Phú Thọ: Kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ về thăm Đền Hùng (19/9/1954-19/9/2024)

Cách đây tròn 70 năm, ngày 19/9/1954, tại đền Giếng - Khu Di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp lịch sử với cán bộ chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong (nay là Sư đoàn 308) khi hành quân về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Người căn dặn các cán bộ chiến sĩ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

bh-ve-dh1-1726712013.jpg
Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn Quân Tiên Phong ngày 19/9/1954.

Câu nói của Người từ Đền Hùng năm ấy đã trở thành lời hiệu triệu non sông, khơi dậy niềm tự hào và tiếp thêm sức mạnh để Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ vượt qua mọi khó khăn, vững bước trên hành trình đổi mới và hội nhập.

Câu nói của Bác đã trở thành lời hiệu triệu non sông

Ngay sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", Bác đã chọn Đền Hùng là nơi gặp gỡ, nói chuyện và giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn Quân Tiên phong (Sư đoàn 308 Quân đội Nhân dân Việt Nam) trước khi về tiếp quản Thủ đô.

Ngày 18/9/1954, Bác Hồ từ Thái Nguyên qua bến Bình Ca sang Tuyên Quang về Đền Hùng, Bác ghé thăm đơn vị bộ đội đóng quân ở đồi Chò, Kim Lăng, Chân Mộng, huyện Đoan Hùng (khi ấy là xã Ba Đình thuộc huyện Phù Ninh). Gần trưa Người vào thăm thị xã Phú Thọ, sau đó đến thăm địa điểm sơ tán của Văn phòng Tỉnh ủy Phú Thọ tại thôn Quang Trung, xã Thanh Hà. Hôm ấy, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy đi vắng. Bác làm việc với các đồng chí Phạm Dụ - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Trần Lưu Vị - Trưởng Ban cán sự Đảng thị xã Phú Thọ… Bác giao nhiệm vụ cho đồng chí Chánh Văn phòng Tỉnh ủy báo cáo lại với Tỉnh ủy về những điều Bác căn dặn.

Chiều tối ngày hôm đó, Bác về Đền Hùng nghỉ đêm tại Đền Giếng. Sáng hôm sau (19/9/1954), Bác cùng các đồng chí Song Hào và Nguyễn Văn Thanh, một số đồng chí bảo vệ leo núi thăm viếng các đền, rồi Người dừng chân dưới gốc cây thiên tuế, nghe đồng chí Song Hào – Chính ủy Đại đoàn 308 báo cáo tỷ mỷ về Đại đoàn. Tầm gần 10 giờ, Bác đã gặp cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong tại Đền Giếng. Cửa Đền Giếng mở, Bác Hồ từ bên trong bước ra, mọi người reo lên: “Bác Hồ! Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Bác vẫy tay ra hiệu cho mọi người tiến lên, ngồi quanh mình, rồi Bác cũng ngồi ngay xuống bậc cửa đền. Bác cháu quây quần bên nhau. Trong tiết thu mát mẻ, Bác mặc bộ quần áo nâu giản dị, áo khoác ngoài màu sáng, chân đi dép cao su. Bác hỏi:

“Các chú có mệt không?”,

Mọi người đã đồng thanh đáp:

“Thưa Bác, không ạ!”.

Chỉ tay lên đền, Bác lại hỏi:

“Các chú có biết đây là nơi nào không? Đây chính là Đền thờ các Vua Hùng, Tổ tiên chúng ta, các vị vua khai quốc. Hôm nay, Bác cháu ta gặp nhau ở đây là rất có ý nghĩa. Ngày xưa, các Vua Hùng dựng nước, nay Bác cháu ta là những người giành lại đất nước. Trải qua bao nhiêu thời đại đấu tranh từ Đinh - Lý - Trần - Lê…, ông cha ta mới giữ được đất nước, giữ được Thủ đô. Gần chục năm nay, quân và dân ta đã kiên trì kháng chiến, nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Các chú được Trung ương, Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô, là được nhận một vinh dự rất lớn”.

Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ vào tiếp quản Thủ đô phải giữ nghiêm kỷ luật, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân, chống mọi hành vi phá hoại vì địch còn lẩn lút, dân ta còn có những việc làm vô ý, cán bộ, chiến sĩ ta còn những nhận thức và việc làm sơ hở... Phải bảo vệ công thương nghiệp, kể cả công thương nghiệp của ngoại kiều. Bộ đội phải giúp đỡ nhân dân, tuyên truyền giải thích cho nhân dân, không được làm điều gì phiền nhiễu nhân dân, sao cho từ cụ già đến em bé đều quý mến, tin tưởng. Giữ gìn phẩm chất bộ đội cách mạng, không sa ngã, bắt chước lối sống không tốt. Cán bộ phải gương mẫu, gần gũi chiến sĩ, đoàn kết thương yêu nhau.

bac-ho-1726710240.jpg
Bác Hồ thăm Đền Hùng ngày 28/3/1947.

