Theo báo cáo của Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP TP.HCM tại hội nghị Sơ kết Hoạt động 6 tháng đầu năm 2024. Trong 6 vừa qua, thành phố đã xảy ra 4 vụ liên quan đến sự cố về ATTP, trong đó 2 vụ chưa đủ cơ sở kết luận ngộ độc thực phẩm và 2 vụ đang chờ kết luận.
Để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, TP.HCM đã tập trung kiểm tra các nhóm sản phẩm nguy cơ cao, hướng dẫn, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ATTP, giá, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngoài ra, TP.HCM cũng triển khai Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành để thiết lập và quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đạt chuẩn, cung cấp vào bếp ăn tập thể, căng tin trường học, hệ thống kinh doanh hiện đại và mở rộng đến chợ đầu mối, chợ truyền thống. Nhờ đó, tỷ lệ sản xuất và cung ứng thực phẩm đạt chuẩn cung cấp cho người dân Thành phố ngày càng tăng.
Tuy nhiên, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn vẫn còn một số hạn chế, như: công tác phối hợp trong công tác đấu tranh xử lý vi phạm về ATTP triển khai tại một số đơn vị còn chậm; Công tác quản lý ATTP ở phường - xã, thị trấn còn gặp nhiều hạn chế, do nhân sự phụ trách công tác này chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ; Chánh Thanh tra Sở ATTP là chức danh mới, chưa được quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực ATTP…
Để khắc phục những hạn chế trên, TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai và tổ chức thực hiện tốt các nội dung Chỉ thị 17- CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới và Chỉ thị 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới.
Ngoài ra, TP.HCM sẽ tiếp tục duy trì xây dựng và triển khai các đề án, dự án đảm bảo ATTP như: đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”, đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm”, mô hình “Chợ truyền thống đảm bảo an toàn thực phẩm”, chương trình ATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn TPHCM giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về ATTP cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý ATTP các cấp; tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các sản phẩm của các cơ sở có nguy cơ cao gây mất an toàn, lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm nhằm đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường, từ đó có hướng xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm cũng như có cảnh báo ATTP kịp thời đối với người tiêu dùng.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy nhấn mạnh: “TP.HCM quyết tâm giữ vững an toàn thực phẩm, tiếp tục giữ trận địa an toàn để người dân an tâm với thực phẩm sử dụng”. Bà cũng đề nghị Sở ATTP và các quận, huyện nghiên cứu xây dựng mô hình “Khu vực an toàn thực phẩm” gắn với những khu vực cụ thể như trước chợ, trước trường học, nơi có đông khách du lịch…
Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác đảm bảo ATTP, TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho tất cả các đối tượng về đảm bảo ATTP, đồng thời rà soát công việc của Ban Chỉ đạo liên ngành, loại bỏ những nội dung không còn cần thiết, bổ sung những nội dung cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Công tác đảm bảo ATTP tại TP.HCM đang trên đà phát triển tích cực, tuy nhiên vẫn còn những thách thức cần được giải quyết. Với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, cùng với sự đồng lòng của người dân, TP.HCM sẽ tiếp tục giữ vững trận địa an toàn thực phẩm, mang đến cho người dân những bữa ăn an toàn và khỏe mạnh./.
Lê Thuận - Lê Thu
Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/an-toan-thuc-pham-tphcm-nang-cao-hieu-qua-quan-ly-nha-nuoc-de-nguoi-dan-an-tam-a24994.html