Các khu công nghiệp đi đầu trong tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn

Các Khu công nghiệp là trọng điểm là động lực tăng trưởng không chỉ về công nghiệp mà còn thúc đẩy đô thị hóa. Do đó, Hải Phòng tập trung chỉ đạo lập quy hoạch từ khâu chọn địa điểm làm sam đảm bảo áp dụng tiêu chí Xanh, sinh thái. Thành phố ưu tiên phát triển các khu công nghiệp có khả năng cộng sinh công nghiệp, sinh thái tuần hoàn và khả năng liên kết hỗ trợ bên ngoài.

2-khu-cong-nghiep-nam-cau-kien-1726450165.jpg
Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đạt được nhiều tiêu chí nhất của một khu công nghiệp sinh thái.

Chủ động xây dựng chiến lược để phát triển bền vững

Theo ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, Thành phố Hải Phòng có lịch sử phát triển công nghiệp cảng biển lâu đời nên có kinh nghiệm trong việc phát triển công nghiệp và kinh nghiệm ứng xử với tác động tiêu cực do chính hoạt động sản xuất công nghiệp đem lại. Lãnh đạo và nhân dân TP Hải Phòng cũng đã chủ động xây dựng chiến lược để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững từ rất sớm. 

Theo đó, Hải Phòng cũng rất chủ động lựa chọn thu hút đầu tư. “Thành phố cũng có danh mục khuyến khích đầu tư và những dự án không khuyến khích đầu tư, đặc biệt những dự án có nguy cơ ô nhiễm không có cơ hội vào Hải Phòng”, ông Hải khẳng định. Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng cũng cho biết, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn không còn là lựa chọn mà là xu hướng tất yếu.

Ông Bùi Ngọc Hải cho biết, Hải Phòng cũng tập trung hỗ trợ các điều kiện để cùng các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu đi đầu trong tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn trong giai đoạn hiện nay. Thành phố cũng đang phối hợp với UNIDO (Thuỵ Sĩ) tiến hành chuyển đổi các Khu công nghiệp thành khu công nghiệp sinh thái.

“Hải Phòng cũng xác định và định vị là thành phố đi đầu và dẫn dắt cả vùng trong tăng trưởng xanh. Hải Phòng hiện nay có điều kiện chuyển hướng về tăng trưởng xanh do quy mô và khối lượng các hệ sinh thái khu công nghiệp thành phố Hải Phòng đã đủ lớn để tận dụng được lợi thế để triển khai”, ông Hải khẳng định.

1-ong-hai-pho-ban-quan-ly-kkt-hai-phong-1726450216.jpg
Ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng.

Ngày 02/12/2023, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Quy hoạch đưa ra 06 quan điểm phát triển, trong đó, thành phố tập trung phát triển một số lĩnh vực khoa học, công nghệ hiện đại, nhất là lĩnh vực kinh tế biển để Hải Phòng thực sự đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước; sớm trở thành thành phố có công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số; trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế; Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, trước hết là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối thông suốt cảng biển với các các vùng nội địa, làm cơ sở cho việc phát triển mạnh dịch vụ logistics và hạ tầng phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số.

Hải Phòng cũng đang nghiên cứu cứu thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng bảo đảm cân đối, hài hoà giữa lợi ích kinh tế và yêu cầu xanh, bền vững. Trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất cần thực hiện “xanh hóa”, có chứng chỉ xanh khi xuất khẩu, các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT) trên địa bàn thành phố cũng đang dần hoàn thiện và chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu hội nhập, bảo đảm phát triển bền vững, thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh.

Xanh hóa các khu công nghiệp từ mô hình cộng sinh

Theo ông Bùi Ngọc Hải, xác định các Khu công nghiệp là trọng điểm là động lực tăng trưởng không chỉ về công nghiệp mà còn thúc đẩy đô thị hóa. Do đó, Hải Phòng tập trung chỉ đạo lập quy hoạch từ khâu chọn địa điểm làm sao đảm bảo áp dụng tiêu chí Xanh, sinh thái; các khu công nghiệp có khả năng cộng sinh công nghiệp, sinh thái tuần hoàn và khả năng liên kết hỗ trợ bên ngoài.

Tính ưu việt của mô hình doanh nghiệp cộng sinh trong Khu công nghiệp là tạo vòng tuần hoàn khép kín trong chu trình sản xuất. Theo đó, không có chất thải ra khỏi Khu công nghiệp, đầu vào của doanh nghiệp này là chất thải của doanh nghiệp khác, tất cả đều được sản xuất bằng nguyên vật liệu có thể tái tạo. Đó là hệ sinh thái không có chất thải để phát triển kinh tế tuần hoàn, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, chi phí vận tải và rất nhiều chi phí lưu thông để đem lại lợi nhuận tối đa cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất.

4-bi-thu-thanh-uy-hai-phong-tham-lg-1-1726450250.jpg
Bí thư Thành ủy Hải Phòng cùng đoàn công tác thăm quan nhà xưởng của Tập đoàn LG trong KCN Tràng Duệ. (Ảnh Tư liệu)

Theo ông Hải, thực tế cho thấy, việc phát triển mô hình cộng sinh công nghiệp, các KCN sinh thái sẽ là bước tiến đầy triển vọng cho các ngành nghề về lĩnh vực về môi trường của thành phố Hải Phòng nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Từ đó, đem lại lợi ích to lớn về tăng trưởng kinh tế, đồng thời làm giảm các tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người, góp phần thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, một nền kinh tế gắn với môi trường của Việt Nam trong tương lai. Cộng sinh công nghiệp chính là một trong những phương pháp để đưa nền kinh tế hiện tại đến gần hơn với nền kinh tế tuần hoàn.

“Việc phát triển KCN sinh thái, chuyển đổi các KCN truyền thống sang KCN sinh thái được thành phố Hải Phòng đặc biệt quan tâm. Nội dung này đã được Thành phố đưa vào Nghị quyết số 06/NQ-TU, ngày 7/4/2022 của Thành ủy Hải Phòng về nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy công tác quản lý, thúc đẩy các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng năm 2030, đưa vào các chương trình, nhiệm vụ hàng năm của Thành phố….”, ông Hải nói.

3-1726450284.JPG
Dây chuyền sản xuất hiện đại của Công ty TNHH Universal Scientific Industrial Việt Nam trong Khu công nghiệp Đình Vũ. (Ảnh Trọng Đạt)

Theo ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng khẳng định: Thành phố luôn khuyến khích các nhà đầu tư tập trung phát triển mô hình KCN sinh thái, phát triển KCN bền vững và hiệu quả cao. Hiện, các KCN của Hải Phòng đều được đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường đạt tiêu chuẩn quốc tế; khuyến khích nhà đầu tư tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng điện mặt trời áp mái; sử dụng các công nghệ sản xuất bảo vệ môi trường.

Hải Phòng cũng đang định hướng các nhà đầu tư hạ tầng KCN chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng cân bằng về kinh tế, xã hội và môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững và thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh. Hành trình xây dựng các KCN xanh, thông minh, hướng tới KCN sinh thái nhằm từng bước giảm “dấu chân carbon” đang được các KCN quan tâm và coi trọng, bởi điều này sẽ giúp thu hút làn sóng đầu tư mới với chất lượng cao hơn đến với Hải Phòng./.

Trọng Bình

Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/cac-khu-cong-nghiep-di-dau-trong-tang-truong-xanh-va-kinh-te-tuan-hoan-a26223.html