Người nông dân và hành trình chinh phục thị trường “ngoại” từ nông sản Việt

Sau 6 năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tạo nên cú hích quan trọng trong niền nông nghiệp nước nhà. Tại Thanh Hóa, Chương trình OCOP không chỉ đơn thuần là một hoạt động kinh tế mà còn là một cầu nối để truyền tải những câu chuyện văn hóa đặc sắc về đất và con người xứ Thanh.

san-pham-ocop-1-1726634239.jpg
Phạm Minh Tôn, Giám đốc Công ty CP Sản xuất, chế biến cói xuất khẩu Việt Anh đang đang khảo sát thị trường ở Canada (ảnh nhân vật cung cấp).

Chương trình OCOP không chỉ góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất của bà con, từ nền nông nghiệp thuần túy chuyển sang kinh tế nông nghiệp, mà sản phẩm OCOP còn đóng vai trò tiên phong hiện thực hóa ước mơ chinh phục thị trường ngoại của những người nông dân.

Khôi phục làng nghề, chinh phục thị trường ngoại

Người mà chúng tôi muốn nhắc đến ở đây chính là anh Phạm Minh Tôn, Giám đốc Công ty CP Sản xuất Chế biến cói xuất khẩu Việt Anh ở huyện Nga Sơn. Anh là người  đã đưa hơn 50 sản phẩm làng nghề có nguồn gốc “made in Thanh Hóa” vào nhiều chuỗi siêu thị trên khắp thế giới.

Phạm Minh Tôn sinh ra trong một gia đình thuần nông, quê hương có truyền thống làm nghề đan cói. Chính vì vậy tuổi thơ anh gắn liền với cây cói như người bạn tâm tình. Tuy nhiên, đã có những giai đoạn, nghề dệt cói truyền thống ở địa phương đã dần mai một, vì thị hiếu tiêu dùng của người dân thay đổi, hàng hóa không cạnh tranh được với các sản phẩm công nghiệp cùng loại.

san-pham-ocop-2-1726634499.jpg
Hiện nay, công ty Việt Anh đã có hơn 200 mẫu sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ, Canada và EU.

Chính vì vậy, người dân đã không mặn mà về nghề cói, họ chuyển sang đi làm công ty hay làm những ngành nghề khác để mưu sinh. Nhìn những cánh đồng đã nuôi sống bao nhiêu thế hệ để hoang phí đã thôi thúc anh Tôn tìm hướng đi mới để “cứu sống” làng nghề. Qua tìm hiểu sách báo anh dần định hướng được mục tiêu nghề nghiệp và chuẩn bị hành trang kiến thức cho bản thân. Anh bắt đầu học ngoại ngữ, nghiên cứu tìm hiểu các mô hình khởi nghiệp.

Tích lũy được kiến thức và kinh nghiệm, năm 2009, anh Phạm Minh Tôn trở về quê hương thành lập Công ty CP Sản xuất Chế biến cói xuất khẩu Việt Anh.

Giai đoạn đầu Công ty gặp rất nhiều khó khăn như thiếu vốn, quy mô sản xuất còn nhỏ, chưa có thị trường tiêu thụ... nhưng với khát vọng giữ nghề, phát triển nghề và quyết tâm làm giàu từ mảnh đất quê hương khiến anh càng nỗ lực hơn trong việc phát triển kinh doanh.

“Ngày đầu công ty gặp rất nhiều khó khăn về vốn, quy mô công ty lại nhỏ không đáp ứng đủ những tiêu chí của các thị trường nước ngoài. Những lúc đó, tôi đã mượn hết sổ đất của người thân để có thêm nguồn vốn khắc phục từng nốt thắt. Sau những Sau một thời gian cải thiện, khắc phục, rất may mắn là đơn hàng của công ty đã được thị trường EU ghi nhận” - anh Tôn chia sẻ.

Đặc biệt, từ khi Chính phủ triển khai thực hiện Chương trình OCOP đã chắp cánh cho những sản phẩm làng quê bay xa. Bằng tình yêu với cây cói và nghề cói, anh Tôn đã tìm mọi cách để duy trì sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi mẫu mã, kiểu dáng và tìm các thị trường tiêu thụ mới.

