“Lá phổi xanh” của vùng Đông Nam Bộ
Vườn Quốc gia (VQG) Bù Gia Mập (thuộc xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước), có tổng diện tích gần 26.000 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên chiếm hơn 25.000ha (4.134 ha rừng giàu, 1.310 ha rừng trung bình, 169 ha rừng nghèo, 304,8 ha rừng phục hồi, rừng hỗn giao 17.851 ha, và rừng tre nứa, lồ ô 1.776,5 ha).
Do đó, VQG Bù Gia Mập được coi là nơi lý tưởng phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học giúp bảo tồn nguồn gen quý hiếm của các loài động, thực vật. Với hệ sinh thái rừng thường xanh có độ che phủ trên 90%, vườn góp phần phòng hộ và điều tiết nguồn nước cho các hồ thủy điện và hồ thủy lợi vùng hạ du sông Bé. Vườn còn đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học không chỉ đối với quốc gia mà còn mang tầm cỡ quốc tế.
Đặc biệt, vườn nằm liền kề với các khu bảo tồn thiên nhiên thuộc vương quốc Cam Pu Chia, và các khu bảo tồn này tạo ra hành lang sinh thái Đông – Tây góp phần vào công tác bảo tồn các loài nguy cấp toàn cầu như vượn đen má vàng, tê tê java, voi châu Á, chà vá chân đen và nhiều loài quý hiếm khác…
Nhờ những giá trị thiên nhiên ưu đãi về cảnh quan và sinh thái, VQG Bù Gia Mập sớm đã trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn… Song song đó, do vườn có diện tích rừng lớn và nguồn tài nguyên phong phú, là nơi sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã nên dễ trở thành mục tiêu của các đối tượng khai thác rừng và săn bắt trái phép.
Đặc biệt, nơi đây có hai nhóm dân tộc tại chỗ bao gồm người S’Tiêng và người M’Nông, và họ có truyền thống gắn kết lâu đời với núi rừng Bù Gia Mập. Trong quá khứ, các dân tộc này sống chủ yếu ven những cánh rừng nguyên sinh và cuộc sống dựa vào các hoạt động săn bắt, hái lượm, và canh tác nương rẫy. Do đó, tiềm ẩn nguy cơ dễ bị các tội phạm lôi kéo vào các hành vi phá hoại rừng và săn bắt động vật hoang dã...
Trước tình hình trên, BQL VQG Bù Gia Mập đã tổ chức triển khai nhiều kế hoạch quan trọng để bảo vệ, bảo tồn vườn, trong đó, có việc đưa các cộng đồng tham gia bảo vệ rừng theo các chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng và phát triển du lịch sinh thái nhằm bảo tồn tính đa dạng sinh học trong lâm phần vườn. Nhờ đó, không ít người dân không còn phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên rừng, mà ngược lại có nguồn thu nhập thêm từ nhận khoán bảo vệ rừng”.
Tăng nguồn thu cho đồng bào DTTS
Đến với VQG Bù Gia Mập, chúng tôi mới hiểu rõ hơn về những con người được gắn với nhiệm vụ giữ rừng nơi đây. Ngoài lực lượng của các đơn vị chủ rừng, còn có cộng đồng nhận khoán rừng. Theo Ban quản lý (BQL) VQG Bù Gia Mập, vườn đã giao khoán 11 cộng đồng thuộc các xã vùng đệm của vườn; trong đó, 6 cộng đồng thuộc xã Bù Gia Mập, 3 thuộc xã Đắk Ơ và 2 cộng đồng thuộc xã Quảng Trực của huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông; cùng với 5 đơn vị lực lượng vũ trang và 1 phần diện tích BQL vườn tự bố trí lực lượng quản lý bảo vệ. Trong tổng diện tích gần 26.000 ha rừng của VQG Bù Gia Mập, 11 cộng đồng nhận giao khoán hơn 20.000 ha với 694 hộ tham gia bảo vệ rừng.
