Sơn La: Kiên quyết thu hồi rừng nếu để xảy ra mất rừng

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm tại Công văn số 2072/UBND-KT của UBND tỉnh Sơn La, về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.

Theo đó, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, tuyên truyền thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật; Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 8/8/2017 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, tránh tình trạng lợi dụng việc chuyển mục đích sử dụng rừng để phá rừng trái phép.

3021-11-1656201641.jpg
ỉnh Sơn La kiên quyết thu hồi rừng đối với các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư không thực hiện nghĩa vụ bảo vệ rừng, để xảy ra mất rừng

Chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở, các chủ rừng tăng cường quản lý bảo vệ rừng; tích cực tuần tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại rừng. Phối hợp với các sở, ngành có liên quan đẩy mạnh công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, đặc biệt là diện tích rừng do UBND cấp xã đang quản lý. Kiên quyết thu hồi rừng đối với các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư không thực hiện nghĩa vụ bảo vệ rừng, để xảy ra mất rừng.

Xử lý trách nhiệm của chủ rừng, tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng nhưng không ngăn chặn, xử lý kịp thời. Địa bàn nào để xảy ra các hành vi xâm hại tài nguyên rừng mà không chỉ đạo xử lý kịp thời, tạo thành điểm nóng, thì Chủ tịch UBND huyện đó chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, tuyên truyền, triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về bảo vệ và phát triển rừng; chủ trì, tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách để nâng cao hiệu quả công tác, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao đời sống, thu nhập người làm nghề rừng; huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất lâm nghiệp, tiêu thụ nông, lâm sản tại các tỉnh nhằm giảm áp lực lên rừng.

Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm chủ động nắm tình hình, phối hợp các lực lượng chức năng, UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh, dứt điểm các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, đặc biệt là tình trạng phá rừng, các hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ.

Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các huyện, thành phố, chủ động phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, Ban chỉ huy quân sự huyện, Bộ đội biên phòng điều tra, xác minh, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về lâm nghiệp, đặc biệt là hành vi phá rừng, lấn chiếm rừng trái phép.

Sở TN&MT chủ trì, đẩy nhanh tiến độ giao đất, cho thuê đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, chuyển mục đích sử dụng đất rừng trái quy định. Tham mưu với UBND tỉnh cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho chủ rừng theo quy định, đảm bảo phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.

Giao Sở Nội vụ nghiên cứu, tham mưu với UBND tỉnh bố trí đủ biên chế cho Kiểm lâm, để tăng cường lực lượng Kiểm lâm địa bàn, mục tiêu mỗi xã có 1 kiểm lâm địa bàn phụ trách thực hiện tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở trong quản lý, bảo vệ rừng./.

Minh Hùng

Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/son-la-kien-quyet-thu-hoi-rung-neu-de-xay-ra-mat-rung-a7461.html