Nội dung trên là lời khẳng định của ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tại Hội thảo “Chuyển động xanh: Đông lực phát triển bền vững khu vực Bắc Trung Bộ” diễn ra vào ngày 4/4/2025 tại Khu sinh thái Linh Kỳ Mộc, phường Quảng Thịnh, thành phố Thanh Hoá.
Hội thảo có sự tham gia của ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cùng với các lãnh đạo sở Ban ngành trong tỉnh, cùng với lãnh đạo các Doanh nghiệp là hội viên tập thể của Hội và các hội viên cá nhân thuộc Hội nước sạch và Môi trường Việt Nam cùng hơn 120 đại biểu là đại diện của lãnh đạo các sở, ngành và doanh nghiệp của 6 tỉnh/thành phố khu vực Bắc Trung Bộ, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam nhấn mạnh: “Chuyển đổi xanh không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức to lớn từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Đối với khu vực Bắc Trung Bộ - vùng đất có vị trí địa lý chiến lược, giàu tiềm năng phát triển kinh tế biển, nông nghiệp bền vững và năng lượng tái tạo. Việc chuyển đổi xanh sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng môi trường sống và đảm bảo phát triển bền vững”.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá nhấn mạnh về những giá trị mà Hội thảo hướng tới. Đây là nơi chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu, đề xuất các giải pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh tại khu vực Bắc Trung Bộ. UBND tỉnh Thanh Hóa cam kết sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp, các nhà khoa học và tổ chức để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững.
Cũng trong Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp cũng nêu nên lên những khó khăn trong hành trình sản xuất xanh để cùng nhau bàn giải pháp, hướng tới một nền kinh tế xanh bền vững.
TS. Lại Văn Mạnh, Ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, nhận định: Để phát triển công nghệ xanh và nhân lực cho vùng Bắc Trung Bộ cần truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức; Đào tạo và đào tạo lại về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nhân rộng và phát triển các mô hình, giải pháp KTX, KTTH …; Hỗ trợ phát triển thị trường cho các công nghệ, thiết bị, sản phẩm, dịch vụ liên quan; Đầu tư vào R&D để phát triển các công nghệ xanh, công nghệ tuần hoàn.
Chia sẻ về việc chuyển đổi xanh trong lĩnh vực nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Vy - đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho biết, chuyển đổi xanh là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững. Chuyển đổi xanh trong nông nghiệp là quá trình tập trung vào việc áp dụng các phương pháp và công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa sự sử dụng tài nguyên tự nhiên, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, và tăng cường hiệu suất và sự bền vững của hệ thống nông nghiệp. Mục tiêu chính của chuyển đổi xanh trong ngành nông nghiệp là giảm thiểu phát thải khí nhà kính, sử dụng hiệu quả tài nguyên tự nhiên, và tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống nông nghiệp trước biến đổi khí hậu.
Với xu hướng toàn cầu hướng đến bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh Thanh Hóa cần tập trung vào các giải pháp chuyển đổi xanh nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả, đó là Tăng cường sản xuất nông nghiệp hữu cơ: Chuyển từ sản xuất nông nghiệp sử dụng hóa chất sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học.
Tăng cường hoạt động sản xuất nông nghiệp giảm phát thải, tạo tín chỉ carbon: trong các lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi. Tăng cường phối hợp với các tổ chức có tiềm năng, lợi thế về công nghệ chuyển đổi tín chỉ carbon, về đo đạc, thẩm định và cấp chứng chỉ theo quy định của pháp luật.
Chia sẻ về thách thức hiện tại trong khơi thông nguồn tín dụng xanh trong Công - Nông nghiệp, TS. Nguyễn Phương Nam - Giám đốc điều hành, Công ty Tư vấn & Dịch vụ Đổi mới Khí hậu KLINOVA, Đánh giá viên quốc tế của UNFCCC về BĐKH cho hay: Đối với tổ chức tín dụng: Thiếu cách xác định/phân loại và hướng dẫn về dự án xanh; Thiếu khung/hướng dẫn quản lý rủi ro ESG; Xác định các tổ chức độc lập đáng tin cậy để chứng nhận; Khung pháp lý và chính sách chưa hoàn thiện; Tiếp cận các nguồn vốn trong nước; Năng lực hạn chế của cán bộ về quản lý rủi ro ESG
Doanh nghiệp trong lĩnh vực Công – Nông nghiệp cần đầu tư nâng cao kiến thức và năng lực thực hành ESG cũng như thúc đẩy các sáng kiến “xanh hóa” sản xuất nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn xanh và đạt được hiệu quả cạnh tranh dài hạn.
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn, mà là con đường bắt buộc để du lịch sinh thái và bảo tồn di sản phát triển bền vững trong thế kỷ XXI. Việc kết hợp hài hòa giữa công nghệ hiện đại và giá trị truyền thống, giữa bảo tồn và phát triển, sẽ tạo ra những mô hình du lịch mới – nhân văn, thân thiện, hiệu quả và trường tồn với thời gian. Trong chặng đường ấy, mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp và mỗi cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch cần đóng vai trò chủ động và tích cực, góp phần xây dựng một nền du lịch vừa xanh vừa thông minh, vì tương lai chung của nhân loại và hành tinh xanh./.
Hà Khải
Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/chuyen-dong-xanh-dong-luc-phat-trien-ben-vung-khu-vuc-bac-trung-bo-a30770.html