Đặc biệt, trên địa bàn xã Bù Gia Mập và Đắk Ơ (huyện Bù Gia Mập, Bình Phước), cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng chủ yếu là người dân tộc S’tiêng, M’nông. Việc nhận khoán bảo vệ rừng đã mang lại thu nhập thêm cho nhiều gia đình. Điển hình như gia đình anh Điểu Gát ở thôn Bù Lư (xã Bù Gia Mập).
Trước đây, gia đình anh nằm trong diện hộ khó khăn của địa phương. Diện tích vườn rẫy ít, nguồn thu từ trồng cây điều bấp bênh không đủ chi tiêu. Thế nhưng, hơn 10 năm nay từ khi tham gia vào cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng VQG Bù Gia Mập, anh Điểu Gát đã có thêm nguồn thu nhập. Công việc của anh chủ yếu đi tuần tra bảo vệ và phòng chống cháy rừng, thời gian còn lại anh Gát vẫn làm việc nhà và đi làm thuê thêm.
Tương tự, ông Điểu Ma Giang ở thôn 3 (xã Đắk Ơ) gắn bó với công việc bảo vệ rừng VQG Bù Gia Mập hơn 16 năm. Hiện nay ông Giang đang là tổ trưởng Tổ nhận khoán bảo vệ rừng của vườn thuộc tổ cộng đồng thôn 3 xã Đắk Ơ. Thời gian trước, cộng đồng dân tộc nơi đây chủ yếu sinh sống gần rừng, dựa vào rừng mưu sinh để làm nương rẫy, săn bắt, hái lượm; bây giờ khi đã tham gia giữ rừng, họ vừa làm tốt công tác bảo vệ rừng, vừa có nguồn thu nhập. Được biết, cộng đồng thôn 3 nhận khoán có 93 người, bảo vệ 2.700 ha rừng.
“Thời gian tuần tra bảo vệ rừng, mỗi người chia nhau theo lượt đi. Mỗi lần đi tính theo công, mỗi công 200.000 đồng/ngày. Tổ nhận khoán bảo vệ rừng đều luôn phiên nhau đi tuần tra, bảo vệ rừng, những người đi nhiều sẽ có nguồn thu nhiều…”, ông Điểu Ma Giang nói.
Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập Phạm Sỹ Hoàn cho biết, trên địa bàn xã có nhiều hộ là người dân tộc thiểu số đã tham gia tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng VQG Bù Gia Mập. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã có thêm nguồn thu từ nhận khoán bảo vệ rừng. Địa phương luôn khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân không xâm hại đến rừng, nhất là trong mùa nắng nóng có nguy cơ cháy rất cao.
Ông Vương Đức Hòa, Giám đốc VQG Bù Gia Mập cũng cho biết: Mỗi cộng đồng sẽ thành lập những chốt trong rừng để cùng với lực lượng kiểm lâm đi tuần tra. Các cộng đồng sẽ phân chia thành các tổ, mỗi tổ 5-6 người. Một đợt đi tuần tra rừng khoảng 15-20 người cùng phối hợp với kiểm lâm viên. Hiện lực lượng kiểm lâm vườn rất mỏng so với diện tích gần 26.000 ha rừng. Vì vậy, lực lượng cộng đồng nhận khoán đã góp phần thực hiện hiệu quả cho bảo vệ rừng cũng như phòng chống cháy rừng./.
Giao khoán, quản lý bảo vệ rừng góp phần giữ rừng bền vững
Việc đưa diện tích rừng tự nhiên vào giao khoán quản lý, bảo vệ rừng đã giải quyết phần nào cuộc sống khó khăn cho người dân gần rừng; tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa người dân vùng rừng với chủ rừng và chính quyền địa phương; khoán bảo vệ rừng còn góp phần làm thay đổi nhận thức, tăng cường trách nhiệm của người dân về công tác bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời phát huy được sức mạnh tập thể trong việc ngăn chặn nạn phá rừng, khai thác lâm sản trái phép.
Kim Đồng
Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/binh-phuoc-niem-vui-co-them-nguon-thu-tu-giao-khoan-giu-rung-dai-ngan-a30734.html