Thế thượng phong của bất động sản sân golf

Sự “đại chúng hóa” của golf, xu hướng nghỉ dưỡng và hưởng thụ những dịch vụ đẳng cấp đang đẩy bất động sản golf phất lên nhanh chóng.

Nở rộ dự án sân golf

Tại lễ khai trương sân golf đầu tiên của Đà Nẵng – sân Montgomerie Links, cách đây hơn mười năm, nhà thiết kế sân golf nổi tiếng Colin Montgomerie đã dự báo Việt Nam sẽ là quốc gia thống trị thị trường golf tại châu Á. “Những gì Việt Nam đang có như một giấc mơ, với những địa hình bán sa mạc, đặc tính định hình ấn tượng, phù hợp với sân golf”. Mười năm sau lời “tiên đoán” đó, hàng loạt dự án bất động sản golf được ào ạt đầu tư trên cả nước, trong đó duyên hải miền Trung được đánh giá là vùng có số lượng dự án bất động sản golf vào loại “dày” nhất.

Trong số các địa phương duyên hải miền Trung, thành phố biển Đà Nẵng, một trong ba trung tâm du lịch (cùng với Nha Trang, Quy Nhơn) là một trong những “cứ địa” đầu tiên xuất hiện các dự án sân golf. Những dự án sân golf đẳng cấp có thể kể đến như: Montgomerie Links 18 hố đạt tiêu chuẩn thi đấu quốc tế; BRG DaNang Golf Resort 18 hố đầy cam go trải dọc bờ biển Non Nước; Ba Na Hills Golf Club 18 hố tọa lạc dưới chân núi Bà Nà hùng vĩ; hay cách Đà Nẵng chừng 40km về phía bắc thuộc địa phận thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên-Huế) là sân Laguna Golf Lăng Cô 18 hố, 71 gậy do Nick Faldo thiết kế…

Có một thực tế là ban đầu những dự án sân golf được đầu tư xây dựng chỉ dừng lại ở hạng mục đơn lập, nghĩa là chuyên về sân golf. Dần về sau này, khi nhu cầu của khách hàng tăng lên, những tiện ích khác mới bắt đầu được tính tới. Từ đây, những dự án sân golf có tích hợp bất động sản – dịch vụ ra đời, gắn liền với các thương hiệu địa ốc lớn: VinaCapital, Vingroup, Sun Group, FLC, BRG, Novaland, Hưng Thịnh Group, Long Thành Group…

gettyimages-520209797-1652518782.jpg
Sự “đại chúng hóa” của golf, xu hướng nghỉ dưỡng và hưởng thụ những dịch vụ đẳng cấp đang đẩy bất động sản gofl phất lên nhanh chóng.

Tập đoàn FLC có lẽ đang sở hữu nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng gắn liền với sân golf nhất. Theo thống kê chưa đầy đủ, FLC hiện đang sở hữu hệ thống 29 sân golf hoạt động trên cả nước, bao gồm FLC Ha Long Golf Club, FLC Samson Golf Links, FLC Quy Nhơn Golf Links, FLC Quảng Bình Golf Links… Nổi bật tiếp theo là Vingroup với hệ thống Vinpearl Golf tại nhiều tỉnh, thành như Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc… Ngay từ năm 2018, Vinhomes (thuộc Vingroup) đã trở thành cổ đông sở hữu 98% vốn điều lệ của GS Củ Chi, đơn vị phát triển dự án sân golf Củ Chi ở Tây Bắc TP. HCM.

Theo Cen Golf, nếu ở thập kỷ trước, số lượng sân golf trong nước còn hiếm, thì hiện tại có khoảng 100 sân golf ngoài trời. Số lượng người chơi golf cách đây 2 năm mới dừng lại ở mức 70.000 người thì nay đã tăng lên gần 100.000 người. Đáng chú ý là số lượng người Việt Nam chơi golf chiếm áp đảo và số người nữ tham gia chơi golf cũng tăng đáng kể.

Theo Hiệp hội Golf Việt Nam, doanh thu ngành golf hiện nay đã lên tới hơn 1 tỷ USD, dự kiến cán mốc 3 tỷ USD vào năm 2030. Còn theo thống kê của Tổ chức Du lịch golf thế giới (IAGTO), khách du lịch golf chi tiêu gấp hơn 2 lần so với mức chi tiêu của khách du lịch thông thường. Nhiều sân golf tại Việt Nam được xây dựng không chỉ dành riêng cho những người chơi môn thể thao này mà trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Điều này mở ra tiềm năng lớn để phát triển mạnh loại hình bất động sản nghỉ dưỡng sân golf.

