Thanh Hoá: Nhức nhối nạn bẫy chim, cò trên đồng sau mùa gặt

Sau mùa gặt lúa, cũng là mùa chim di cư, xuất hiện tình trạng nhiều người dân đặt bẫy chim, cò trên khắp cánh đồng khiến nhiều loài chim có nguy cơ bị tận diệt.

z4694497684865-5f96cf5b27b1e620896f25775af1aaf6-1694742699.jpg
Trên nhiều cánh đồng ở huyện Quảng Xương, Tp Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá xuất hiện tình trạng người dân đánh bẫy chim, cò.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại các cánh đồng dọc đường ven biển của xã Quảng Hùng, Quảng Vinh (TP Sầm Sơn), xã Quảng Hải, Quảng Thái huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) xuất hiện tình trạng nhiều người dân đặt bẫy, quây lưới bắt các loại chim trời.

z4694497686773-ded0bc682c15367fca5855c0e90be679-1694743144.jpg
Bẫy lưới sẽ dùng để đánh bắt chủ yếu là các loài chim nhỏ, bay thấp như: chim sẻ, sọc chùn, chim cuốc....

Qua tìm hiểu, phóng viên được biết, mùa bẫy chim bắt đầu từ đầu tháng 9 đến tháng 12 hàng năm. Đang giữa tháng 09, đầu mùa nên chim, cò chưa về nhiều. Thời gian này người dân chủ yếu tập trung vào công tác làm lều lán và đặt bẫy. Bẫy lưới dùng để đánh bắt chủ yếu là các loài chim nhỏ, bay thấp như: chim sẻ, sọc chùn, chim cuốc…. Còn bẫy kẹp dùng để bắt cò, vạc hoặc dùng nhựa dính làm bẫy. Để bắt được cò, vạc người dân phải làm lều lán rất công phu, để cò không phát hiện ra. Suốt thời gian đặt bẫy, người dân chỉ ăn, ở trong lều này.

z4694497676258-fea73b950d63b1480c784df9cef3c6a3-1694742820.jpg
Những con cò mồi, xen lẫn cò thật được bố trí vào khu đặt bẫy kẹp hoặc nhựa dính để bẫy chim, cò bay về đậu.

Dụng cụ bẫy cò chỉ là những chiếc bẫy truyền thống được vót vằng tre, một bộ loa thu tiếng kêu của cò, vạc phát ra để dụ bầy. Ngoài ra, còn có những con cò mồi (cò thật) và cò mồi giả được làm bằng xốp đặt trên các cánh đồng.

z4694497688924-de1bc59941f8a968d1519ad78dc10c65-1694742794.jpg
Một con cò mồi sống đã "phản bội" lại đồng đội khi cất ra tiếng gọi để thu hút các loài chim bay vào khu vực đặt bẫy.

Một người dân ở xã Quảng Hải (huyện Quảng Xương) cho biết, ông làm nghề bẫy chim này đã nhiều năm. Người dân ở xã Quảng Hải, Quảng Thái khi vào mùa cũng làm nghề bẫy chim rất nhiều. “Mặc dù biết bẫy chim, cò là không đúng, tuy nhiên ở đây người dân đã làm cái nghề này qua bao nhiêu thế hệ, nên cứ đến mùa là chúng tôi lại ra đặt bẫy. Có nhiều lần chính quyền địa phương, lực lượg kiểm lâm đến bắt, nhưng do không có việc gì làm chúng tôi lại ra đồng đặt bẫy” – người dân chia sẻ.

z4694497693026-c858ddbb59ffe9cb82e6007483dc7a0d-1694742794.jpg
Một con chim mồi đã "phản bội" đồng loại. Tiếng chim mồi kêu gọi bạn tình sẽ "lừa" được nhiều loại chim, cò bay vào khu vực đặt bẫy.

Hiện tại ở dọc cánh đồng của xã Quảng Hải, Quảng Thái (huyện Quảng Xương), Quảng Hùng, Quảng Vinh (TP Sầm Sơn) có đến hàng chục lều lán bẫy chim, cò. Tuy nhiên, theo người dân thời điểm này cò chưa về, mỗi ngày nếu may mắn thì bẫy được một vài con. Thông thường, cò sẽ về nhiều vào thời điểm cuối tháng 9 trở đi.

z4694497690024-c7200c0eb2f4db68ad7bf63a240b1ac7-1694742814.jpg
Hệ thống âm thanh phát ra tiếng gọi khiến nhiều loài chim, cò bị "lừa" bay vào khu vực đặt bẫy.

