Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi): Cơ bản đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đặt ra

Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) được Quốc hội xem xét tại phiên họp toàn thể diễn ra tại hội trường vào chiều 25/5. Dự thảo Luật hiện nay gồm 12 chương với 115 điều, tăng 4 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 và đã cơ bản đáp ứng được quan điểm, mục tiêu, yêu cầu đặt ra khi sửa đổi Luật.

luat-hop-tac-xa-1685006930.jpg
Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) được Quốc hội xem xét tại phiên họp toàn thể diễn ra tại hội trường vào chiều 25/5 - Ảnh: VGP

Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-11/2022), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 21 (tháng 3/2023) và các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (ngày 5/4/2023).

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về tên gọi của dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, giữ nguyên tên gọi của dự án Luật là Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung tại các điều, khoản và thiết kế lại bố cục, kết cấu của dự thảo Luật bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với tên gọi của dự án Luật.

Về liên đoàn hợp tác xã (HTX), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa luật hóa các nội dung về liên đoàn HTX tại dự thảo Luật theo đúng chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW về việc "nghiên cứu, xây dựng thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã hoạt động chuyên môn hoá cao trong một số ngành, lĩnh vực".

Để thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 20-NQ/TW, đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm một số liên đoàn HTX theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau thời gian thí điểm, sẽ tiến hành tổng kết và nghiên cứu đề nghị Quốc hội bổ sung tại Luật những quy định phù hợp, khả thi, đã được kiểm nghiệm trên thực tiễn liên quan đến mô hình liên đoàn HTX.

Đề cập đến nội dung về tổ hợp tác (Chương IX), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, việc quy định về tổ hợp tác tại dự thảo Luật là cần thiết nhằm xác định địa vị pháp lý của tổ hợp tác và phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW. Tuy nhiên, do nhiều nội dung liên quan đến tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác đã được quy định cụ thể tại Bộ luật Dân sự nên tại dự thảo Luật chỉ quy định một số nguyên tắc về tổ hợp tác, như khái niệm, thành lập và hoạt động, quyền và nghĩa vụ của tổ hợp tác, việc chuyển đổi và chính sách hỗ trợ tổ hợp tác chuyển đổi thành HTX.  

Về tổ chức đại diện, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam (Chương X), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu giữ lại một số nội dung quy định về tổ chức đại diện, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam tại Luật Hợp tác xã năm 2012, đồng thời bổ sung một số nội dung khác tại Chương X theo chủ trương được nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW về "Củng cố, tăng cường hoạt động của hệ thống liên minh HTX và các tổ chức đại diện".

Việc Nhà nước hỗ trợ một phần hay toàn bộ tùy vào từng trường hợp cụ thể gắn với nhiệm vụ được Nhà nước giao và phụ thuộc vào khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước trong từng thời kỳ. 

Đối với khó khăn về biên chế, kinh phí hoạt động và cơ sở vật chất... hiện nay ở liên minh HTX một số tỉnh, thành phố, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, có giải pháp xử lý từng trường hợp cụ thể.

Về kiểm toán HTX, liên hiệp HTX (Chương VIII), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho hay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, rà soát, chỉnh lý và bổ sung các quy định về kiểm toán HTX, liên hiệp HTX tại Điều 105 và Điều 106 theo hướng khuyến khích thực hiện kiểm toán nội bộ tại HTX, liên hiệp HTX; đồng thời đề nghị chỉ bắt buộc phải kiểm toán độc lập đối với một số HTX, liên hiệp HTX mà trong hoạt động tài chính tiềm ẩn rủi ro, như HTX quy mô lớn, liên hiệp HTX có từ 10 thành viên trở lên; HTX, liên hiệp HTX có hoạt động cho vay nội bộ hoặc có đề nghị thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; quỹ hỗ trợ phát triển HTX hoạt động theo mô hình HTX.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và xét thực tế năng lực hiện tại của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu và có lộ trình phù hợp trong việc xác định kiểm toán HTX là một loại hình dịch vụ công và giao cho hệ thống Liên minh HTX Việt Nam thực hiện đối với các HTX quy mô siêu nhỏ và nhỏ theo chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Sau khi nghe Báo cáo giải trình, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật, trong đó tập trung vào các nội dung lớn của dự án Luật về: Tính cụ thể, rõ ràng, khả thi của các quy định; việc cụ thể hóa 8 nhóm chính sách theo Nghi quyết 20; các điều kiện chuyển đổi tổ hợp tác thành HTX; quy định về thành viên HTX; việc quản lý tài sản, tài chính; hoạt động cho vay nội bộ; điều kiện về vốn, số lượng thành viên…

Theo Hải Liên/Báo điện tử Chính phủ

Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/du-an-luat-hop-tac-xa-sua-doi-co-ban-dap-ung-duoc-muc-tieu-yeu-cau-dat-ra-a16122.html