Phát động lễ trồng cây, tầm nhìn thời đại của Bác Hồ

Đón sinh nhật Bác, lại nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhớ về lời Người căn dặn trong những bài viết về Tết trồng cây đầu tiên mà Bác phát động Tết Canh Tý 1960, cách đây 62 năm.

 

bac-trong-cay-01-1652836588.jpg
 

Trong suốt cuộc đời mình, Bác Hồ rất quan tâm tới công cuộc trồng cây, gây rừng và bảo vệ rừng. Với Người, trồng cây không chỉ là công việc nông lâm đơn thuần, mà còn có ý nghĩa sâu sắc là giáo dục đạo đức lao động cho nhân dân; đặc biệt là giáo dục ý thức cho con người trong việc bảo vệ môi trồi sinh thái.

Vì vậy, ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh Trần Lực đã viết bài “Tết trồng cây” đăng trên báo Nhân dân (số 2082, ngày 28/11/1959). Trong bài viết, Người đã phân tích ý nghĩa và lợi ích thiết thực của việc trồng cây làm cho đất nước thêm xanh, góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi sinh, bảo vệ môi trường.  Người nêu rõ: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều... Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta...”.

Nói và làm gương cho mọi người. Vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn dân ta đã tham gia “Tết trồng cây” đầu tiên trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý (1960). Sáng 1/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Thủ đô đã trồng cây ở Công viên Hồ Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất). Tại nơi đây, Bác đã tự tay cầm xẻng, xúc đất vun cho một cây đa nhỏ. Trồng cây xong, Bác nói chuyện thân mật với mọi người về lợi ích của việc trồng cây. Người nói đại ý rằng, mấy năm trước nơi đây còn là bãi rác, nhờ có lao động của mọi người mà nay cây đã lên xanh tốt. Vậy chúng ta phải lao động cho thật tốt, ta làm cho ta và cho con cháu đời sau.

Ngày 19/1/1960, Báo Nhân dân đăng bài viết của Bác Hồ với tiêu đề  “Tết trồng cây đã thắng lợi bước đầu”, trong bài viết Bác nêu gương một số địa phương thực hiện tốt Tết trồng cây, đồng thời lưu ý người tham gia trồng cây phải coi trọng chất lượng, kết hợp việc trồng cây với trồng rừng liên tục.

Tiếp đó, ngày 25/3/1960, Bác viết  bài “Thêm vài ý kiến về Tết trồng cây”, đăng trên báo Nhân dân, bài viết nêu rõ: “Tết trồng cây cũng là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục... là một việc quan trọng chuẩn bị cho công cuộc xây dựng nông thôn mới mai sau, do đó phải rút kinh nghiệm, cần sửa chữa khuyết điểm, phải có kế hoạch, có hướng dẫn, phải làm đúng khẩu hiệu “Trồng cây nào tốt cây ấy”.

 Từ mùa xuân đó tới nay, "Tết trồng cây" theo lời Bác đã thực sự mang lại lợi ích to lớn cho đất nước và trở thành một tập quán tốt đẹp của nhân dân ta trong những dịp tết đến xuân về. Trồng cây, trồng rừng đã góp phần quan trọng trong việc chủ động phòng, chống thiên tai, điều hòa khí hậu, cải thiện môi trường sinh thái, làm đẹp thêm cảnh quan thiên nhiên, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Ngày nay, khi nhiệt độ Trái đất ngày càng nóng lên, biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng đang đe dọa cuộc sống của con người, việc trồng cây, trồng rừng và bảo vệ rừng ngày càng có ý nghĩa chiến lược, là yếu tố then chốt để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

Nhà nhà trồng cây, người người trồng cây; trồng cây ăn quả, lấy gỗ, cây chắn gió bảo vệ đê biển, chống xói mòn đất, chống cát bay; trồng cây trong thôn xóm, dọc đường giao thông nông thôn, vùng ven biển, biên giới, trên các hải đảo, vùng đất trống, đồi trọc... phù hợp với điều kiện của từng nơi. Đồng thời, nâng cao ý thức và có nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực để bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái pháp luật…

Cây xanh từ xưa đến nay luôn được coi là "lá phổi" của Trái đất. Chương trình Quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các-bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030 ( gọi tắt chương trình REDD+). Trong đó, giai đoạn 2017 - 2020, mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao độ che phủ rừng toàn quốc lên 42% và diện tích các loại rừng đạt 14,4 triệu ha vào năm 2020.

Ở giai đoạn 2021 - 2030, ổn định diện tích rừng tự nhiên đến 2030 ít nhất bằng diện tích đã đạt được tại năm 2020 và tăng độ che phủ rừng toàn quốc lên 45%, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia đến năm 2030. Làm tốt điều này là làm theo lời dạy của Bác, chúng ta vừa góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho nhân dân, vừa giữ gìn môi trường sống xanh, sạch, đẹp cho quê hương, đất nước, cho chính mỗi chúng ta, và cho muôn đời sau.

Tết Canh Tý năm 1960, Bác Hồ đã phát động Tết trồng cây đầu tiên, đến Xuân Canh Tý 2020 đã 60 năm phong trào Tết trồng cây đã vừa tròn, đất nước ta đã có thêm hàng triệu nghìn cây xanh tỏa bóng, hàng vạn héc ta rừng phủ kín đồi hoang. Thành tựu của phong trào Tết trồng cây thật vô cùng to lớn, góp phần tạo nên cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cho đất nước, chống biến đổi khí hậu khí hậu.

Rừng dưỡng đất vàng, ngăn dòng thác lũ, rừng là bạn quý. Để “Tết Trồng cây” đi vào chiều sâu, mang lại những hiệu quả thiết thực, không những chúng ta tổ chức trồng thêm nhiều cây, mà còn cùng nhau nâng cao ý thức bảo vệ cây xanh của mọi người: Đi chơi xuân không tự tiện bẻ cành ngắt lá; dạo vườn hoa không dẫm chân lên cỏ, không tự tiện hái hoa. Mỗi người đều có ý thức một chút để bào vệ cảnh quan môi trường, bảo vệ cây xanh, có như vậy, Tết trồng cây sẽ thật sự có ý nghĩa./.

Nguyễn Đỗ TH

Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/phat-dong-le-trong-cay-tam-nhin-thoi-dai-cua-bac-ho-a6573.html