Bác nói về tình hình nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, Bác nhắc nhở quân đội không vì hòa bình mà lơi lỏng tay súng, còn đế quốc ở miền Nam, ta còn phải xây dựng miền Bắc, giải phóng miền Nam. Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc còn rất nặng nề. Bác nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Câu nói ấy khẳng định công lao to lớn của các Vua Hùng – Tổ tiên của chúng ta, những người sáng lập nước truyền lại cho con cháu muôn đời. Lịch sử hàng ngàn năm dân tộc ta đã phải chịu sự xâm lược, áp bức của giặc ngoại xâm, nhưng với tinh thần yêu nước, các thế hệ cha ông ta đã đứng lên anh dũng quật cường đánh đuổi kẻ thù giữ vững non sông, mở mang bờ cõi. Để đến hôm nay lịch sử lại trao cho Người nhắc nhở con cháu về truyền thống ấy. Câu nói ấy của Bác đã vang lên từ Đền Hùng - biểu tượng thiêng liêng của cội nguồn dân tộc, là lời căn dặn đầy ý nghĩa không chỉ với quân đội mà còn với toàn Đảng, toàn dân ta, là chân lý, là nguyên tắc, là truyền thống dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc.

Từ ngày ấy, câu nói ấy của Bác còn ngân vang mãi trong trái tim mỗi người Việt mang dòng máu lạc Hồng, kết nối tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước, ý chí kiên cường từ ngàn xưa của dân tộc trong đấu tranh dựng nước và giữ nước. Lời nói ấy còn như lời hiệu triệu để quân và dân ta vượt qua mọi khó khăn gian khổ, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh để giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất non sông và xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, đúng như mong ước của Bác: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn được độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành…”.

Khắc ghi lời Bác - Phú Thọ làm tròn trách nhiệm “giữ nước”

Lần đầu tiên, cả chặng đường dài mấy ngàn năm của lịch sử dân tộc được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết trong một câu nói như một sự tổng kết quy luật tồn tại và phát triển. Chọn Đền Hùng để khẳng định nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, Người đã đặt cội nguồn dân tộc lên một tầm cao mới. Nhắc đến công lao của các Vua Hùng ngay tại nơi thiêng liêng mà bao đời người Việt trở về trong tâm thức và trong đời thường là Đền Hùng, Bác đã khơi gợi lên ý thức dân tộc, ý thức cội nguồn.

Khắc ghi lời căn dặn của Bác ở Đền Hùng năm ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam đã vượt qua bao thử thách, cam go, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, ghi những mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Hòa chung dòng chảy lịch sử của cả dân tộc, đặc biệt là trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), cùng với cả nước, quân và dân Phú Thọ đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, Phú Thọ đã làm tròn nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ quê hương và trách nhiệm “giữ nước”, huy động cao nhất sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Toàn tỉnh đã có 115.195 thanh niên ưu tú lên đường nhập ngũ, hàng nghìn lượt thanh niên xung phong tham gia phục vụ chiến đấu ở khắp các chiến trường. Đã huy động hàng triệu ngày công vận chuyển, sơ tán, cất giấu hàng hóa, sửa chữa cầu đường, san lấp hố bom, giữ vững mạch máu giao thông; xây dựng hàng vạn hầm hào phòng không nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho Nhân dân, cơ quan, đơn vị của Trung ương và đồng bào các tỉnh về sơ tán.

Trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, lực lượng dân quân, du kích, tự vệ tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực đánh địch trong hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, lập nhiều chiến công oanh liệt, xuất sắc. Quân và dân Phú Thọ trực tiếp chiến đấu 783 trận, bắn rơi 86 máy bay Mỹ, diệt và bắt sống nhiều giặc lái Mỹ, góp phần đảm bảo giao thông vận tải thông suốt phục vụ sản xuất và đời sống Nhân dân. Đã có 15.827 liệt sỹ và 12.389 thương binh, bệnh binh là con em quê hương Phú Thọ đã hy sinh tuổi thanh xuân vì Tổ Quốc.

phu-tho-doi-moi-1-1726717003.jpg
Tầm nhìn đến năm 2050: Phú Thọ là tỉnh phát triển ở khu vực phía Bắc, nằm trong nhóm các tỉnh phát triển của cả nước. (Ảnh: phutho.gov.vn)

Với những đóng góp đó, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh vinh dự được Quốc hội và Chính phủ tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương kháng chiến hạng Nhất; Huân chương chiến công hạng Nhất; Huân chương kháng chiến chống Mỹ cho các đơn vị, khu phố, xí nghiệp; Anh hùng Lực lượng vũ trang; Anh hùng Lao động; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Năm 1985, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Phú Thọ được Nhà nước tặng Huân chương Sao vàng về thành tích, đóng góp to lớn trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

Trải qua 70 năm, mệnh lệnh thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cất lên từ Đền Hùng vẫn vang vọng khắp non sông. Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ nguyện tiếp tục phát huy truyền thống cha ông, quyết tâm giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Nhân dân; góp sức xây dựng quê hương, đất nước phát triển hùng cường, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác hằng mong muốn./.

KIM BẰNG

Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/phu-tho-ky-niem-70-nam-ngay-bac-ho-ve-tham-den-hung-1991954-1992024-a26309.html