Giao thông xanh, chìa khóa cho kinh tế xanh tại TP. Hồ Chí Minh

TP. HCM đang nỗ lực chuyển mình hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh, với giao thông xanh là một trong những trụ cột then chốt. Mới đây, Hội thảo "Chính sách và giải pháp về giao thông vận tải cho phát triển kinh tế xanh tại Thành phố Hồ Chí Minh" do HĐND TP. HCM, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố và Đại học Giao thông Vận tải TP. HCM tổ chức đã thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp.

ct-tphcm-1724382068.jpg
Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ tại phát biểu khai mạc Hội thảo.

Hội thảo tập trung thảo luận về những giải pháp thúc đẩy phát triển giao thông xanh, góp phần thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, hướng đến mục tiêu kinh tế - xã hội bền vững.

Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ trong phát biểu khai mạc Hội thảo đã nhấn mạnh sự gia tăng nhanh chóng nhu cầu giao thông tại TP.HCM, gây áp lực lớn lên hệ thống giao thông đô thị. Tỷ lệ sở hữu phương tiện cá nhân cao đã dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên, tốc độ di chuyển chậm, tai nạn giao thông gia tăng và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.

Để giải quyết vấn đề này, trong chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030, TP.HCM đã đặt ra mục tiêu cắt giảm 90% lượng chất ô nhiễm không khí tăng thêm vào năm 2030, hướng đến một môi trường giao thông bền vững và phù hợp với nhu cầu phát triển của thành phố.

Theo thống kê, TP.HCM hiện có 10 triệu phương tiện giao thông, trong đó hơn 7,6 triệu xe máy và 700 nghìn ô tô. Mỗi năm, Thành phố phát thải khoảng 35 triệu tấn carbon, trong đó ngành công nghiệp chiếm 20 triệu tấn và ngành giao thông khoảng 13 triệu tấn.

Tại hội thảo, Thạc sĩ Mai Hoài Đan từ Trường Đại học Tài chính – Marketing đã đề xuất nhiều giải pháp phát triển giao thông xanh cho TP.Hồ Chí Minh. Thành phố cần xem phát triển giao thông xanh là chiến lược trọng tâm, đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng của giao thông xanh, và quy hoạch hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không, cùng với phát triển hạ tầng cho người đi bộ.

Ngoài ra, cần có các chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng vận tải hành khách công cộng và mua sắm xe buýt sử dụng năng lượng sạch. Đồng thời, hệ thống định mức, đơn giá cho xe buýt điện cần được hoàn thiện để tổ chức đấu thầu, đặt hàng dịch vụ. Quy hoạch và nâng cấp nguồn điện cũng cần thiết để đảm bảo cung cấp đủ cho các trạm sạc.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Thái, Trưởng khoa Vận tải – Kinh tế, Trường Đại học Giao thông vận tải, cho biết đến tháng 12/2022, TP.Hồ Chí Minh quản lý gần 9,2 triệu phương tiện, trong đó có gần 934.500 xe ô tô và 8,3 triệu xe mô tô. Đáng chú ý, chỉ có 12.575 xe điện, chủ yếu là xe hai bánh. Phương tiện sử dụng nhiên liệu diesel vẫn chiếm đa số, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

PGS.TS. Thái cũng khuyến nghị TP.Hồ Chí Minh cần nghiên cứu xây dựng lộ trình phát triển xe điện, với mục tiêu đến năm 2040, từng bước hạn chế và tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyển sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HIDS) cũng thông tin về kế hoạch thí điểm chuyển đổi phương tiện giao thông hóa thạch sang phương tiện giao thông sạch tại huyện Cần Giờ, với mục tiêu đến năm 2030, Cần Giờ trở thành thành phố biển xanh, thông minh và thân thiện với môi trường.

toan-canh-1724381952.jpg
Toàn cảnh buổi hội thảo.

Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Lệ, đã đánh giá cao những ý kiến đóng góp tại hội thảo, nhấn mạnh đây là cơ sở để Thành phố triển khai các nhiệm vụ trong Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, thúc đẩy phát triển giao thông và kinh tế xanh. Hội đồng nhân dân Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để hiện thực hóa những giải pháp này.

Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm và đóng góp ý kiến của các chuyên gia, các đơn vị liên quan. Các ý kiến đóng góp của hội thảo sẽ được Hội đồng nhân dân Thành phố và các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, năng lượng… sử dụng để xây dựng các chính sách cụ thể, nhằm thúc đẩy phát triển giao thông xanh và kinh tế xanh tại TP.HCM.

Để đạt được mục tiêu phát triển giao thông xanh, TP. Hồ Chí Minh cần có sự chung tay của cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Cần có sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông xanh, đồng thời khuyến khích và hỗ trợ người dân chuyển đổi sang sử dụng phương tiện giao thông sạch. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của giao thông xanh, góp phần thúc đẩy sự chuyển đổi này một cách hiệu quả./.

Lê Thuận - Lê Thu

Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/giao-thong-xanh-chia-khoa-cho-kinh-te-xanh-tai-tp-ho-chi-minh-a25676.html