Và những dự án “ăn theo”

Sự phát triển của golf kéo theo nhu cầu về dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp đi lên. Những tay golf chuyên nghiệp có xu hướng nghỉ ngơi ngay ở khu vực chơi golf. Do đó, theo các chuyên gia, bất động sản sân golf phù hợp cho những ai tìm kiếm sự an toàn bởi không gian rộng rãi, hòa hợp với thiên nhiên và có thể làm việc từ xa.

Theo khảo sát tại các đơn vị tư vấn và phân phối bất động sản uy tín như: Savills, CBRE, DKRA… bất động sản sân golf vẫn nằm trong danh sách ưu tiên đầu tư của khách hàng trong bối cảnh diễn biến khó lường từ đại dịch Covid-19 thời gian qua. 3 nhóm khách hàng có nhu cầu đặc biệt với loại hình bất động sản này là: nhà đầu tư có sở thích sưu tập những tài sản đặc biệt, khan hiếm về số lượng; những người đam mê golf với khoảng 70% - 80% doanh nhân chơi golf vì sức khỏe, sở thích và phục vụ các mối quan hệ làm ăn; nhà đầu tư tại các dự án tổ hợp nghỉ dưỡng vui chơi giải trí quy mô lớn, thuận tiện giao thông.

Nắm bắt được sự chuyển dịch về nhu cầu của khách hàng và nhà đầu tư, nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng đi kèm sân golf được đã và đang được đầu tư. Có thể kể đến như: tại Quảng Nam là cú bắt tay giữa Hoiana và VinaLiving - đơn vị chuyên phát triển bất động sản hạng sang và siêu sang thuộc VinaCapital, tạo nên dự án Hoiana Shores Golf Villas thuộc khu nghỉ dưỡng phức hợp Hoiana đầu tư sân golf Hoiana Shores 18 lỗ tiêu chuẩn Championship lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam; hay tại Quảng Bình, với tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng, dự án sân golf Bảo Ninh Trường Thịnh sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn sân golf 36 hố đạt đẳng cấp quốc tế; tại Phú Yên là dự án Biển Hồ-Đá Bia đang được quy hoạch cũng có hạng mục sân golf; tại Khánh Hoà là dự án Lotus Cam Ranh…

Không những vậy, có những nhà đầu tư tranh thủ là “hàng xóm” của sân golf đã cho thiết kế loại hình bất động sản phù hợp để tận dụng, khai thác lợi thế view… sân golf. Golf View Luxury Apartment Đà Nẵng là tổ hợp căn hộ cao cấp có quy mô 11.550m2, thuộc khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp The Empire nằm trên đường Trường Sa, Hòa Hải, Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng) là một trong những dự án như vậy. Với lợi thế nằm giữa 2 sân golf đẳng cấp BRG Danang Golf Resort và Montgomerie Links, chủ đầu tư đã xây dựng các tháp căn hộ cao tầng để khai thác view sân golf.

Ở Quy Nhơn, (Bình Định), dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng Học viện Golf trên địa bàn xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, nằm tại tiểu khu 3 thuộc khu đô thị du lịch Nhơn Hội (phân khu 3) cũng được bao quanh bởi toàn bộ mặt bằng của sân golf FLC Quy Nhơn… Cũng tại Quy Nhơn, dự án có quy mô gần 72ha nằm tại thôn Hải Bắc (xã Nhơn Hải, TP .Quy Nhơn), một phần thuộc phân khu 04 và phân khu 05 (khu kinh tế Nhơn Hội) có tên thương mại Homeliday, được thiết kế theo dòng Sea-Golf Villas cũng được thiết kế theo kiến trúc tận dụng mặt tiền sân golf.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng bất động sản nghỉ dưỡng sân golf là một trong những loại hình bất động sản hạng sang, hấp dẫn đối với phân khúc khách thượng lưu hoặc dành cho những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính trung, dài hạn. Đây là kênh đầu tư an toàn, hiệu quả bởi sự khan hiếm nguồn cung, không chịu ảnh hưởng nhiều từ biến động thị trường cùng với giá trị đẳng cấp dòng sản phẩm mang lại. “Việt Nam chưa có nhiều dự án nghỉ dưỡng theo loại hình này và dự báo nhu cầu đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng sân golf tăng mạnh trong các năm tới bởi những tiềm năng, ưu thế vượt trội mà loại hình bất động sản này sở hữu”.

Tuy nhiên, cũng theo ông Đính, đối với phân khúc bất động sản sân golf không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đầu tư. Từ trước đến nay, tại Việt Nam chỉ có một số đại gia bất động sản với tiềm lực tài chính mạnh, có quỹ đất lớn và kinh nghiệm lâu năm trên thương trường mới có thể “chinh phục” dòng sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng kết hợp sân golf như là chiến lược đầu tư lâu dài vừa gia tăng giá trị, vừa khẳng định thương hiệu, đẳng cấp trên thương trường.

Theo Hà Minh/Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính

Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/the-thuong-phong-cua-bat-dong-san-san-golf-a6492.html