Thượng tướng - Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu với chiến lược bảo vệ môi trường

Tướng Hiệu vẫn nhiệt huyết, năng động và sôi nổi đến bất ngờ ở tuổi ngoài 70. Lịch làm việc của ông đầy ắp các chuyến đi khắp đất nước cũng như trên thế giới (ông đã đi 67 nước), nhưng hiện nay, việc ưu tiên hàng đầu của ông là chiến lược bảo vệ môi trường, một vấn đề “nóng” trên toàn cầu.

thuong-tuong-trong-cay-1659683964.jpg
Tướng Hiệu trồng cây.

Mối lo canh cánh về môi trường của đất nước

Thượng tướng - Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu có mối trăn trở lớn, ngay từ hồi ông còn đang chỉ huy giữa chiến trường ác liệt, đó là môi trường quanh ông. Sau những giây phút ầm ào tiếng súng, ông lặng lẽ ngồi xót thương những thân cây rỉ máu, bị bom đạn phạt ngang, ông trầm tư nhặt từng cánh lan rừng rớt xuống do đạn xẹt, trân trọng đặt lên mộ đồng chí, đồng đội… Ngay từ những ngày đó, ý thức về việc chữa trị, dọn dẹp, xây dựng lại một môi trường sống lành lặn, khỏe khoắn cho quốc gia đã đau đáu trong tâm khảm vị tướng này.

Tướng Hiệu nhận thức rõ, rằng môi trường Việt Nam có đặc điểm chịu hậu quả chiến tranh để lại nặng nề. Bom đạn, chất độc dioxin vẫn còn tiếp tục gây tác hại sau hơn ba thập kỷ kết thúc chiến tranh. Bên cạnh đó, thiên tai cũng không ngừng hoành hành trên dải đất hình chữ S, nhất là miền Trung, nơi được gọi là chiếc đòn gánh gánh bão lụt hay cái rốn bão, mỗi năm phải chịu đựng từ 6-10 trận bão.

Hiện nay, ở nước ta, rừng đầu nguồn không chỉ bị tàn phá do chiến tranh, mà còn bởi lòng tham của con người và nhu cầu phát triển kinh tế nóng trong thời bình, khai thác rừng thiếu quy hoạch. Hậu quả là khi những trận mưa lớn trút xuống rừng, không còn đủ cây lá che chắn, nước đổ dốc xuống biển nhanh chóng, lại gặp cơn thủy triều, gặp bão sẽ tạo nên sức tàn phá khủng khiếp.

Là người trực tiếp tham gia chiến tranh, tướng Hiệu bày tỏ rõ quan ngại của ông về ảnh hưởng ghê gớm của chất độc hóa học còn lại trong rừng miền Trung. Khi mưa bão lớn, rừng không che chắn nổi, nước sẽ cuốn chất độc đổ ra sông, biển làm ô nhiễm cả nguồn nước. Con người dùng nguồn nước ô nhiễm ấy, hậu quả thật khó lường. Tệ hại nhất là di chứng cho nòi giống người Việt.

Còn ở miền Bắc, chúng ta đã và đang chịu hậu quả ghê gớm của lũ quét, lũ ống, lũ bùn và những trận mưa đá chưa từng có kèm thời tiết cực đoan. Do rừng bị chặt phá nhiều, nước mưa, bùn đất tích trên núi cao không được lớp cây và lá giữ lại, sẽ phụt ra thành ống. Dòng nước, dòng bùn với sức công phá mạnh quét đi không chỉ hoa màu, những nỗ lực trồng cây bao ngày của nông dân, mà còn cả nhà cửa, tính mạng người dân. 

Ở miền Nam, do đặc điểm địa lý, trước kia thường ít bão. Nhưng ngày nay, do biến đổi khí hậu toàn cầu, bão cũng đã chuyển dịch về Nam. Trong khi đó, người dân miền Nam lại chưa có nhiều kinh nghiệm phòng chống bão. Hơn nữa, có những cơn bão khủng, trăm năm mới xuất hiện một lần thì nay lại xuất hiện thường xuyên tại miền Nam có cả lốc xoáy. 

tuong-hieu-trong-cay-bo-de-1659667802.jpg
Tướng Hiệu trồng cây bồ đề.
tuong-hieu-ben-cay-bo-de-ong-trong4-1659667803.jpg
Tướng Hiệu bên cây bồ đề ông trồng.

Đi tới đâu trồng cây ở đó...

Ngay khi chiến tranh kết thúc, Tướng Hiệu đã có ý thức hành động ngay để chữa trị và chăm sóc môi trường cho quốc gia. Năm 1980, với cương vị cao của mình trong quân đội, ông phát động chiến dịch “Màu xanh Đồng Bằng”, trồng 600ha rừng tại Bỉm Sơn - Thanh Hóa. Với công việc hay phải di chuyển của mình, cứ đi tới đâu ông trồng cây ở đó. Những cây được ông chọn trồng là cây ăn quả, cây bồ đề, cây đa, cây lấy gỗ. Tới các vùng, ông luôn vận động mọi người trồng cây như ông, trò chuyện để thay đổi nhận thức của những người ông gặp về môi trường. Tướng Hiệu kể, lúc đầu vận động người khác thay đổi thói quen thiếu trân trọng cây cối cũng khó lắm, nhưng mình cứ kiên trì giải thích, phân tích tác hại lớn từ những hành động hủy hoại nhỏ hàng ngày mà từng người đang gây ra, rồi dần dần người ta cũng hiểu ra, làm theo mình. 

