Tự chữa lành: Chìa khóa dẫn tới bình yên hay phong trào của giới trẻ?

Tự chữa lành được nhiều người biết đến như một xu hướng chăm sóc sức khỏe tinh thần nổi bật trong những năm gần đây. Dù còn khá mơ hồi với nhiều người, đặc biệt là những người chưa từng tìm hiểu và trải nghiệm thiền định hay các phương pháp trị liệu nội tâm, "tự chữa lành" đang dần trở nên phổ biến, thậm chí tạo nên những quan điểm trái chiều : “Liệu đây là một phương thức hồi phục sức khỏe thiết thực hay chỉ là một xu hướng nhất thời?”

Xu hướng phục hồi sức khỏe toàn cầu

Tại Hội thảo Bộ Y Tế năm 2019, Bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết kết quả khảo sát kết luận khoảng 15% trên tổng dân số Việt Nam, tương đương hơn 14 triệu người đang chịu ảnh hưởng từ áp lực và căng thẳng, đặc biệt là người trẻ.

Hai năm sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Gutteres đã gọi năm 2021 là “năm để chữa lành” (Year of healing). Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hồi phục mối quan hệ giữa con người với con người cũng như con người và thiên nhiên. Những vấn đề về sức khỏe tâm lý cũng được đặc biệt quan tâm, khi những vận động viên thi đấu thể thao đỉnh cao như Simone Biles hay Naomi Osaka bày tỏ mong muốn nghỉ thi đấu do căng thẳng tâm lý.

Ở Việt Nam, lệnh thực hiện giãn cách xã hội đầu tiên cũng được triển khai vào giữa năm 2020. Để thích nghi với cuộc sống cách ly xã hội, người dân bắt đầu tìm tới những phương pháp để giải tỏa tâm lý tại nhà. Tự chữa lành, tại thời điểm này, bắt đầu được biết đến như một phương thức giúp phục hồi sức khỏe thể chất cũng như tâm lý của thế giới nói chung, và người Việt nói riêng.

Khái niệm "tự chữa lành": Cần góc nhìn đa chiều

"Tự chữa lành" (Self – healing) là sự hồi phục các trạng thái tiêu cực của một người thông qua việc quay trở về với chính mình. Những phương pháp này không đem lại hiệu quả tức thời mà cần được thực tập một cách có ý thức và xem như một thói quen hàng ngày.

dsc08431-1656399287.jpg

Một buổi thực hành thiền định tại TOKI Đam Khê

Trong cuộc sống, mỗi người đều gặp phải những vấn đề riêng, đặc biệt là ở xã hội đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ về kinh tế và xã hội như Việt Nam. Những vấn đề này có thể là các mối quan hệ không lành mạnh, sự hoài nghi, thiếu niềm tin vào bản thân hoặc một số trạng thái như căng thẳng sau sinh, khủng hoảng giai đoạn chuyển giao lứa tuổi hay mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. 

Từ góc nhìn của một người làm công việc tham vấn, điều trị bằng phương pháp thiền định cho những người gặp khó khăn trong việc cân bằng cuộc sống, anh Huynh Nguyễn (Justin Nguyễn) cho biết: “Cá nhân mỗi chúng ta thường theo đuổi những mong ước về tình cảm, tài chính và sự nghiệp để rồi coi chúng như những thước đo hạnh phúc trong cuộc sống... Nhưng tới bao giờ chúng ta đạt được những mong muốn của mình thì chúng ta không biết.”

Các phương thức tự chữa lành

Có nhiều phương pháp thực tập chữa lành khác nhau và có thể chia nhỏ làm hai nhóm chính: Chữa lành thể chất và chữa lành tâm trí. Một số phương pháp nổi bật, được nhiều người quan tâm có thể kể tới:

Chữa lành thể chất:

-  Vận động

Các hoạt động rèn luyện cơ thể như Yoga, Pilates, Gym, khiêu vũ hoặc các môn thể thao cá nhân hoặc đối kháng, đều có tác dụng giải tỏa căng thẳng thông qua việc vận động thể chất. “Bạn không cần có một chương trình luyện tập 45 phút đầy mồ hôi... Việc đi bộ trong 10 phút cũng có thể là một xuất phát điểm tốt như bao việc khác” - Theo Viện nghiên cứu Sức khỏe tâm lý tại ĐH Harvard

Chế độ ăn

Nguồn thức ăn mỗi người tiêu thụ hàng ngày có ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể, trong đó bao gồm não bộ. Chất xơ, vitamins và các chất khoáng giúp bảo vệ cơ thể khỏi stress và giảm thiểu các tổn thương liên quan tới hệ thần kinh. Bên cạnh đó, các món ăn chay kích thích đường tiêu hóa tiết ra chất insulin để não bộ sản sinh nhiều serotonin hơn, tạo cảm giác thoải mái sau khi ăn.

