Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông (NN-PTNT), năm 2024 toàn tỉnh có hơn 3.000ha diện tích sầu riêng cho thu hoạch. Theo đó, sản lượng ước tính đạt khoảng 45.000 tấn – 50.000 tấn. Thời điểm hiện tại, nông dân Đắk Nông đang bước vào chính vụ thu hoạch sầu riêng với mức giá thu mua khá cao. Trung bình từ 60.000 đồng- 90.000 đồng/kg tùy loại.
Nhìn chung trong những năm gần đây, cây sầu riêng đã tạo ra nguồn thu nhập cao và ổn định cho người dân tỉnh Đắk Nông. Vì vậy mà diện tích trồng sầu riêng ở địa phương này có tốc độ phát triển khá nhanh. Trước thực tế đó, tỉnh Đắk Nông đang triển khai các giải pháp chiến lược để có thể phát triển bền vững loại nông sản chủ lực này.
Nổi bật trong định hướng và quy hoạch phát triển cây sầu riêng đó là tập trung hình thành các vùng trồng sầu riêng chất lượng cao cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn cho việc xuất khẩu. Bước kế tiếp, tỉnh tập trung xây dựng và hoàn thiện đồng bộ chất lượng sản phẩm thông qua các mô hình sản xuất và phát triển bền vững.
Cùng với tầm nhìn và chủ trương của tỉnh, nhiều nông dân Đắk Nông đã bắt đầu chịu đầu tư bài bản vào quy trình sản xuất tiên tiến, hiệu quả và bền vững cho cây sầu riêng. Đặc biệt, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phương thức canh tác tiên tiến cũng như lựa chọn giải pháp phù hợp khắc phục những khó khăn đối với loại cây trồng “khó tính” này được nhiều nông dân quan tâm.
Đáng chú ý là dự án "Mô hình canh tác sầu riêng bền vững" - thuộc chương trình hợp tác giữa Bayer Việt Nam và Trung tâm Khuyến nông và Giống Nông Lâm Nghiệp Đắk Nông. Dự án này đặt mục tiêu giải quyết các thách thức mà nhà nông trồng sầu riêng đang đối mặt, cải thiện thu nhập và đóng góp cho kinh tế xã hội của địa phương. Đồng thời, dự án còn đặt kỳ vọng nâng cao năng lực cạnh tranh của sầu riêng Việt Nam trên thị trường thế giới và giảm thiểu các tác động đến môi trường.
Anh Phan Viết Cường ở xã Đắk Wer (huyện Đắk R’lấp) có 500 cây sầu riêng giống Monthong thuần, chia sẻ: “Trồng được những trái sầu riêng đạt chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao là điều không dễ dàng. Nông dân phải tự học hỏi, nắm vững các quy trình chăm sóc cây một cách chính xác và linh hoạt. Đồng thời còn phải biết xử lý các loại nấm bệnh để cây có thể phát triển một cách tự nhiên và hiệu quả nhất!”.
Trong việc kết nối với thị trường tiêu thụ, các ngành chức năng của tỉnh đã chủ động đồng hành cùng nông dân trong việc xây dựng quy trình sản xuất, cấp mã vùng trồng. Theo thống kê, hiện nay Đắk Nông đã có 36 mã số vùng trồng sầu riêng với 851 ha, sản lượng năm 2024 ước đạt 14.868 tấn. Ngoài ra, tỉnh đã có 10 mã cơ sở đóng gói đạt chuẩn - là điều kiện cần thiết để sầu riêng có thể xuất khẩu theo đường chính ngạch đến các thị trường lớn.
Hiện nay, tiểu thương từ nhiều tỉnh thành đã và đang đổ xô về Đắk Nông thu mua sầu riêng. Nắm vững tình hình này, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với chính quyền địa phương để tăng cường công tác quản lý mã vùng trồng và kết nối với các cơ sở thu mua. Mục đích là để ngăn chặn và hạn chế tình trạng “đặt cọc, bẻ cọc” của thương lái.
Đắk Nông là vùng có khí hậu lẫn thổ nhưỡng rất phù hợp để phát triển cây sầu riêng. Đến nay, theo thống kê toàn tỉnh Đắk Nông đã trồng được 11.700 ha sầu riêng, tăng khoảng 1.340 ha so với năm 2023. Diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tập trung nhiều ở các huyện như Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Mil, Đắk Song… Năm nay, sầu riêng ở Đắk nông vừa được mùa, giá bán lại cao nên hầu hết người trồng rất phấn khởi khi thu được lợi nhuận lớn./.
Kiến Giang
Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/sau-rieng-duoc-gia-duoc-mua-nong-dan-dak-nong-tinh-chuyen-phat-trien-ben-vung-a25078.html