Chính tướng Hiệu là người nêu ý tưởng và giúp khởi động cuộc thi “Hoa trái đồng bằng” trong các đơn vị thuộc Đại đoàn Đồng Bằng. Cuộc thi cứ 5 năm tổ chức một lần, thu hút các đơn vị từ 7 tỉnh khu vực đồng bằng về dự thi. Sự kiện này đã thực sự khuyến khích các đơn vị, cá nhân trồng cây, hoa, rau, củ quả mang lại lợi ích cao cho sinh hoạt, đời sống hàng ngày. Ông rất vui khi nhớ lại, trong các lần thi, có anh em thí sinh mang về dự thi những củ từ khổng lồ, buồng chuối dài hàng mét, những quả bí nặng tới 20 ki lô gam… 

Tướng Hiệu quan niệm rằng, muốn một chiến lược tốt được thực hiện thành công, chính ông cần khơi ra ý tưởng trước, định hướng để mọi người tổ chức, sau đó thu hút đông đảo mọi người cùng tham gia. Cũng chính vị tướng này là người đã đề ra phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai và chiến lược bảo vệ môi trường. Một phương châm nổi tiếng gây dấu ấn sâu sắc của một vị tướng trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước ở thời bình.

tuong-hieu-ben-cay-da-ong-trong-1659667803.jpg
Tướng Hiệu bên cây đa ông trồng
tuong-hieu-va-phu-nhan-ben-cay-ong-trong-1659667804.jpg
Tướng Hiệu và phu nhân bên cây ông trồng

Có duyên với cây quý

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã đi khắp dải đất chữ S, phát động chiến sỹ và mọi người dân trồng cây. Có dịp ra nước ngoài, ông thường mang được cây quý về trồng tại Việt Nam. Cho đến nay, cây quý để nhớ nhất trong lòng vị tướng là cây đa ông trồng tại Thành đội Quảng Trị từ năm 1977 ấn tượng với cuộc cách mạng xanh tại Ấn độ. Năm đó, tướng Hiệu là Trưởng đoàn của Việt Nam sang Ấn Độ để cảm ơn đất nước và nhân dân Ấn Độ đã giúp đỡ Việt Nam trong chiến tranh. Được Thủ tướng Indira Gandhi tặng một cây đa, ông mang về ươm rồi sau đó đưa đến trồng ở Thành đội Quảng Trị, với tâm niệm tưởng nhớ, tri ân đồng chí, đồng đội đã hy sinh. Cây đa ấy sống khỏe, và giờ đã rất to lớn, tỏa bóng mát rất rộng.

Năm 2003, tướng Hiệu trở lại thăm Ấn Độ, ông được một nhà sư tặng 3 cây bồ đề. Sau khi làm thủ tục về mặt tâm linh chu đáo, tướng Hiệu mang cây về chăm sóc ở vườn nhà, sau đó ông đưa cây tới trồng ở ba nơi: Nghĩa trang Quốc gia Đường 9, Binh đoàn Quyết Thắng ở Tam Điệp (Ninh Bình), và nghĩa trang Hải Long (Hải Hậu - Nam Định, quê ông). Ông cho rằng, cây đa, cây bồ đề là biểu tượng hướng con người về với thiện tâm. Khi trồng cây đa ở các nghĩa trang liệt sỹ, nơi những chiến sỹ hy sinh khi còn trẻ, rất thiêng là có ý hướng họ về với cõi Phật an lành. Đến năm 2007, tướng Hiệu lại được Ấn Độ tặng thêm 5 cây bồ đề rất quý. Ông đưa về trồng tại 5 nơi: chân tượng đài Bác Hồ ở thủy điện Hòa Bình; chùa Quang Sơn (Tân Thanh, Lạng Sơn); Xuân Trường (Nam Định-quê đồng chí Trường Chinh); Bến sông diễn ra trận chiến Bạch Đằng (tưởng nhớ Trần Hưng Đạo); và tại Vũng Tàu.

Tính cho tới năm 2022, tướng Hiệu đã tự tay trồng 757 cây đa, cây bồ đề trên khắp dải đất hình chữ S. Đến nỗi, ông đi tới đâu là người dân lại nhắc “ông tướng này trồng nhiều cây lắm!”. Đi công tác nước ngoài ông họ cũng đã mời ông trồng cây như ở Bruneiay. 

Ông tâm niệm, có duyên với cây thì cây sẽ tự đến với mình. Vì thế mà, bước chân ông đi tới đâu, cây và hoa trái nở ra tới đó. Những cây trái ông trồng đang ngày ngày tỏa bóng mát, cho quả ngọt, góp phần gắn liền những vết thương còn chưa lành hẳn trên cơ thể đất nước sau những cuộc chiến tranh tàn khốc…

* Bài dự thi Cuộc thi viết Vì Việt Nam Xanh

Kiều Bích Hậu

Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/thuong-tuong-vien-sy-nguyen-huy-hieu-voi-chien-luoc-bao-ve-moi-truong-a8370.html