Thông tin trên được thảo luận tại Hội nghị sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững do Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT tổ chức tại TP.HCM vào ngày 10/5.
Những lợi thế tạo sức bật cho sầu riêng Việt Nam
Thông tin từ hội nghị cho biết, so với các quốc gia sản xuất sầu riêng khác như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia…., Việt Nam có lợi thế sản lượng dồi dào, cho thu hoạch quanh năm.
Năm 2023, Việt Nam có khoảng 110.000ha diện tích trồng sầu riêng, sản lượng khoảng 1 triệu 200 nghìn tấn (gấp hơn 2 lần cả về diện tích và sản lượng so với năm 2018). Trong đó, xuất khẩu trên 600 nghìn tấn và thu về khoảng 2,2 tỷ USD.
Năm 2024, diện tích trồng sầu riêng tăng lên khoảng 150.000ha, sản lượng dự kiến sẽ đạt 1,5 triệu tấn. Với Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới, Việt Nam còn có thêm lợi thế khi xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc với thời gian vận chuyển nhanh hơn nên giá thành cạnh tranh hơn so với một số nước khác. Đây là những yếu tố giúp cho sầu riêng Việt Nam tạo được bước tiến lớn tại thị trường 1,4 tỷ dân này chỉ sau chưa đầy 2 năm gia nhập.
Đến nay, cả nước đã có 708 mã số vùng trồng và 168 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng tươi được cấp. Các mã số này tập trung chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh phía nam, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long (là vùng dẫn đầu về số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng). Thị trường nhập khẩu chủ yếu sầu riêng của Việt Nam hiện nay là Trung Quốc.
Trong bối cảnh mặt hàng sầu riêng của Việt Nam có giá trị xuất khẩu ngày càng tăng, yêu cầu đặt ra là phải duy trì phát triển ngành sầu riêng bền vững và nâng cao sức cạnh tranh mặt hàng này trên thị trường quốc tế, từ đó mở rộng thị trường xuất khẩu.
Mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng... phát sinh nhiều vấn đề
Từ khi ký nghị định thư về hoạt động xuất nhập khẩu sầu riêng với Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam có có cơ hội lớn để xuất khẩu. Tuy nhiên, qua quá trình giám sát, theo dõi hoạt động xuất khẩu, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói... phát sinh nhiều vấn đề.
Bên cạnh việc bảo đảm đủ sản lượng cung ứng, vấn đề chất lượng và an toàn vệ sinh sản phẩm là yếu tố then chốt. Các trường hợp vi phạm không tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh khi xuất khẩu và gian lận trong xuất khẩu sầu riêng, thậm chí thu hái cả sầu riêng xanh để xuất khẩu sang Trung Quốc, không chỉ thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của sầu riêng Việt Nam.
Cụ thể như, trong việc quản lý sinh vật gây hại, kiểm tra hàng hóa trước khi xuất khẩu; có trường hợp cơ sở đóng chưa đảm bảo đúng các quy trình quy định, trà trộn hàng hóa nhiều mã số, số lần vi phạm tái diễn nhiều lần.
Mới đây, qua rà soát của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 17 tỉnh sản xuất, xuất khẩu sầu riêng thì có 5 tỉnh bị đối tác cảnh báo nhiều lần. Những tỉnh có tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng thấp như: Đắk Nông (0%), Bình Phước (1,6%), Vĩnh Long (5%), Bình Thuận (12%), Hậu Giang (27%), Tiền Giang (31%) và Đồng Tháp (37%). Ở quy trình giám sát mã số cơ sở đóng gói, tại Long An với 33% và Đồng Nai với 50% cũng là khá thấp.
Rà soát cho thấy còn có nhiều trường hợp thông tin đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói có quy mô, diện tích, sản lượng... chưa đúng với thực tế. Hầu hết các cơ sở đóng gói chưa có cán bộ kỹ thuật theo đúng quy định, hệ thống truy xuất đến từng mã số vùng trồng chưa đáp ứng được các yêu cầu của Nghị định thư...
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: "Địa phương nhanh chóng phải làm, cùng phối hợp với cơ quan của bộ để chúng ta tìm ra nguyên nhân rồi nhanh chóng đưa ra biện pháp khắc phục...
Sau đó làm báo cáo kỹ thuật gửi cho đối tác để phục hồi mã số đó. Tực tế cho thấy làm rất chậm, nhiều nơi làm đối phó. Giám sát là nhiệm vụ rất quan trọng, ở đây không chỉ phê duyệt mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói là xong mà địa phương còn phải duy trì theo dõi giám sát định kỳ đối với các quy định cần thiết theo nghị thư"./.
Bình Nguyên