Tổ chức các biện pháp cấp bách phòng trừ châu chấu tre
Theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng giao nhiệm vụ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục phối hợp với Ủy ban Nhân dân các huyện Nguyên Bình, Hòa An và Thạch An tổ chức các biện pháp cấp bách phòng trừ châu chấu tre gây hại cây rừng và cây trồng nông nghiệp; chỉ đạo kiểm tra phòng trừ, ngăn chặn triệt để sự phát sinh, phát triển và gây hại của châu chấu tre.
Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh chủ động phối hợp với các địa phương tăng cường theo dõi, dự báo chính xác tình hình châu chấu tre; cử cán bộ kỹ thuật tham gia chỉ đạo, hướng dẫn biện pháp kỹ thuật phòng trừ châu chấu tre; chủ động trang bị máy phun thuốc động cơ dạng khói để phục vụ diệt trừ châu chấu tre.
Sở Tài chính chủ động tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh bổ sung kinh phí cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương để phòng trừ dịch châu chấu tre.
Ủy ban Nhân dân huyện Nguyên Bình, Hòa An và Thạch An huy động lực lượng tham gia thực hiện phòng trừ châu chấu tre trên địa bàn được giao quản lý; thực hiện các chính sách hỗ trợ phòng trừ dịch theo quy định; chủ động sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ phòng trừ châu chấu tre; đẩy mạnh tuyên truyền, đôn đốc nhân dân thường xuyên kiểm tra cây rừng, cây nông nghiệp gần khu vực châu chấu tre gây hại.
Các huyện nói trên khuyến khích chủ rừng, người dân chủ động tham gia phun thuốc diệt trừ châu chấu tre đúng thời điểm, thời gian và yêu cầu kỹ thuật theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, đảm bảo hiệu quả phòng trừ cao nhất.
Châu chấu tre bùng phát phá hoại mùa màng
Từ đầu tháng 4 năm 2024, tại các xã Vũ Minh, Triệu Nguyên, huyện Nguyên Bình; các xã Bạch Đằng, Hồng Việt, huyện Hòa An; xã Minh Khai, huyện Thạch An châu chấu bắt đầu nở và phát sinh gây hại trên cây ngô và cỏ dại ven bờ ruộng rẫy, sông suối… diện tích nhiễm khoảng 6,8 ha (ngô 0,6ha; cỏ dại 6,2ha); trên cây ngô mật độ châu chấu non phổ biến 2-4 con/m2, nơi cao 15-20 con/m2, trên cỏ dại mật độ châu chấu non phổ biến 100-200 con/m2, nơi cao 300-400 con/m2.
Đến tháng 5/2024, châu chấu tre chuyển sang giai đoạn phát triển, có khả năng di chuyển mạnh và tấn công gây hại cây trồng với mật độ cao hơn; trên rừng vầu mật độ phổ biến 600-1.000 con/m2, đặc biệt có nơi cao tới 7.000-8.000 con/m2.
Tổng diện tích châu chấu tre gây hại cây trồng, cỏ dại đến nay là 449,61ha (gồm 315,2ha rừng vầu, 6,4ha lúa, 24,81ha ngô, 3,5ha thuốc lá, 99,7ha cỏ dại), với mật độ gia tăng 7-8 lần so với năm 2023 và có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng, vượt quá khả năng kiểm soát của các chủ thực vật.
Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Bằng đã ban hành Công văn số 807/SNN-TT&CN ngày 04/4/2024 về việc chủ động theo dõi và phòng, trừ châu chấu gây hại cây trồng; đồng thời, cử cán bộ xuống cơ sở hỗ trợ các huyện có châu chấu kiểm tra, theo dõi diễn biến mức độ gây hại, xác định chính xác thời gian châu chấu nở để phòng trừ ngay từ khi châu chấu còn non và hướng dẫn biện pháp phòng trừ.
Sở chỉ đạo các huyện có ổ dịch châu chấu chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống, bố trí nguồn kinh phí dự phòng hỗ trợ công tác phun trừ dịch, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư bảo hộ lao động, công phun thuốc, bình phun và nhiên liệu để sử dụng máy phun…
Theo báo cáo của các huyện Nguyên Bình, Hoà An, Thạch An và kết quả kiểm tra của chi cục những diện tích đã phun trừ tỷ lệ chết đạt trên 90%; đến nay, tổng diện tích đã phun trừ châu chấu tre gây hại cây trồng, cỏ dại là 116,24 ha (rừng vầu 13,23 ha, cây lúa 6,4 ha, cây ngô 18,41 ha, cây thuốc lá 3,5 ha, cỏ dại 74,7 ha.
Hiện nay, châu chấu tre đang giai đoạn phát triển, có khả năng di chuyển nhanh hơn và phát tán trên diện rộng. Nếu không phòng trừ kịp thời thì sẽ có thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất. Bên cạnh đó, diện tích rừng vầu và diện tích ngô mùa lớn là nguồn thức ăn phong phú để châu chấu phát triển và có khả năng phát thành dịch vào các năm tiếp theo.
Trước những diễn biến ngày càng gia tăng của dịch chấu chấu tre, ngày 6/6 vừa qua UBND tỉnh đã công bố dịch châu chấu tre hại cây rừng và cây trồng nông nghiệp trên địa bàn các huyện Nguyên Bình, Thạch An, Hòa An. Tỉnh cũng chỉ đạo Sở Tài chính bổ sung ngân sách cho các địa phương và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các địa phương huy động mọi nguồn lực tổ chức phòng trừ châu chấu tre lưng vàng./.
Bình Châu
Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/cao-bang-cong-bo-dich-chau-chau-tre-gay-hai-cay-rung-va-cay-trong-nong-nghiep-a24168.html