doanh nghiệp - doanh nhân đã nêu cao vai trò, trách nhiệm xã hội, giúp đỡ các hộ nghèo, sẽ chia với nhân dân vùng bị thiên tai, nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh, đặc biệt đã tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, quan tâm tới các gia đình chính sách, có công với cách mạng.

Những thách thức khôn lường của kinh tế thời kỳ hội nhập và đòi hỏi ngày càng cao về vai trò của doanh nghiệp - doanh nhân trong giai đoạn phát triển mới đang đặt ra cho giới doanh nhân nhiều thách thức mới nhưng cũng nhiều vận hội mới.

Hơn bao giờ hết, giới doanh nhân cần liên kết mạnh mẽ trong đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao tính cộng đồng với  chiến lược làm ăn lâu dài trên cơ sở định hướng đầu tư của tỉnh vào các thế mạnh địa phương. Giới doanh nhân cần sáng tạo, tìm tòi, mạnh dạn đầu tư mở hướng làm ăn ở các ngành nghề, lĩnh vực mới; cơ cấu doanh nghiệp cho phù hợp; tăng hàm lượng khoa học - công nghệ trong đầu tư và sản phẩm; đầu tư xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng; tranh thủ tốt các nguồn lực để thực hiện hiệu quả các dự án sản xuất kinh doanh; chủ động hội nhập, mở rộng đối tác, thị trường, đề cao văn hoá doanh nghiệp, từ đó xây dựng thương hiệu doanh nghiệp - thương hiệu sản phẩm - thương hiệu doanh nhân, góp phần làm vẻ vang cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Hà Giang.

Bên cạnh đó, giới doanh nhân cũng cần quan tâm hơn nữa, làm tốt trách nhiệm xã hội của cộng đồng, đó là: không ngừng chăm lo, cải thiện, nâng cao đời sống cho người lao động; tham gia tích cực và thường xuyên các hoạt động cộng đồng xã hội, nhất là với người nghèo, gia đình chính sách, có công với nước, đồng bào vùng bị thiên tai, những người yếu thế trong xã hội. Cộng đồng doanh nhân phải là tấm gương chấp hành, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước, từ đó đóng góp ngày một nhiều cho đất nước.

Thực tế cho thấy, từ khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, cùng với những chính sách phát triển kinh tế của Nhà nước đã giải phóng sức sản xuất của xã hội, khơi dậy ý chí làm giàu trong nhân dân, số doanh nghiệp được thành lập ngày càng nhiều. Từ đó, hình thành đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh và có vai trò to lớn trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.  

Đồng thời, doanh nhân đó phải biết quan tâm đến người lao động, người làm công cho mình không chỉ về mặt vật chất mà cả mặt tinh thần. Không những vậy, khi “ăn nên làm ra” doanh nhân còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, chia sẻ khó khăn với cộng đồng. Doanh nhân thành đạt càng phải đặt lợi ích của xã hội, cộng đồng trên lợi ích cá nhân, doanh nghiệp mình”.

Phải thừa nhận rằng, quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp bao giờ cũng để đạt tới mục đích cuối cùng là lợi nhuận. Làm ra lợi nhuận càng nhiều thì uy tín của doanh nghiệp càng cao; chủ doanh nghiệp được xã hội thừa nhận là người làm kinh tế giỏi và thành đạt.

Vai trò của doanh nhân không chỉ hạn chế ở việc tạo công ăn việc làm cho xã hội, tạo ra các giá trị vật chất và lợi nhuận. Vì sau khi đạt được trình độ phát triển nhất định, doanh nhân đặt ra cho mình những nhiệm vụ mới để thể hiện sự văn minh trong kinh doanh của mình, đó là tham gia tích cực vào đời sống xã hội thông qua các hoạt động tài trợ, xã hội từ thiện…

Tuy nhiên, để doanh nhân có điều kiện thể hiện trách nhiệm xã hội của mình, Nhà nước cần xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, chi tiết liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, từ chất lượng sản phẩm hàng hóa, đến khía cạnh nhân đạo, quyền con người, bảo vệ môi trường…

Đây là cơ sở, tiêu chuẩn giúp giới doanh nhân tự giác tổ chức được hành vi của mình sao cho phù hợp với pháp luật, thực thi các nghĩa vụ xã hội chứ không phải dựa trên “cái tâm”, “lòng tốt” chung chung.

