Đào tạo bậc đại học “Thực học, Thực nghiệp” trong bối cảnh đổi mới giáo dục

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã khái quát tình hình: “Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

33d10-dhgd-tu-van-tuyen-sinh-bach-khoa-8-1658131599.jpeg
Ảnh minh họa

Hệ thống giáo dục và đào tạo thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc.

Phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất”. Một nội dung được đề cập trong mục tiêu tổng quát là: “Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hoá, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc.

Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực” [2]. Trong xây dựng nền giáo dục thực học, thực nghiệp, có thể nói rằng giáo dục nghề nghiệp (hay giáo dục kỹ thuật nghề nghiệp) và giáo dục đại học nắm giữ vai trò then chốt.

Giáo dục nghề nghiệp có nhiệm vụ tạo ra một đội ngũ những người lao động vừa có tri thức và tay nghề, vừa có thái độ làm việc đúng đắn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Dưới tác động của những thay đổi mà nhiều khi không lường trước được, người lao động một mặt phải nhanh chóng thích nghi, mặt khác phải đủ năng lực quản lý được thay đổi đó trên cơ sở quản lý bản thân và quản lý tổ chức trong khuôn khổ luật pháp của mỗi quốc gia.

Sự thay đổi càng nhanh chóng trên nhiều bình diện, đòi hỏi người lao động càng cần phải thường xuyên cập nhật tri thức của mình, chương trình đào tạo cần phải có những nội dung mới, cách dạy và cách đánh giá mới để giúp người lao động tương lai có được những kỹ năng, kiến thức và ứng xử chuẩn mực trong môi trường làm việc của mình cũng như trong cộng đồng.

Trong thế kỷ XXI, lực lượng lao động mang những đặc điểm: Lao động với kỹ năng thấp sẽ cần ít hơn. Nhu cầu lao động lành nghề sẽ tăng dần do sự tăng lên nhanh chóng của các hoạt động sản xuất và dịch vụ đồng thời chu kỳ sống của một sản phẩm trên thị trường bị rút ngắn lại. Người lao động có khả năng thích nghi nhanh chóng với đòi hỏi về kỹ năng mới và những hình thức tổ chức công việc mới; giảm nhu cầu kỹ năng lao động truyền thống nhưng hàm lượng tri thức cần thiết để quản lý hệ thống tự động hóa gia tăng; các ngành công nghiệp đang phụ thuộc vào lao động có trình độ trung bình và lao động giản đơn sẽ được xuất khẩu sang các nước phát triển với chi phí lao động thấp.

Khi hệ thống trở nên phức tạp, việc phối hợp các hoạt động sản xuất sẽ rất cần thiết trong mọi nghề, đòi hỏi người lao động không những giỏi về chuyên môn mà còn phải có thái độ hợp tác với người khác trong nhóm, trong tập thể. Những vấn đề trên có ảnh hưởng đến chính sách phát triển giáo dục và đào tạo nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Những thuận lợi vấn đề giáo dục nghề nghiệp do công nghệ mới mang lại rất to lớn, nhưng cũng xuất hiện những thách thức to lớn đến giáo dục kỹ thuật nghề nghiệp. Vì vậy, hầu hết các quốc gia đều tiến hành cải cách giáo dục trong vài thập kỷ trở lại đây với những yêu cầu, nội dung cải cách rất khác biệt so với các giai đoạn trước đó.

Chúng ta phải coi sự chấp nhận của thị trường lao động đối với người học là tiêu chí quan trọng để đánh giá uy tín, chất lượng của cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp và là căn cứ để định hướng phát triển các cơ sở giáo dục, đào tạo và ngành nghề đào tạo. Ngày nay, xu thế giáo dục kỹ thuật nghề nghiệp ngày càng đi sâu vào lĩnh vực giáo dục đại học, tức là ranh giới giữa giáo dục kỹ thuật – nghề nghiệp không còn rạch ròi như thời kỳ giáo dục đại học tinh hoa) là một thực tế xuất phát từ nhu cầu của thị trường lao động và nhu cầu học tập của người dân.

Sự thay đổi vừa nêu có tính lịch sử: Giáo dục tinh hoa có đặc trưng là không truyền bá cho người học các kỹ năng sống thực tế và kỹ thuật thực dụng vì cho rằng đây là những điều thông tục, không được bước vào lâu đài khoa học và giáo dục. Giáo dục tinh hoa tồn tại ở các xã hội truyền thống (nông nghiệp và tiền công nghiệp), tương hợp với quy mô giáo dục nhỏ, loại hình giáo dục hẹp ở một số lĩnh vực nên chọn lọc khắt khe đối tượng giáo dục.

