Xuất hiện vùng áp thấp có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới

Ngày 15/10, xuất hiện một vùng áp thấp hình thành ở giữa Biển Đông, có khả năng mạnh thêm, dịch chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, đi vào đất liền các tỉnh Miền Trung gây mưa lũ diện rộng.

vung-ap-thap-1510-6457-1697354239.jpg
Xuất hiện một vùng áp thấp trên Biển Đông vào sáng ngày 15/10 và có khả năng thành áp thấp nhiệt đới.

Theo trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, vào 7 giờ sáng nay, ngày 15/10, xuất hiện một vùng áp thấp ở giữa Biển Đông. Tâm vùng áp thấp ở vào vị trí ở khoảng 13,5 - 14,5 độ Vĩ Bắc; 111,5 - 112,5 độ Kinh Đông, gần quần đảo Hoàng Sa của Đà Nẵng.

Dự báo ngày và đêm nay, vùng áp thấp di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Bắc và có khả năng mạnh thêm, có thể xấp xỉ hoặc đạt cường độ của một áp thấp nhiệt đới.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Trung Bộ, nối với vùng áp thấp nên trong ngày và đêm 15/10, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, từ Bình Thuận đến Cà mau, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh.

z4728158570071-a01931e80b20255e9d2e3cc753426b69-1697354755.jpg
Mưa liên tục trong những ngày qua khiến nước ở các hồ sông suối lên cao.

Vùng biển phía Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận, từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan ngày và đêm nay cũng có mưa rào và dông rải rác. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7 - 8.

Ngoài ra, trong ngày và đêm 15/10, vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng cao từ 2 - 3 m.

Từ gần sáng ngày 16/10, ở vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 -8 , biển động, sóng cao từ 1,5-2,5 m.

Ở trên đất liền, do tác động của không khí lạnh tăng cường, kết hợp nhiễu động gió đông và dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp nên tình hình mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp những ngày tới.

Trong đó, từ ngày 15 - 17/10, khu vực từ Quảng Bình đến Bình Định có mưa to đến rất to, với lượng mưa phổ biến từ 150 - 250mm, có nơi trên 400 mm, riêng khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam lượng mưa từ 250 - 450 mm, có nơi trên 800 mm. Khu vực Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50 -100 mm, có nơi trên 150 mm.

Sau đó, khoảng từ ngày 17 - 18/10, do ảnh hưởng của vùng áp thấp, mưa có xu hướng mở rộng lên phía Nam của tỉnh Nghệ An. Trong thời gian này, khu vực từ Nam Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa lớn với lượng mưa 100 - 200 mm, có nơi trên 400 mm.

ngap-lut-dn-2-1697354698.jpg
Áp thấp nhiện đới dự báo đi vào các tỉnh Miền Trung, khiến tình hình mưa lũ ở đây càng phức tạp hơn.

Ngoài ra, do gió mùa Tây Nam hoạt động tăng cường nên chiều và đêm nay, khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 30 - 50 mm, có nơi trên 80 mm.

Dự báo trong khoảng từ ngày 16 - 18/8, khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ tiếp tục có mưa rào và dông rải rác vào chiều và tối, cục bộ có mưa to đến rất to.

Cơ quan khí tượng nhận định, từ nay đến hết năm 2023, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 2 - 3 cơn bão/ATNĐ, trong đó có khoảng 1 - 2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Theo số liệu thống kê cho thấy, trong đợt mưa khốc liệt đang diễn ra ở miền Trung, một số nơi ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã ghi nhận lượng mưa xấp xỉ và trên 1.000 mm như Quan Tượng Đài (Thừa Thiên Huế) 1.005 mm, Lộc Tiến (Thừa Thiên Huế) 886 mm, Thọ Sơn (Thừa Thiên Huế) 862 mm, Hoà Khê (Tp Đà Nẵng) 1.056 mm, Suối Đá (Tp Đà Nẵng) 966 mm, Hóc Khế (Tp Đà Nẵng) 964 mm, Đại Hiệp (tỉnh Quảng Nam) 848 mm, Duy Trung (tỉnh Quảng Nam) 786 mm.

Áp thấp nhiệt đới xuất hiện và và đi vào các tỉnh Miền Trung, nơi những ngày qua đã có đợt mưa khốc liệt khiến tình hình mưa lũ càng phức tạp hơn, nguy cơ lũ chồng lũ, lũ quét, phập lụt và sạt lở đất ở nhiều nơi.

Nguyễn Duyên

Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/xuat-hien-vung-ap-thap-co-the-manh-len-thanh-ap-thap-nhiet-doi-a19525.html