Anh Phạm Minh Tôn tâm sự: “Với ước mơ, đưa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Nga Sơn đến các thị trường trên thế giới, Công ty đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại như tham gia hội chợ triển lãm, khảo sát thị trường tại các hệ thống siêu thị lớn của nước ngoài, thông qua đó để có cơ hội tiếp xúc với những tập đoàn lớn  thiết lập mối quan hệ làm ăn cũng như học hỏi thêm kinh nghiệm của các đối tác.

Đặc biệt, từ khi có Chương trình OCOP, đã giúp cho những sản phẩm cói có thương hiệu, từ đó dễ dàng tiếp cận hơn với những thị trường ngoại “khó tính”, từng bước khôi phục lại làng nghề truyền thống của quê hương.

Đổi mới trên nền tảng cũ, đưa cây cói vượt đại dương

Kế thừa và phát triển những sản phẩm từ cói, Công ty Việt Anh tiếp tục cho ra đời những sản phẩm mới, phù hợp với thị yếu của thị trường như lọ hoa, khay trà, túi xách… phù hợp với nhu cầu tiêu dùng xanh của các nước trên thế giới.

Anh Phạm Minh Tôn, Giám đốc Công ty CP Sản xuất Chế biến cói xuất khẩu Việt Anh, chia sẻ: “Hiện nay DN chúng tôi có hơn 200 sản phẩm, xuất khẩu thường xuyên đi hơn 20 quốc gia trên khắp thế giới, trong đó thị trường chính là Mỹ, Pháp, Đức. Trước năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Anh đạt 5 triệu USD/năm. Mỹ và các nước châu Âu vẫn được xem là thị trường khó tính. Ngoài đòi hỏi về mẫu mã đẹp, tinh xảo thì họ còn hướng đến các tiêu chí về môi trường, an toàn cho người sử dụng”.

san-pham-ocop-3-1726634564.jpg
Hiện nay Công ty Việt Anh có 2 xưởng sản xuất, tổng diện tích mặt bằng 15.000m2, thu hút lực lượng lao động thường xuyên tại công ty là 300 lao động và hơn 10.000 lao động thời vụ.

Cũng theo ông Tôn, sau 15 năm thành lập và phát triển, Công ty có 2 xưởng sản xuất, tổng diện tích mặt bằng 15.000m2, thu hút lực lượng lao động thường xuyên tại công ty là 300 lao động và hơn 10.000 lao động thời vụ là những nghệ nhân giàu kinh nghiệm trực tiếp làm ra sản phẩm, với mức lương bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Để có được những thành công đấy, ngoài việc sáng tạo của chủ thể, thì chính quyền và các sở, ban ngành được xem là người “nâng đỡ” dìu dắt các sản phẩm của làng nghề trong hành trình xuất ngoại.

Ông Phạm Văn Sinh - Phó Phòng nông nghiệp huyện Nga Sơn cho biết: “Nga Sơn có nghề làm cói từ bao đời nay. Tuy nhiên, có thời gian do sản phẩm thủ công nghiệp không thể cạnh tranh được với những sản phẩm khác, dẫn đến có thời điểm nghề cói ở địa phương hầu như bị quên lãng. Nhưng từ khi có Chương trình OCOP, với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền và các sở, ban, ngành đã khuyến khích cho các chủ thể sáng tạo, tìm tòi những hướng mới để khôi phục và phát triển lại làng nghề truyền thống”.

Cũng theo ông Sinh, hiện nay trên địa bàn huyện đã có 4 công ty có sản phẩm OCOP về cói xuất khẩu. Trong đó, Công ty Việt Anh là cánh chim đầu đàn trong công tác khôi phục làng về và đưa sản phẩm chiếu cói “vượt đại dương” để chinh phục thị trường ngoại.

Có thể khẳng định, Chương trình OCOP đã góp phần tạo ra một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, nơi mà các sản phẩm nông sản không chỉ nâng cao giá trị kinh tế mà còn được cải thiện về chất lượng, hiện thực hóa ước mơ của người nông dân trong hình trình chinh phục thị trường ngoại.

(Tiếp theo - Bài 2: Hành trình vượt khó của bản vùng cao qua các sản vật truyền thống)

Hà Khải

Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/net-dep-van-hoa-xu-thanh-thong-qua-san-pham-ocop-bai-1-nguoi-nong-dan-va-hanh-trinh-chinh-phuc-thi-truong-ngoai-tu-nong-san-viet-a26278.html