Do tuyển chọn chặt chẽ nên chất lượng đầu vào và chất lượng giáo dục theo mục tiêu trên được bảo đảm. Hệ thống quản lý nhà nước về giáo dục tập trung nhưng giản đơn, không bị sức ép mạnh về nhu cầu giáo dục rộng lớn và đa dạng của xã hội. Khác với giáo dục tinh hoa, giáo dục vì nhân lực được hình thành do đòi hỏi của quá trình phát triển công, thương nghiệp.

Giáo dục vì nhân lực có đặc trưng là tính cạnh tranh trong giáo dục phù hợp với nhu cầu phát triển kỹ thuật và công nghệ, mở rộng tuyển sinh và liên hệ rộng rãi với đời sống xã hội nhưng chủ yếu là thiết kế để người học thích ứng với xã hội, sự thỏa mãn cá nhân vẫn là thứ yếu. Đến giai đoạn hậu công nghiệp, giáo dục đã được đại chúng hóa và hướng tới phổ cập hóa. Giáo dục mang tính phục vụ, giáo dục cho mọi người. Quá trình đại chúng hóa giáo dục ở mức cao dẫn đến hình thành xã hội học tập. Cùng với triết lý giáo dục vì nhân lực, triết lý giáo dục đại chúng được coi là triết lý giáo dục hiện đại, hướng tới tương lai.

Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI của Đảng, mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp nước ta là “tập trung đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp”, còn mục tiêu của giáo dục đại học là “tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học”. Như vậy, điểm chung của giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xã hội, điểm khác biệt mấu chốt là giáo dục đại học nhắm đến nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài.

Nhìn lại thực trạng giáo dục nước ta, nhiều năm qua, giáo dục nghề nghiệp đã không được đánh giá đúng, thậm chí có giai đoạn bị coi thường, khiến học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ chăm chăm thi vào các trường đại học, cả xã hội tốn kém vì những kỳ thi căng thẳng không đáng có nhằm thỏa mãn những nhu cầu thiếu cơ sở dự báo khoa học; trong khi đó giáo dục đại học còn kém hiệu quả, đã dẫn đến sự bất cập ngày càng rõ nét về cơ cấu, trình độ lao động, sự thiếu hụt nguồn nhân lực ngày càng lớn (tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, đáng lo ngại hơn là tình trạng thiếu, thừa giả tạo, “thầy không ra thầy, thợ không ra thợ”, nên thực ra là thiếu cả thầy lẫn thợ). Vấn đề trên đã được nhìn nhận, được tranh luận nhiều, nhưng hành động thế nào để giáo dục đại học thực hiện được mục tiêu cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực đủ sức cạnh tranh mới là điều đáng được quan tâm nhất lúc này.

Để làm tốt sứ mạng của mình, giáo dục đại học phải là môi trường mẫu mực về “thực học”, “thực nghiệp”. Vấn đề này hoàn toàn thống nhất với nguyên lý giáo dục được ghi trong Luật Giáo dục: “…học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường gắn liền với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội” [4], điều đã được tái khẳng định trong quan điểm chỉ đạo đổi mới giáo dục nước ta trong Hội nghị Trung ương 8 khóa XI vừa qua. Thực học nghĩa là học thực chất, thi thực chất, kết quả thực chất, đánh giá thực chất.

Đương nhiên, muốn có thực học thì thực dạy phải làm tiền đề. Thực dạy là dạy học khơi được tính tích cực nhận thức, xây dựng và bồi đắp cho sinh viên động cơ học tập từ bên trong  Nếu không có thực học thì không thể nói gì đến đảm bảo chất lượng dạy chữ, dạy người, dạy nghề. Thực nghiệp nghĩa là nội dung, kết quả giáo dục phải có ý nghĩa thiết thực đối với hoạt động nghề nghiệp của người được giáo dục.

Thực học và thực nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ: có thực học mới có thực nghiệp, chỉ thông qua học thực người ta gom góp được những hành trang thiết thực cho nghề nghiệp của mình. Những điều này rất dễ hiểu, bởi chúng là mong muốn, là đòi hỏi của nhiều người trong và ngoài ngành giáo dục, trong bối cảnh thực trạng giáo dục nước ta còn quá nhiều bất cập, và chấn hưng giáo dục như mệnh lệnh từ cuộc sống.

Tất nhiên, giáo dục phổ thông có tốt thì giáo dục đại học mới có nền tảng vững vàng. Song, giáo dục đại học mới là giai đoạn quyết định chất lượng của nguồn nhân lực. Năng lực tự học, tự hoàn thiện học vấn và tay nghề được hình thành và phát triển phần lớn ở giáo dục đại học. Sinh viên tốt nghiệp đại học phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, các phẩm chất nghề nghiệp cao hơn, tinh xảo hơn học viên trung cấp nghề, cao đẳng nghề, để họ xứng đáng là “thầy” của lớp “thợ” đúng nghĩa.

