Vì sao Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài?

Trong 10 năm qua, Việt Nam đã trở thành điểm đến hàng đầu cho đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và hấp dẫn hơn các nước ASEAN-4 (gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippnes). Vậy lí do nào khiến khiến Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Theo bài phân tích được đăng trên trang tin Tradefinanceglobal.com mới đây lý do giúp Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư hơn bao gồm: chi phí lao động thấp hơn, việc tích hợp chuỗi cung ứng đơn giản hơn, tiếp cận thương mại tự do tốt hơn và sự ổn định chính trị.

Theo Tradefinanceglobal.com, trước hết, chi phí lao động thấp hơn là một trong những lý do khiến nhiều công ty sản xuất chuyển đến Việt Nam trong thập niên qua.

Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố duy nhất quyết định địa điểm đặt nhà máy do các công ty cũng phải xem xét các yếu tố như tích hợp chuỗi cung ứng.

Tại Việt Nam, việc kết hợp các nhà sản xuất vào chuỗi cung ứng là tương đối đơn giản cả ở thượng lưu (hoạt động giữa nhà sản xuất và các nhà cung cấp của họ) và hạ lưu (hoạt động phân phối sản phẩm đến khách hàng cuối cùng).

vieclam1-1658372444.jpg
Việt Nam đã trở thành điểm đến hàng đầu cho đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và hấp dẫn hơn các nước ASEAN-4

Xét về chuỗi cung ứng thượng lưu, theo Tradefinanceglobal.com, tại Đông Nam Á, gần như không có nhà sản xuất nào có thể hoàn toàn thoát khỏi "trường hấp dẫn" của Trung Quốc. Tuy nhiên, không giống các quốc gia ASEAN-4, Việt Nam có chung đường biên giới với Trung Quốc, điều này giúp các công ty chế tạo ở Việt Nam dễ dàng hòa nhập hơn vào mạng lưới rộng lớn của Trung Quốc.

Về hạ lưu, việc kết hợp Việt Nam vào chuỗi cung ứng cũng là một quá trình tương đối ít trở ngại do Việt Nam có 2 sân bay quốc tế, một số cảng lớn, nguồn điện đáng tin cậy và truy cập internet dễ dàng.

Thêm vào đó, do Việt Nam có quy mô địa lý nhỏ nên hầu hết các nhà cung cấp đều nằm gần sân bay hoặc cảng biển lớn. Điều này giúp cho việc vận chuyển thành phẩm từ nhà máy đến tay khách hàng trở nên dễ dàng.

Không chỉ vậy, so với nhiều nước Đông Nam Á khác, hàng hóa sản xuất trong nước của Việt Nam rất dễ bán mà không phải trả thêm chi phí không cần thiết. Lợi thế này do Việt Nam là thành viên của 15 hiệp định thương mại tự do khác nhau bao trùm tới hơn 50 quốc gia trên thế giới.

Đáng chú ý là các FTA: Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), Hiệp định CPTPP, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do Anh - Việt Nam (UKVFTA).

Đối với các nhà sản xuất, điều này có nghĩa là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam có thể được bán sang các thị trường khác, bao gồm nhiều thị trường giàu có hơn ở phương Tây, mà không cần phải trả mức thuế quá đắt.

Cuối cùng, một yếu tố quan trọng nữa giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn về đầu tư sản xuất là sự ổn định chính trị.

Tuyên bố về môi trường đầu tư năm 2021 của Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá "môi trường chính trị và an ninh của Việt Nam phần lớn ổn định".

Còn theo chỉ số của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam xếp trên nhiều quốc gia Đông Nam Á, bao gồm 3 trong số các quốc gia ASEAN-4, về mức độ ổn định chính trị và không có bạo lực.

Về phía Việt Nam, nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài  trước bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh, điển hình như: Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; Nghị quyết số 128/NQ-CP về ban hành quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19… Cùng với đó, đã đưa ra những nhóm nhiệm vụ, giải pháp như: Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp gỡ khó cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư theo hướng minh bạch, thuận lợi. 

Anh Vân (t/h)

Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/vi-sao-viet-nam-hap-dan-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-a7982.html