Chữa lành tâm trí:

Thiền định

Thiền (禅)trong tiếng Hán là lặng nghĩ suy xét, định (定) là bình tĩnh, không bị lay động. Đây là trạng thái tập trung hướng ý thức vào bên trong để tự thấu hiểu cơ thể và tinh thần của bản thân một cách rõ ràng, tường tận. Có nguồn gốc từ thời xa xưa và tồn tại cho tới ngày nay, thiền định đã được phát triển ra thành nhiều loại hình khác nhau.

 Viết chữa lành

Phương pháp này chủ yếu sử dụng các kỹ thuật viết tự do để nhận diện và chữa lành các vết thương và vấn đề bên trong. Những người thực tập viết chữa lành thường thả lỏng trước khi thể hiện liền mạch những suy nghĩ hiện lên trong đầu ra giấy. Phương pháp này đòi hỏi người thực tập sự dũng cảm đối diện với bản thân và kiên trì mạch viết, thậm chí bỏ qua mọi lỗi sai về chính tả để những vấn đề được xuất hiện một cách tự nhiên.

-   Bài Tarot:

Trong thời gian giãn cách xã hội, những video thông điệp chữa lành từ những người giải bài Tarot (Tarot Reader) đã được lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội như Youtube, Instagram, Tiktok... đặc biệt là trong cộng đồng thế hệ Gen Z. Thông qua các trải bài Tarot, người xem sẽ có thêm góc nhìn về những vấn đề cá nhân trong thời điểm hiện tại và nhận được những lời khuyên để cải thiện cuộc sống.

"Không gian chữa lành" - Yếu tố ít người quan tâm

Trong quá trình chữa lành, người thực tập nên tới những địa điểm yên tĩnh, riêng tư và gần với thiên nhiên. “Một không gian mang tính hồi phục cần có ánh sáng mô phỏng theo môi trường tự nhiên – trong thẻo và thân thiện với thị giác. Một thiết kế kiến trúc tốt được thể hiện qua tiêu chí hòa hợp tuyệt đối với thiên nhiên sẽ phù hợp với tinh thần nghỉ dưỡng” - Chuyên gia thiết kế kiến trúc tại Stay TOKI cho biết.

toki-dam-khe-1656399501.jpg

Một góc không gian tại Stay TOKI - nơi sự gần gũi và thân thuộc với thiên nhiên là tiêu chí quan trọng nhất để "tự chữa lành"

Ngoài ra, không gian phòng cũng có thể kết hợp sử dụng nến thơm hoặc các loại tinh dầu thân thiện với sức khỏe để giúp cơ thể cảm thấy thoải mái, bớt căng thẳng trong quá trình thực tập chữa lành.

Tìm về bình yên

Anh N.Q. Hải, 33 tuổi, hiện đang đảm nhiệm vai trò lãnh đạo truyền thông tại một tập đoàn lớn, vì yêu cầu của công việc, anh Hải thường xuyên đi công tác xa và có thói quen ngủ ít để làm việc. Sau một thời gian dài duy trì cường độ lao động, anh Hải nhận ra mình đã rơi vào tình trạng kiệt sức trước áp lực công việc. Những lần đi chơi cũng không còn vui như trước, những cuộc trò chuyện với bạn bè đồng nghiệp cũng không khiến tâm trạng anh tốt hơn. “Tôi thật sự cần được nghỉ ngơi” – anh Hải chia sẻ.

Sau khi tìm hiểu về các cách thức để hồi phục tâm lý, anh Hải đã sắp xếp thời gian và thử tham gia một khóa học về thiền định. “Tôi nhận ra mình đã dành quá ít thời gian cho chính bản thân mà luôn bị cuốn theo những xô bồ ngoài cuộc sống và quên chăm lo, bồi dưỡng tâm hồn. Tôi đã dành phần lớn thời gian của mình cho gia đình, người yêu, bạn bè mà đã quên chính mình” – anh Hải chia sẻ ở cuối buổi học. Kết thúc khóa học, anh Hải vẫn dành thời gian để thực tập thiền mỗi ngày. Theo anh, thiền định giúp anh tập trung hơn vào thực tại và giảm bớt những suy nghĩ thiếu tích cực, qua đó cải thiện tình trạng khó ngủ và mất tập trung trong công việc.

Vĩ thanh

Khó có đi tới kết luận “tự chữa lành” chỉ là một từ khóa “trending”, hay sẽ hình thành một xu hướng bền vững, vì những phương pháp này đã tồn tại lâu đời và được kiểm chứng hiệu quả bởi những người tu tập đều đặn. Tuy nhiên, để hình thành “văn hóa chữa lành”, thời gian và sự vận động của xã hội sẽ là chìa khóa để trả lời. Trao đổi sâu hơn với phóng viên về thiền định và hiệu quả mà thiền định mang lại, anh Huynh Nguyễn trải lòng: “Hạnh phúc không phải là một trạng thái cảm xúc. Hạnh phúc là một kĩ năng. Mà đã là kĩ năng thì phải có thực tập và vấp ngã mới cho ra kết quả."./.

 

 

Huy Hoàng

Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/tu-chua-lanh-chia-khoa-dan-toi-binh-yen-hay-phong-trao-cua-gioi-tre-a7120.html