Không chỉ ở huyện Quảng Xương, ngay ở trung tâm thành phố du lịch biển Sầm Sơn cũng có rất nhiều người làm nghề bẫy chim, cò. Một người dân ở xã Quảng Hùng (TP Sầm Sơn) cho biết, hiện nay anh đang có khoảng 50 con cò mồi. Trên thửa ruộng anh đang đặt cả trăm chiếc bẫy để bẫy cò, vạc.

z4694497688144-acb23b52f3364f0a051621dc21c3121d-1694742819.jpg
Một chòi bẫy chim được nguỵ trang khá kín đáo "gần gũi với thiên nhiên".

Ngày 17/05/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg (gọi tắt Chỉ thị 04) về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam. Chỉ thị 04 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cụ thể trách nhiệm của các bộ, cơ quan, ban, ngành trong việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn nạn săn bắt, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ trái phép chim hoang dã.

z4694497682134-a244c03e784d9be9ebc2fe2f049c2a71-1694742820.jpg
Bên trong một chòi bẫy chim là những dụng cụ, bẫy, lưới, keo dính, kẹp...

Ngày 17/05/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg (gọi tắt Chỉ thị 04) về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam. Chỉ thị 04 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cụ thể trách nhiệm của các bộ, cơ quan, ban, ngành trong việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn nạn săn bắt, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ trái phép chim hoang dã.

Đặc biệt, Chỉ thị của Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường đưa tin, phát sóng các thông điệp, phóng sự, bản tin tuyên truyền pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim hoang dã, di cư; tuyên truyền người dân không tham gia các hoạt động săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư và các sản phẩm của chúng. Chỉ thị nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan truyền thông trong công tác kiểm soát hoạt động quảng cáo các sản phẩm, công cụ săn, bắt, bẫy chim hoang dã, di cư như: lưới, súng săn, tự chế…

Trước đó, Nghị định số 06/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ban hành ngày 22/9/2021 và Nghị định số 35/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 07/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 đã quy định đầy đủ nguyên tắc quản lý và chế độ xử phạt với các vi phạm liên quan đến chim hoang dã và chim di cư.

Cụ thể, Nghị định 06 đã lần đầu tiên đưa ra định nghĩa “động vật hoang dã, thực vật hoang dã”, trong đó nhận định động vật hoang dã bao gồm cả các loại động vật trên các khác thuộc lớp chim, thú, bò sát, lưỡng cư, trừ một số loài thuộc danh mục do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan công bố.

Hiện nay, không có loài chim hoang dã nào được liệt kê trong Quyết định 4737/QĐ-BNN-TCLN về danh mục loài động vật trên cạn khác thuộc lớp chim, thú, bò sát, lưỡng cư không thuộc đối tượng quản lý động vật hoang dã. Như vậy, với quy định này, tất cả các loài chim hoang dã, chim di cư đều được xác định là động vật hoang dã thuộc nhóm loài động vật trên cạn khác (nếu không phải là động vật rừng thông thường).

Theo đó, chế độ quản lý và xử phạt vi phạm đối với loài chim hoang dã, chim di cư này sẽ được áp dụng tương tự như đối với loài động vật rừng thông thường (khoản 5, Điều 40, Nghị định 06 và khoản 4, Điều 6, Nghị định 35). Như vậy. hành vi săn, bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái phép chim hoang dã, chim di cư và tàng trữ, vận chuyển, buôn bán cá thể, bộ phận cơ thể, sản phẩm các loài chim hoang dã, chim di cư có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 300 triệu đồng đối với cá nhân hoặc 600 triệu đồng đối với tổ chức theo quy định tại Điều 21, Điều 22 và Điều 23 Nghị định 35.

Sông Lô

Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/thanh-hoa-nhuc-nhoi-nan-bay-chim-co-tren-dong-sau-mua-gat-a18496.html