Do vậy, chương trình đào tạo đại học cần phải xây dựng lại sao cho không chỉ nhằm nắm kiến thức chuyên môn mà còn phải bao gồm việc chiếm lĩnh các kỹ năng, năng lực giao tiếp, óc phân tích sáng tạo và phê phán, suy nghĩ độc lập và biết làm việc trong một nhóm giữa bối cảnh đa văn hóa. Đối với các trường đại học, nhất thiết phải đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, kiên quyết không để kéo dài tình trạng bệnh hình thức, bệnh thành tích trong nghiên cứu, chạy theo số lượng, tìm kiếm danh hiệu dẫn đến ít công trình có chất lượng cao.

Một số chuyên gia đã phân tích: “Chính vì sự quá tải trong đào tạo (do số sinh viên tăng nhanh) trong khi số giảng viên và cơ sở vật chất không theo kịp nên tất cả đều giẫm chân tại chỗ, thậm chí còn tụt hậu so với trước. Hiện tượng dạy sinh viên theo lối “đọc - chép” và sau đó là “nhìn - chép” nhìn chung là rất phổ biến ở rất nhiều trường đại học. Ngay cả ở một số trường đại học trọng điểm, việc một giảng viên phải dạy trên 1.000 giờ/ năm, thậm chí 2.000 giờ/năm, đặc biệt đối với các ngành Khoa học xã hội  không còn là hiện tượng cá biệt.

Do tỷ lệ sinh viên/giảng viên quá cao (thậm chí có trường tỷ lệ giảng viên/sinh viên lên đến 1:90), nhiều giảng viên bận chạy show ở các cơ sở khác nhau nên họ có rất ít thời gian dành cho việc nghiên cứu kể cả khi có bằng tiến sĩ. Điều bất thường là khoảng gần 2/3 số cán bộ ở Việt Nam có học hàm, học vị cao (GS, PGS, TS) làm cán bộ quản lý ở các cấp chứ không trực tiếp tham gia việc giảng dạy và nghiên cứu” [5]. Trong khi đó, về mặt phương pháp, dạy học ở đại học ngày càng tiệm cận với phương pháp nghiên cứu khoa học.

Không phải chỉ những ai sau này trực tiếp làm công tác nghiên cứu khoa học mới cần học nghiên cứu khoa học, mà mọi sinh viên dù trong tương lai làm nghề gì cũng cần được đào tạo thông qua nghiên cứu khoa học. Thái độ khoa học, tác phong nghiên cứu, tư duy sáng tạo… là những thứ rất cần thiết để thành đạt, nhất là trong những nghề đòi hỏi nhân lực có trình độ, chất lượng ngày càng cao. Do đó, gắn kết giảng dạy và nghiên cứu là yêu cầu không thể lơ là đối với các trường đại học. Thực hiện tốt yêu cầu này, giáo dục đại học nước ta mới có sự thay đổi sâu sắc về chất lượng.

Các giải pháp để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục đất nước nói chung, giáo dục đại học nói riêng, đã được các chuyên gia, các nhà giáo tâm huyết kiến nghị, bàn bạc suốt nhiều năm qua. Nhiều giải pháp quan trọng nay đã hiện diện với tư cách pháp lý, thể hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, thể hiện nguyện vọng, ý chí của đa số nhân dân.

Xây dựng nền giáo dục “thực học”, “thực nghiệp” là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, đòi hỏi chúng ta suy ngẫm thấu đáo và hành động trung thực, dù ở cương vị là nhà giáo hay nhà quản lý giáo dục, là người làm công tác giáo dục hay chính người học, người thụ hưởng giáo dục./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ban Tuyên giáo Trung ương (2011), Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài “Xu thế phát triển giáo dục của các nước những năm đầu thế kỷ XXI và vận dụng vào một số giải pháp phát triển giáo dục Việt Nam”, Hà Nội.

2. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
3. Trần Khánh Đức (2009), Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực trong thế kỷ XXI, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

4. Luật giáo dục (2005, sửa đổi và bổ sung 2009), Nxb Thống kê, Hà Nội.

5. Đào Văn Khanh, Phạm Thị Ly, Nguyễn Văn Tuấn (2012), Thực trạng và giải pháp cho việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, Hội thảo Giáo dục đại học Việt Nam hội nhập quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

6. Hoàng Tụy (2011), Giáo dục: xin cho tôi nói thẳng, Nxb Tri thức, Hà Nội.

Nguyễn Thị Hạ Ni

Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/dao-tao-bac-dai-hoc-thuc-hoc-thuc-nghiep-trong-boi-canh-doi-moi-giao-duc-a7920.html