Chúng tôi đang đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư cần thành lập một cơ quan làm nhiệm vụ quản lý thống nhất, theo dõi và tổng hợp về hoạt động doanh nghiệp theo hướng chuyên nghiệp hóa. Khi cơ quan này được thành lập thì việc hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp sẽ hiệu quả hơn, qua đó, phát huy tốt hơn nữa vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Những lời dạy của Bác đối với sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ có trong bức thư lịch sử ngày 13/10/1945, mà còn thể hiện ở rất nhiều bài nói, bài viết của Người liên quan đến DN, doanh nhân. Bác không dừng lại ở việc đánh giá vai trò, nhiệm vụ của doanh nhân mà còn có những góp ý, chỉ đạo cụ thể về công tác tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh.

Bác luôn căn dặn các doanh nhân phải đoàn kết: đoàn kết nội bộ, đoàn kết trên dưới, đoàn kết giữa cán bộ công nhân và đồng bào địa phương; Phải chăm lo đào tạo nguồn nhân lực, phải xây dựng văn hóa DN, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của cán bộ công nhân viên, đặc biệt, phải chăm lo đến cán bộ và công nhân nữ...

 Phải phát huy sáng kiến và cải tiến kĩ thuật, tăng cường kỉ luật lao động, phải nâng cao năng suất và thực hành tiết kiệm. Bác dặn phải dân chủ, phải công khai, phải xây dựng và phát huy tốt vai trò của các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp. Bác phê phán bệnh hội họp quá nhiều cũng như xu hướng chạy theo số lượng trong sản xuất, ít chú trọng chất lượng.

Bác dặn sản xuất phải “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”, người sản xuất phải thực thà, sản xuất hàng hóa tốt cho đồng bào dùng, không nên trưng bày hàng tốt mà bán hàng xấu. Bác yêu cầu phải đẩy mạnh phong trào thi đua trong các doanh nghiệp, thường xuyên tổng kết những kinh nghiệm tốt, những điển hình hay để nhân rộng trong cả nước. Bác thường xuyên nhắc nhở phải nhìn ra nước ngoài để học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến trong quản lý sản xuất...

Thật khó định nghĩa từ “doanh nhân”. Chỉ có thể nhận dạng một cách tương đối rằng đó là từ chỉ một tầng lớp người đang điều hành hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hàng hóa, thuê mướn và sử dụng lao động thường xuyên từ vài người trở lên.

Trong lịch sử phát triển xã hội của loài người, có thể nhận ra một tầng lớp người mà có lúc bị gọi là con buôn, lúc lại là thương nhân, còn ngày nay gọi là doanh nhân. Đó là một tầng lớp có một vai trò, vị trí quan trọng, không thể thiếu trong mọi xã hội. Mặc cho có lúc, do nhận thức chưa chuẩn người ta đã phủ nhận vai trò của họ, nhưng vai trò đó vẫn tồn tại để duy trì nhu cầu cuộc sống của người dân, duy trì sự tồn tại của nền kinh tế.

Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại và tổ chức xã hội hiện nay, nhu cầu cuộc sống vật chất cũng như tinh thần của từng cá nhân và của cả cộng đồng xã hội đã cao hơn nhiều so với trước đây. Ngay cả cuộc sống của một người dân bình thường trong một quốc gia phát triển trung bình cũng có thể cao hơn những gì mà giới quý tộc, thậm chí vua chúa ngày xưa thụ hưởng. Do đó đặc tính, khả năng của doanh nhân so với thương nhân hay con buôn trước đây cũng rất khác.

