Dấu ấn từ đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh
Ngành Nông nghiệp cùng các địa phương đang tích cực triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Được triển khai từ đầu năm 2024, đề án này được kỳ vọng sẽ là “bàn đạp” cho lĩnh vực nông nghiệp của nước ta hướng đến phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao, qua đó xây dựng thương hiệu lúa gạo nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế.
Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp triển khai 7 mô hình thí điểm ở các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng trong 3 vụ canh tác.
Theo đánh giá bước đầu, mô hình canh tác lúa thuộc đề án trong vụ hè thu năm 2024 tại thành phố Cần Thơ đã mang lại những kết quả tích cực, như tổng chi phí đầu vào giảm 10-15%, trong đó lượng giống sử dụng giảm 2-2,5 lần, giảm 30% lượng phân bón, giảm khoảng 30-40% lượng nước tưới… Lợi nhuận mô hình thí điểm đạt 21-25,8 triệu đồng/ha, cao hơn 1,3-6,2 triệu đồng/ha so với mô hình đối chứng. Đáng chú ý, mô hình thí điểm đã giúp giảm 2 tấn CO2/ha so với mô hình đối chứng lấy rơm rạ khỏi đồng ruộng và giảm 12 tấn CO2/ha so với mô hình đối chứng ngập liên tục áp dụng phương thức vùi rơm rạ sau khi thu hoạch.
Rõ ràng, việc trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp mới đi những bước đầu tiên nhưng hiệu quả kinh tế cũng như mục tiêu tăng trưởng xanh đã dần rõ nét. Thời gian tới, đề án sẽ tiếp tục được ngành Nông nghiệp và các địa phương tính toán, làm rõ nguồn vốn thực hiện; đồng thời, tận dụng tối đa những chính sách hỗ trợ trồng lúa chất lượng cao, xác định vùng đầu tư lúa năng suất, chất lượng cao để làm cơ sở cho việc triển khai diện rộng theo mục tiêu đề ra.
Dù đang trong giai đoạn thí điểm, nhưng rõ ràng đề án trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp là một xu thế tất yếu không chỉ riêng với trồng lúa, mà còn đối với toàn ngành Nông nghiệp nói chung. Từ hiệu quả mô hình thí điểm cần nghiên cứu, sớm nhân rộng ra cả nước.
Thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất nông nghiệp
Để thực hiện hiệu quả chủ trương này, ngành Nông nghiệp cũng như nông dân cần tiếp tục thay đổi nhận thức, tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp trong bối cảnh đang phải đối mặt với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu diễn biến nhanh và khó lường. Theo đó, trong phát triển kinh tế nông nghiệp, cần khởi tạo những phương thức sản xuất mới phù hợp với xu thế sản xuất và tiêu dùng trong nước cũng như thế giới mà đề án trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp là một ví dụ điển hình cần thực hiện hiệu quả.
Trên tinh thần đó, ngành Nông nghiệp cần tiếp tục tái cơ cấu hiệu quả, tập trung tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững. Đặc biệt, cần thực hiện hiệu quả một số chính sách mới, phù hợp với xu hướng toàn cầu như chi trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả trồng lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, trồng rừng và bảo vệ rừng tự nhiên…
Ngành Nông nghiệp cũng cần đẩy mạnh lĩnh vực sản xuất tuần hoàn, khai thác đa giá trị trong sản xuất các loại cây trồng gắn với các cơ chế, chính sách về đầu tư hoặc tín dụng với mục tiêu thu hút các doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này để mở ra hướng phát triển mới cho kinh tế nông nghiệp.
Sản xuất nông sản chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh hướng đến nhiều mục tiêu quan trọng. Đó là nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu nhập và đời sống của người dân, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính; qua đó góp phần thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam về việc đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050./.
Trần Minh
Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/nong-nghiep-huong-tang-truong-xanh-a25027.html