EVN vẫn bảo đảm cung ứng điện dù các nguồn nhiệt điện than huy động thấp

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn bảo đảm cấp điện ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội dù trong 3 tháng đầu năm dù các nguồn nhiệt điện than huy động thấp hơn kế hoạch 1,365 tỷ kWh.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, trong quý I, Tập đoàn gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện với lượng than được cung cấp thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng. Tính đến cuối tháng 3/2022, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát. Tổng các nguồn nhiệt điện than huy động thấp hơn kế hoạch 1,365 tỷ kWh.

Để tháo gỡ khó khăn, EVN đã chủ động làm việc với các đối tác cung ứng than trong nước nhằm tìm cách tháo gỡ các vướng mắc phát sinh và báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo.

Cùng với đà phục hồi chung của nền kinh tế, phụ tải toàn hệ thống tiếp tục tăng cao. Trong đó, phụ tải trong tháng 3 cao hơn trung bình khoảng 4,2 triệu kWh/ngày so với phương thức dự kiến.

Tuy nhiên do có sự chủ động trong việc xây dựng các kịch bản bảo đảm cung ứng điện và những nỗ lực trong công tác quản lý vận hành, đến nay, EVN vẫn bảo đảm cấp điện ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Cụ thể, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống trong tháng 3/2022 đạt 23,45 tỷ kWh, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 3 tháng đạt 63,03 tỷ kWh, tăng 7,8% so với cùng kỳ.

Trong đó, tỷ lệ huy động thủy điện đạt 16,48 tỷ kWh, chiếm 26,1%; nhiệt điện than đạt 28,37 tỷ kWh, chiếm 45%; turbine khí đạt 7,56 tỷ kWh, chiếm 12% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) đạt 10,01 tỷ kWh, chiếm 15,9% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống (điện mặt trời đạt 6,86 tỷ kWh; điện gió đạt 2,95 tỷ kWh).

Trong quý I/2022, điện sản xuất của EVN và các tổng công ty phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 26,66 tỷ kWh, chiếm 42,29% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống.

Trong khi đó, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã sẵn sàng các phương án bảo đảm cung cấp điện trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày giải phóng miền Nam 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5 trên địa bàn miền Trung – Tây Nguyên.

san-xuat-than-1647491129548621836740-1649388408.jpg
EVN vẫn bảo đảm cung ứng điện dù các nguồn nhiệt điện than huy động thấp

Ông Nguyễn Thành, Phó Tổng Giám đốc EVNCPC cho biết để bảo đảm yêu cầu cấp điện phục vụ lễ hội, dịch vụ, sản xuất và đời sống vào các dịp lễ, Tổng công ty yêu cầu 13 công ty điện lực chủ động làm việc với chính quyền địa phương để nắm bắt thời gian, địa điểm tổ chức các lễ, hội, bố trí phương thức cấp điện hợp lý để vận hành an toàn, tin cậy nguồn, lưới điện trong điều kiện bình thường và linh hoạt chuyển đổi nếu có sự cố.

Ưu tiên bảo đảm điện tại các địa điểm diễn ra các hoạt động chính trị, văn hoá của các địa phương, xem xét bố trí máy phát điện diesel dự phòng; tái lập ca trực tại các trạm biến áp 110 kV không người trực cấp điện cho các địa điểm diễn ra các hoạt động chính trị, văn hoá lớn. Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các khiếm khuyết của thiết bị nguồn, lưới điện, trạm biến áp 110 kV không người trực; phát quang đảm bảo an toàn hành lang tuyến.

Đặc biệt, từ 00h đến 24h các ngày 10/4 (10/3 Âm lịch), 30/4 và 1/5, EVNCPC không bố trí sửa chữa trên lưới điện, trừ trường hợp bất khả kháng.

Tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp, làm đứt gãy nguồn cung về năng lượng nói chung, gây khó khăn cho quá trình mua bán, thanh toán của các vật tư chiến lược bao gồm xăng dầu, khí đốt và than, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình phục hồi kinh tế và sinh hoạt của người dân. Để có thể bảo đảm đủ nguồn than cho sản xuất điện, TKV cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị tăng sản lượng khai thác đến mức tối đa, điều chỉnh phương án chế biến than trong nước... Song, TKV cũng đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ cho phép chủ đầu tư các NMNĐ BOT dùng thêm nguồn than pha trộn nhập khẩu như các NMNĐ khác, do nguồn than trong nước phải đưa vào pha trộn với than nhập khẩu mới bảo đảm đủ than cung cấp cho các NMNĐ. TKV kiến nghị Chính phủ xem xét tăng giá bán than trong nước, đặc biệt giá bán than cho các NMNĐ. Trước tình hình giá nguyên liệu, sắt thép năm 2022 tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều năm, cộng với chi phí chống dịch và tiền lương giữ chân lao động thợ lò tăng cao, làm giảm hiệu quả kinh doanh của TKV.

Với yêu cầu phải bảo đảm nguồn cung ứng than cho điện và bảo đảm đủ điện trong mọi tình huống, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các tập đoàn thực hiện ngay giải pháp nhằm huy động bổ sung sản lượng phát điện từ các nguồn khác. Trước hết, các đơn vị sản xuất than (TKV và Tổng công ty Đông Bắc), khí (PVN) cần nâng cao năng lực sản xuất nhiên liệu sơ cấp trong nước; tăng cường ký kết các hợp đồng mua bán than, khí với những đối tác truyền thống và đối tác mới. Cùng với đó, nâng cao trách nhiệm trong việc hợp tác với những đối tác trong và ngoài nước để bảo đảm huy động tối đa các nguồn điện; Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia và những đơn vị truyền tải phải đặt vào trạng thái luôn sẵn sàng để thực hiện được các mục tiêu này... Về dài hạn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các tập đoàn phối hợp chặt chẽ để báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính và cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến giá điện, giá nhiên liệu sơ cấp, vướng mắc trong thanh quyết toán liên quan đến sản xuất điện.
 

Anh Vân (t/h)

Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/evn-van-bao-dam-cung-ung-dien-du-cac-nguon-nhiet-dien-than-huy-dong-thap-a5342.html