Nếu trước kia, thương nhân chỉ là người có khả năng nhận dạng ra của cải hàng hóa ở nơi thừa để làm nhiệm vụ đáp ứng cho nơi thiếu thì doanh nhân ngày nay là người tạo ra những sản phẩm hàng hóa mới, tạo nên những nhu cầu mới cho xã hội. Họ còn hướng dẫn xã hội dùng hàng hóa đó không những ở khía cạnh công năng, mà còn thụ hưởng cả về cái đẹp cùng những nét văn hóa của sản phẩm. Đôi lúc, trị giá văn hóa (tính ra bằng tiền) của sản phẩm còn lớn hơn nhiều lần so với trị giá của công năng. Những sản phẩm thời trang, sản phẩm tiêu dùng cao cấp là một minh chứng.

Bên cạnh những nhận dạng về doanh nhân thời nay như nêu trên, cần biết làm cách nào để có một tầng lớp doanh nhân đúng tầm vóc. Kinh tế học là môn học cung cấp cho ta những kiến thức về kinh tế, không chỉ cho ta kiến thức về sử dụng tài nguyên, lao động một cách tối ưu, mà còn cung cấp các kiến thức sản xuất - kinh doanh, cách thức sử dụng của cải vật chất, đồng vốn của nhà đầu tư, của xã hội một cách có hiệu quả nhất.

Đó là những kiến thức mà doanh nhân nên được trang bị trong nền kinh tế hôm nay. Để trở thành một doanh nhân thực sự, không phải chỉ học Kinh tế học là đủ, mà còn phải hội đủ nhiều yếu tố quan trọng khác nhau. Theo sự trưởng thành của doanh nghiệp, doanh nhân càng phải thể hiện đầy đủ năng lực và phẩm giá để đủ tầm dẫn dắt doanh nghiệp lớn mạnh.

Trong xã hội chúng ta ngày nay, sự nhìn nhận về người làm nghề kinh doanh còn nhiều điều chưa đúng. Luật lệ quản lý kinh tế cũng còn nhiều bất cập. Để trở thành doanh nhân thành đạt, vừa làm giàu cho bản thân, vừa góp phần phát triển kinh tế quốc gia thì doanh nhân phải biết kinh doanh đúng pháp luật, đúng đạo đức xã hội.

Thế nên lượng doanh nhân giỏi, có tầm cỡ của Việt Nam chưa nhiều. Sự thành đạt ở đẳng cấp như thế không phải chỉ cần sự nỗ lực của bản thân doanh nhân, mà còn phải có yếu tố môi trường xã hội, trong đó luật lệ của Nhà nước có tạo được môi trường kinh doanh lành mạnh hay không là một yếu tố có tính chất quyết định.

Trong tình hình thế giới hiện nay, xây dựng được một đội ngũ doanh nhân yêu nghề, có kiến thức, có tấm lòng với xã hội, có hoài bão với đất nước là một điều mong mỏi của xã hội. Vì đó là lực lượng quan trọng nhất trong công cuộc hội nhập với thế giới để rút ngắn thời gian đưa nước ta vào hàng ngũ những nước phát triển.

Đội ngũ này phải được rèn luyện trong môi trường cạnh tranh công bằng (mọi doanh nghiệp đều được đối xử bình đẳng trong nền kinh tế về quyền tự chủ kinh doanh, được hưởng sự công bằng trong sử dụng vốn xã hội, tài nguyên thiên nhiên...). Có như thế, tài năng của doanh nhân mới có dịp thăng hoa, từ đó họ mới có đủ khả năng cạnh tranh thành công trên thương trường quốc tế, góp phần bảo vệ quyền lợi của đất nước.

