Doanh nghiệp phấn khởi khi sắp hoàn tất thủ tục xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT mới có cuộc làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Theo Bộ NN&PTNT, hai bên đã nhất trí sớm hoàn tất các thủ tục để ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dừa tươi, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đặc biệt, hai bên đã ký tắt kết thúc đàm phán nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu dừa tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc. Sau thông tin này các doanh nghiệp Việt tỏ ra rất phấn khởi khi thị trường 1,4 tỷ dân được khai mở.

xuat-khau-dua-tuoi-1-1717941026.jpg
Năm 2024 giá trị xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa dự kiến sẽ đạt 1 tỷ USD, thậm chí có thể cao hơn. (Ảnh minh họa)

Mỗi năm, Trung Quốc sử dụng khoảng 2,6 tỷ trái dừa tươi

Ở Việt Nam cây dừa được trồng ở nhiều nơi, theo thống kê của Hiệp hội Dừa Việt Nam cho thấy, cả nước hiện có 90 doanh nghiệp ngành dừa và liên quan đến dừa, trong đó có 42 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ dừa. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp ngành dừa đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, vùng trồng nguyên liệu hữu cơ, nhiều trang trại dừa hàng trăm ha ra đời ở Tây Ninh, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Định..., mở ra cơ hội tăng trưởng cho xuất khẩu trong thời gian tới.

Ông Trần Văn Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư dừa Bến Tre cho biết, hiện nhu cầu nhập khẩu dừa của Trung Quốc rất lớn. Mỗi năm, Trung Quốc sử dụng khoảng 2,6 tỷ trái dừa tươi và 1,5 tỷ trái dừa phục vụ chế biến, trong khi đó sản lượng dừa của nước này mới chỉ đáp ứng được 10%.

xuat-khau-dua-tuoi-2-1717941013.jpg
Việt Nam hiện đứng thứ 7 về sản xuất dừa trên toàn thế giới. (Ảnh minh họa)

Theo ông Đức, xác định đây là thị trường tiềm năng nên từ lâu doanh nghiệp rất mong muốn đưa các sản phẩm thâm nhập vào đây. Tuy nhiên, do hai nước chưa có Nghị định thư nên sản phẩm dừa của doanh nghiệp chưa thể xuất sang được dù các sản phẩm của doanh nghiệp đã đi khắp các thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ, Trung Đông…

“Việt Nam hiện đứng thứ 7 về sản xuất dừa trên toàn thế giới. Lợi thế của chúng ta là gần Trung Quốc, do đó nếu khai mở được thị trường này, xuất khẩu dừa sẽ có bước tiến đột phá”, ông Đức nói.

Vị này cũng cho biết, hiện trên thị trường một số đối tác ở Trung Quốc đã bắt đầu liên hệ để tìm hiểu, tham quan nhà máy và sản phẩm của doanh nghiệp. Ông Đức cũng tự tin đã có kinh nghiệm xuất khẩu dừa tươi sang các thị trường cao cấp nên không quá khó để đáp ứng các yêu cầu về vùng nguyên liệu, cơ sở đóng gói từ phía Trung Quốc. Quan trọng lúc này là chờ hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Xuất khẩu dừa kỳ vọng vượt mốc 1 tỷ USD

Theo dự báo của Hiệp hội Dừa Việt Nam, năm 2024 giá trị xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa dự kiến sẽ đạt 1 tỷ USD, thậm chí có thể cao hơn. Để đạt con số trên, Hiệp hội Dừa Việt Nam đang đẩy mạnh triển khai kế hoạch xây dựng thương hiệu cho ngành dừa, khẳng định thương hiệu các sản phẩm dừa trên thị trường.

Cùng với đó, ngành dừa cũng đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp và địa phương xây dựng vùng nguyên liệu dừa đạt chuẩn, tiến đến hình thành “Bản đồ dừa” trên cả nước để làm dữ liệu cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham khảo, hỗ trợ ngành dừa phát triển.

Ngoài ra ngành dừa ngành còn thực hiện mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm, các sự kiện giao thương trong và ngoài nước để tìm kiếm khách hàng, tiếp cận máy móc, công nghệ mới…, tiến tới nâng cao chuỗi giá trị ngành dừa và xuất khẩu bền vững.

xuat-khau-dua-tuoi-3-1717941087.jpg
Việt Nam có đến hơn 180.000 ha dừa. Số lượng lớn đều tập trung tại các tỉnh duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh minh họa)

Bà Đặng Huỳnh Ức My, Chủ tịch Betrimex cho biết, hiện Việt Nam có đến hơn 180.000 ha dừa. Số lượng lớn đều tập trung tại các tỉnh duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, như tỉnh Bến Tre, sản phẩm dừa, đã được xuất khẩu tới gần 100 quốc gia và khu vực, trong đó có thị trường châu Âu, châu Mỹ và Trung Đông, đồng thời dừa chiếm tới hơn 42,5% doanh thu xuất khẩu của tỉnh.

“Năm ngoái, dừa cũng lần đầu tiên được nhận định là cây kinh tế chủ lực và xuất khẩu chạm mốc 1 tỷ USD. Với nguồn cung dồi dào, khi dừa Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ giúp mặt hàng này có cơ hội vượt mốc 1 tỷ USD, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy sản xuất dừa trong nước chuyên nghiệp, quy chuẩn hơn”, bà Mỹ cho hay.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết, hơn 2 năm qua, cục đã bàn rất sâu với các cơ quan chuyên môn của Trung Quốc về các vấn đề kỹ thuật liên quan đến quản lý sâu bệnh gây hại, các biện pháp quản lý về chất lượng và an toàn của quả, cũng như bao bì sản phẩm.

Theo ông Đạt, việc thúc đẩy ký kết nghị định thư về quả dừa tươi là một trong những đổi mới Trung Quốc tạo điều kiện cho Việt Nam. Thành công mở cửa thị trường cho mỗi nông sản cũng cho thấy sự tin tưởng của thị trường quốc tế đối với nông sản Việt./.

Bình Nguyên

Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/doanh-nghiep-phan-khoi-khi-sap-hoan-tat-thu-tuc-xuat-khau-dua-tuoi-sang-trung-quoc-a24194.html