Trị bệnh đốm nâu trên cây thanh long

Bệnh đốm nâu trên cây thanh long gây thiệt hại nặng nề về năng suất và chất lượng trái thanh long từ lâu luôn là nỗi trăn trở của bà con nông dân trong quá trình sản xuất.

Bệnh đốm nâu trên trái thanh long
Bệnh đốm nâu trên trái thanh long

Bệnh đốm trắng hay bệnh đốm nâu thanh long, hay còn gọi là bệnh đốm tắc kè, bệnh ma…do đặc điểm hình dạng, màu sắc và giai đoạn phát triển của vết bệnh.

Ban đầu vết bệnh là những đốm nhỏ hình tròn và có màu trắng. Sau đó phát triển to dần và lồi lên màu nâu. Giống như mắt cua nên hay được gọi là đốm mắt cua. Khi bệnh trở nặng, các vết bệnh tăng lên và liên kết với nhau tạo thành từng mảng sần sùi trên bề mặt cành và có thể gây thối từng mảng lớn.

Trên trái thì biểu hiện bệnh cũng tương tự như trên cành, vết bệnh là những đốm tròn lồi trên bề mặt vỏ trái. Làm vỏ trái sần sùi ảnh hưởng đến mẫu mã, chất lượng trái thanh long. Bệnh đốm nâu do nấm Neoscytalidium dimidiatum (Penz) Crous & Slipper gây ra.

Bệnh xuất hiện và lây lan ở điều kiện thời tiết ẩm ướt, độ ẩm không khí cao, đặc biệt là vào mùa mưa. Bệnh trên thanh long lây lan chủ yếu qua nguồn hom giống, gió, nguồn nước hoặc do sinh vật như côn trùng.

Bệnh đốm nâu trên cây thanh long là một loại bệnh hại mới và khó quản lý. Thêm vào đó, việc thâm canh quá mức và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi khiến cho dịch bệnh càng thêm khó kiểm soát. Do đó bà con cần chú ý áp dụng các biện pháp phòng ngừa bệnh thích hợp để hạn chế sự phát sinh bệnh đốm nâu trên vườn thanh long của mình, mang lại hiệu quả sản xuất tốt hơn.

Thăm vườn thường xuyên, dọn sạch cỏ dại trong vườn, tiến hành tỉa bỏ cành già, cành mang sâu bện để tạo độ thông thoáng cho vườn. Tránh tạo điều kiện cho bệnh phát sinh.

Không tưới nước lên tán cây để hạn chế lây lan mầm bệnh. Hạn chế tưới vào chiều tối để không tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển.

Sử dụng nguồn giống sạch bệnh. Tùy thuộc vào tình hình phát triển và sinh trưởng của cây mà điều chỉnh số lần xử lý ra hoa trái vụ thích hợp. Tránh để cây thanh long bị suy kiệt dinh dưỡng dẫn đến dễ bị nấm bệnh tấn công. Vệ sinh quần áo bảo hộ và các dụng cụ làm vườn như liềm, kéo cắt cành.

Khi bệnh xuất hiện, cần cắt bỏ những cành nhánh và trái bị bệnh mang đi tiêu hủy bằng cách chôn hoặc đốt. Không vứt trên líp trồng hoặc xuống mương nước tránh lây lan diện rộng. Rải vôi bột khử trùng.

Sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật gốc Đồng hoặc gốc Mancozeb để phòng trị bệnh. Khi sử dụng thuốc cần tuân thủ theo đúng liều lượng và đảm bảo thời gian cách ly.

Xuân Nguyễn (t/h)

Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/tri-benh-dom-nau-tren-cay-thanh-long-a19106.html