Nếu vẫn còn duy trì tình trạng dành đặc quyền đặc lợi cho một loại hình doanh nghiệp nào đó thì không những làm cho vốn, tài nguyên quốc gia không được sử dụng hiệu quả, mà còn làm hư hỏng một bộ phận trong đội ngũ doanh nhân. Cơ chế quản lý kinh tế xã hội không thể là cơ chế "xin - cho", buộc doanh nhân phải đáp lại bằng phương thức đút lót để cùng tham gia chia chác cái bánh đặc quyền đặc lợi. Hậu quả của cơ chế "xin - cho" nếu tiếp tục kéo dài sẽ là một thảm họa cho đất nước.

Trong điều kiện toàn cầu hóa như hiện nay, sự cạnh tranh trên thương trường ngày càng phức tạp. Doanh nhân không thể dựa vào sự bảo hộ của Nhà nước và càng không thể thông qua mối quan hệ với các quan chức để có những đặc quyền đặc lợi. Nguồn lợi nhuận của một doanh nhân chân chính chỉ có thể khai thác bền vững từ những phương châm, biện pháp sau:

- Đầu tư sáng tạo ra sản phẩm mới nhằm đáp ứng được nhu cầu cuộc sống ngày càng cao của con người. Hình thành ra những nhu cầu mới, thị trường mới trong xã hội. Tạo ra sản phẩm mới, khai thác thị trường mới luôn là mục tiêu hàng đầu của doanh nghiệp. Lợi ích của doanh nghiệp có được từ sự sáng tạo để phục vụ và nâng cao đời sống cho cộng đồng mới là đỉnh cao nghề nghiệp của một doanh nhân.

- Phát hiện, khai thác ra thị trường mới đối với những sản phẩm truyền thống, thông qua các kỹ thuật gia tăng chức năng sản phẩm, tăng sức hấp dẫn về mặt thị hiếu, tăng cường công tác tiếp thị...

- Xem xét sản phẩm của mình đang ở công đoạn nào của chuỗi giá trị của sản phẩm để điều chỉnh phương thức kinh doanh, chọn chuỗi phân khúc giá trị phù hợp và có lợi nhất cho doanh nghiệp. Đồng thời đánh giá các đối tượng canh tranh, nhằm có sách lược liên kết với các đối tượng khác nhau để tìm vị thế có lợi nhất cho sản phẩm của mình.

- Tăng cường lợi ích cho khách hàng bằng các kỹ thuật kinh doanh như chính sách hậu mãi, khuyến mãi...

- Loại bỏ các yếu tố lãng phí, hợp lý hóa sử dụng lao động, tinh gọn hiệu quả bộ máy điều hành... để giảm giá thành sản phẩm, tạo sức cạnh tranh bằng giá hợp lý, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng và cho chính doanh nghiệp.

- Xem xét đề xuất với Nhà nước hợp lý hóa các công cụ luật pháp, các thủ tục hành chính, khả năng tiếp cận với nguồn tín dụng trong xã hội, chính sách thuế..., để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Để có thể hỗ trợ doanh nhân thực hiện các biện pháp trên, phải có những tổ chức hiệp hội theo những ngành nghề khác nhau. Đồng thời Nhà nước phải tổ chức các cơ quan xúc tiến kinh doanh "bán dân lập" như tổ chức Kotra của Hàn Quốc, Cetra của Đài Loan... để hỗ trợ các nhà sản xuất, các doanh nghiệp tiếp cận thị trường thế giới dễ dàng hơn, giúp họ cải tiến sản phẩm, xây dựng kênh thông tin kịp thời về giá cả hàng hóa trên thế giới, tổ chức đào tạo đội ngũ chuyên môn phục vụ cho công tác kinh doanh.

Có như vậy, đội ngũ doanh nhân nước ta mới có điều kiện trưởng thành. Những tổ chức nêu trên đã là những lực lượng nòng cốt hỗ trợ tích cực cho đội ngũ doanh nghiệp của bốn con rồng châu Á (Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore) trong 50 năm qua mà chúng ta cần học tập./.

Đỗ Nguyễn

Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/doanh-nhan-doanh-nghiep-dong-luc-trong-su-nghiep-phat-trien-kinh-te-a8520.html