Mường Khương khai thác thế mạnh vùng chuyên canh nông nghiệp

Vùng chuyên canh là vùng tập trung phát triển một hoặc vài loại cây trồng gắn với nguồn tài nguyên thiên nhiên, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nhằm tạo ra khối lượng hàng hóa lớn có khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường.

l1-3-1697337834.jpg
Người dân thôn Sa Pả, thị trấn Mường Khương có thu nhập ổn định từ cây quýt.

Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn Lào Cai đã tích cực thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp. Không chỉ mang lại hiệu quả về năng suất, giá trị kinh tế, việc phát triển các vùng chuyên canh đã từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân, hướng đến một nền sản xuất chủ động và bền vững.

Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, phù hợp gieo trồng các loại cây nông nghiệp khác nhau, người dân tại các xã của huyện Mường Khương đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn quả, cây dược liệu có năng suất và giá trị cao, từ đó, không chỉ nâng cao thu nhập mà còn hình thành các vùng chuyên canh nông nghiệp hiệu quả.

Được hỗ trợ cây giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, 60 hộ dân thôn Sa Pả, thị trấn Mường Khương đã mạnh dạn thay đổi diện tích đất trồng ngô bằng 63 ha quýt và 20 ha cây sa nhân. Cây sinh trưởng, phát triển tốt vì hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Sa Pả từ thôn có 90% hộ nghèo và cận nghèo thì nay giảm xuống chỉ còn hơn 10%. 3 thôn Sa Pả, Chúng Chải A, B và Lao Chải cũng đã trở thành vùng chuyên canh trồng quýt và sa nhân lớn của huyện Mường Khương.

Bằng cách gắn kết bốn nhà "Nhà quản lý, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp", huyện vùng cao Mường Khương không chỉ tạo được vùng hàng hóa tập trung mà còn đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế của cây trồng, giúp người dân yên tâm đầu tư, phát triển kinh tế. Các cấp chính quyền xã thường xuyên xuống họp thôn để triển khai về chương trình hoa quả sạch, đảm bảo về tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, các tỉnh lân cận đặt mua nhiều nên rất thuận tiện cho tiêu thụ sản phẩm, nhờ vậy, cuộc sống của người dân được cải thiện hơn.

l-2-1697337884.png
Mường Khương đã hình thành nhiều vùng nông nghiệp.

Xác định thế mạnh của vùng, Mường Khương đã triển khai thực hiện Đề án đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn, với trọng tâm là quy hoạch vùng sản xuất tập trung, lựa chọn cây giống thích hợp để tạo ra hiệu quả kinh tế cao. Từ mô hình trồng thử nghiệm thành công, Mường Khương đã hình thành nhiều vùng nông nghiệp cho kinh tế cao như: Vùng trồng dứa tại các thôn thuộc xã Bản Lầu; chè shan tại xã Bản Xen, Lùng Vai, Thanh Bình, Tả Thàng; gạo Séng cù tại xã Nấm Lư, Lùng Khấu Nhin... với diện tích chuyên canh lên đến hàng nghìn ha.

"Đến thời điểm hiện tại thì Mường Khương đã hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Để hỗ trợ người dân, chúng tôi đã triển khai kỹ thuật, kinh nghiệm trồng, chăm sóc các loại cây ăn quả tới từng địa phương, góp phần mang đến những sản phẩm an toàn đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu theo đơn đặt hàng.

Các vùng chuyên canh nông nghiệp huyện Mường Khương đang góp phần quan trọng đối với phát triển kinh tế tại địa phương. Thành công này là tiền đề để Mường Khương tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm đưa thêm các giống cây trồng mới vào sản xuất, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào chuỗi sản phẩm nông nghiệp của huyện.

Quang Ánh

Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/muong-khuong-khai-thac-the-manh-vung-chuyen-canh-nong-nghiep-a19511.html