Nhiều cơ hội trong đàm phán về mức thuế mới của Hoa Kỳ với rau quả
Là một trong những nhóm hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhất của ngành nông nghiệp vài năm trở lại đây, rau quả Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào việc mở rộng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, việc Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế đối ứng 46% lên hàng hóa xuất khẩu Việt Nam khiến các doanh nghiệp rất bất ngờ.
Ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết cán cân thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong nhóm rau quả đang nghiêng về phía Hoa Kỳ. Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ 360 triệu USD nhưng nhập từ Hoa Kỳ tới 540 triệu USD.
Xét về thị phần, hiện nay rau quả nhập khẩu từ Việt Nam mới chỉ chiếm 1,2% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả hằng năm của Hoa Kỳ. Trong khi đó, sản phẩm của Hoa Kỳ đang chiếm hơn 20% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam. Như vậy, có thể thấy tác động của mặt hàng rau quả Việt Nam lên thị trường Hoa Kỳ không đáng kể. Trong khi đó, rau quả Hoa Kỳ đang chiếm ưu thế tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Văn Mười, các chủng loại rau quả Việt Nam và Hoa Kỳ không cạnh tranh trực tiếp với nhau. Trong khi Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ các loại rau quả nhiệt đới thì ngược lại sản phẩm của Hoa Kỳ chủ yếu là ôn đới. Tiềm năng và dư địa để hai bên tiếp tục thúc đẩy thương mại nhóm sản phẩm này vẫn còn lớn.
Nhận định về những tác động của việc áp mức thuế quan lần này của Mỹ đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết: Năm 2024, Hoa Kỳ đóng góp 13,8 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam, đứng thứ nhất, sau đó đến Trung Quốc 13,6 tỷ USD. Tỷ trọng này cho thấy, lợi thế của chúng ta nghiêng về thị trường Hoa kỳ. Thế nhưng, khi nông sản Việt Nam vào Hoa Kỳ, chúng ta phải đối mặt với nhiều rào cản như thuế chống bán phá giá, phải có tiêu chuẩn tương đương và chúng ta đều vượt qua.
Ở mức thuế mới hiện nay của Hoa Kỳ, nông sản Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp, nhưng phải dĩ bất biến, ứng vạn biến. Chúng ta phải tập trung chỉ đạo sản xuất, làm sao vừa nâng cao năng suất, chất lượng, vừa có thể hạ giá thành để cạnh tranh với các thị trường khác.
Đương nhiên, trong quá trình áp thuế, Việt Nam sẽ tiếp tục có ý kiến với các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ, vì Hoa Kỳ đang là đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Vừa rồi, Chính phủ đã họp 2 phiên bàn thảo về chuyện này, tôi tin chúng ta sẽ có giải pháp phù hợp, trong đó có nhóm giải pháp về khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đạt được tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường trong nước. Mặt khác chúng ta cũng cần mở rộng thị trường xuất khẩu, không để phụ thuộc vào một thị trường nào.
Mặc dù đến ngày 9/4 mới biết mức thuế cụ thể cho từng mặt hàng nhưng ngành rau quả vẫn hy vọng mức thuế đối ứng nếu có sẽ thấp hơn những mặt hàng có thâm hụt thương mại lớn.
Cơ hội để doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông lâm thủy sản tái cơ cấu lại sản xuất
Đề xuất các giải pháp ứng phó với việc Mỹ áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam, theo ông Nguyễn Văn Mười, từ nay đến hôm mùng 9/4, trước khi các quyết định chính thức được đưa ra thì mọi kịch bản ứng phó đều rất khó xây dựng.
"Từ nhiệm kỳ trước, ông Trump đã có sự thay đổi nhanh trong chính sách thuế nên chắc chắn từ nay đến ngày 9/4 sẽ còn có những thay đổi. Tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ chuẩn bị tốt các phương án đàm phán để đạt được mức thuế hợp lý cho từng ngành hàng khác nhau", ông Mười nói.
Ông Mười cũng cho rằng, việc Mỹ đánh thuế 46% lên hàng hóa Việt cũng được coi là cơ hội để mỗi doanh nghiệp trong ngành chế biến, xuất khẩu nông lâm thủy sản tái cơ cấu lại sản xuất để giảm chi phí giá thành, thúc đẩy chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm.
Bên cạnh đó, cần xem lại việc quy hoạch vùng nguyên liệu với xây dựng nhà máy chế biến, bởi hiện tại có nhà máy nằm cách khá xa vùng nguyên liệu. "Ví dụ, nhiều nhà máy chế biến rau quả nằm ở TP.Hồ Chí Minh, Long An trong khi khu vực này lại không phải là vùng nguyên liệu nên đã đẩy chi phí vận chuyển lên cao", ông Mười dẫn chứng.
Để ứng phó với “cơn lốc” thuế quan này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trước hết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ phối hợp với các Bộ khác tiếp tục làm việc với các cơ quan quản lý của Mỹ, để đàm phán, thuyết phục họ điều chỉnh lại mức thuế sao cho có lợi cho nông sản nước ta.
Bên cạnh đó, một trong những hướng đi quan trọng là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn của Mỹ.
“Dù khó khăn như thế nào, chúng ta vẫn cần giữ vững chiến lược "dĩ bất biến, ứng vạn biến", tập trung cho sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Hướng giải pháp thứ hai, phải mở rộng thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường. Trong đó, thị trường Trung Quốc hiện đứng thứ hai cho xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam. Nếu quan hệ Việt Nam và Trung Quốc ổn định, thì còn rất nhiều mặt hàng của Việt Nam có thể xuất khẩu sang Trung Quốc. Điều này càng đặc biệt khi Thứ trưởng cho biết chúng ta đã ký một số nghị định về sầu riêng đông lạnh, động vật tiêm vắc-xin giảm bị đông máu ví dụ cá sấu, khỉ, và rất nhiều đối tượng khác, cả những người trồng trọt, thuỷ sản.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, chúng ta có thể xuất khẩu mạnh vào thị trường lớn khác. Ngoài Trung Quốc, thị trường châu Âu cũng chiếm tới 44% kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản và cần tiếp tục phát triển thị trường này.
“Ngành nông nghiệp cần vừa tổ chức lại sản xuất, vừa ứng dụng công nghệ theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW, để nâng cao giá trị, năng suất, chất lượng, hạ giá thành, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường Hoa Kỳ và mở rộng các thị trường khác cũng rất nhiều tiềm năng với nông sản Việt Nam”, Thứ trưởng nhận định.
Bên cạnh mở rộng thị trường, Thứ trưởng cũng cho biết nhiều ngành hàng chủ lực đang có mức tăng trưởng cao có thể bứt phá vào tăng trưởng năm nay, bù đắp cho những tác động từ chính sách thuế quan của Hoa kỳ.
“Mỗi đối tượng xuất khẩu có "điểm nghẽn" riêng cần khơi thông bằng cách nâng cao năng lực, chủ động hội nhập, tăng sản lượng và giá trị, góp phần đạt mục tiêu xuất khẩu đạt 64-65 tỷ USD vào năm 2025 và các năm tiếp theo”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh./.
Trọng Bình