Đôi điều trăn trở về phát triển du lịch Hà Giang

Với tiềm năng về tài nguyên du lịch cả thiên nhiên và nhân văn phong phú, Hà Giang đang trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Vậy, Hà Giang đang ở vị trí nào trong bản đồ du lịch quốc gia? Trả lời được câu hỏi này chính là cơ sở đánh giá đúng thực trạng để tìm ra giải pháp hoạt động trong tương lai cho du lịch và kinh tế du lịch Hà Giang.

cot-co-lung-cu-copy-1684896885.jpg
Cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn) điểm đến khi du lịch cao nguyên đá

Những năm qua Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Hà Giang đã hoàn chỉnh dự án quy hoạch, phát triển tổng thể về du lịch của Tỉnh, từng bước triển khai xây dựng các loại hình, mô hình, sản phẩm du lịch để đưa vào khai thác, chủ động phối kết hợp với các tỉnh lân cận phát triển du lịch liên vùng, xây dựng và phát triển các làng nghề truyền thống, làng văn hóa du lịch… và mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế với hai tỉnh Vân Nam, tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc. Đồng thời hướng dẫn, tư vấn các doanh nghiệp và các nhà đầu tư xây dựng dự án phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, tham gia các khoá đào tạo nghiệp vụ quản lý nhà nước về du lịch trong và ngoài nước.

Khách du lịch trong nước và quốc tế đến Hà Giang với nhiều mục đích khác nhau: thăm thân, nghỉ dưỡng, tham quan, khám phá lịch sử, địa lý... nhìn chung lượng khách du lịch đến với Hà Giang năm sau cao hơn năm trước, đây là tín hiệu đáng mừng song cũng đặt ra cho ngành du lịch những vấn đề nảy sinh cần giải quyết. Lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đến với Hà Giang chủ yếu bằng đường bộ. Khách quốc tế đến từ các thị trường Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ trong đó khách đến từ thị trường Châu Á và Châu Âu chiếm đa số nhưng vẫn ở dạng nhỏ lẻ.

nui-doi-quan-ba-1684896994.jpg
Núi Đôi (Quản Bạ) nằm ngay cửa ngõ lên Công viên địa chất toàn cầu

Lợi thế: Hà Giang đang sở hữu một tài nguyên du lịch thiên nhiên vô giá, đó là sự “nguyên sơ” của một vùng đất được UNESSCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Hà Giang còn là một vùng đất có bản sắc văn hóa bản địa phong phú, đa dạng và độc đáo rất ít nơi có được. Đó là Cột cờ Lũng Cú, Làng cổ Lô Lô, Kiến trúc Nhà Vương, Cổng trời Quản Bạ, Phố cổ Đồng Văn, Chợ tình Khau Vai, Đèo Mã Pí Lèng, Vườn tượng Thạch Sơn Thần, Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Bãi đá cổ Nấm Dẩn... Đấy là chưa kể hàng loạt núi non, hang động, sông hồ chưa thành sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, khai thác tài nguyên du lịch như thế nào cho hiệu quả lại là bài toán khó, đòi hỏi đảng bộ chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang phải trả lời.

Bất lợi: Lợi thế có được phát huy không khi đường xá xa xôi, hiểm trở, cơ sở hạ tầng du lịch còn quá giản đơn, con người làm du lịch chưa được đào tạo chuyên nghiệp? Có người đã nói: núi rất đẹp, đá rất đẹp, phong cảnh rất trữ tình, văn hóa rất đa dạng, nhưng lấy cái gì để ăn, để mặc mà ngắm và đưa du khách đến chiêm ngưỡng, tìm hiểu? Nếu đến chỉ để xem đá người ta chỉ đến một lần.

Thấp thoáng phía sau rừng đá xám kia là cả một miền văn hóa, nhiệm vụ của ngành Du lịch là phải giúp du khách chạm được vào giá trị tiềm ẩn sâu trong rừng đá xám đó và tạo thành cảm xúc. Đó chính là cơ sở để phát triển du lịch bền vững, hấp dẫn, có thương hiệu, bên cạnh các hoạt động bảo tồn, tu tạo cảnh quan, các dịch vụ du lịch phải ngày càng hoàn thiện và chuyên nghiệp.

So sánh: Hà giang không có được những khu du lịch truyền thống và lâu đời như vịnh Hạ long (Quảng Ninh), bãi biển Đồ Sơn (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Động Phong Nha (Quảng Bình) hay Tam Cốc, Bích Động (Ninh Bình), Sa Pa (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn). Hà Giang không có cố đô, lăng tẩm như Huế, phố cổ như Hội An (Quảng Nam) không có di tích lịch sử như Pác Bó (Cao Bằng), Cánh đồng Mường Thanh (Điện Biên) ATK như Thái Nguyên, Tân Trào (Tuyên Quang)… Hà Giang không có các cửa khẩu lớn phục vụ nhu cầu du lịch mua sắm như Móng Cái (Quảng Ninh), Đồng Đăng (Lạng Sơn), Hà Khẩu (Lào Cai), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Lao Bảo (Quảng Trị)…

Chỉ so với các vùng tương đồng trong Khu Việt Bắc, tài nguyên du lịch của Hà Giang vẫn đang ở dạng tiềm năng và chưa có thị trường truyền thống. So với cả nước lại càng thấy rõ, nhiều tỉnh, thành với lợi thế vị trí địa lý, đường giao thông thuận lợi, có lịch sử phát triển, họ đã và đang khai thác và xây dựng được thị trường du lịch có thương hiệu.

Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp mang bản chất và nội dung văn hóa rất sâu sắc dựa trên cơ sở, nền tảng văn hóa dân tộc - vùng miền. Hoạt động du lịch luôn đem đến cho du khách những sản phẩm chứa đựng các giá trị nhân văn đặc sắc, mang sắc thái bản địa. Tài nguyên có thể trời cho nhưng con người phải là trung tâm; Có một vùng trời, một vùng đất đẹp, nên thơ mà không có người vun đắp, tô điểm và phát triển, những vùng trời, vùng đất đẹp đó không bao giờ trở thành sản phẩm du lịch hoàn hảo.

Cũng phải nói thêm, giá trị của tài nguyên và sản phẩm du lịch được đánh giá bằng số lượng du khách đến với nó, phụ thuộc vào mức chi tiêu của du khách trong một chuyến đi và ảnh hưởng, tác động của hệ thống sản phẩm đó đến sự phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương, đất nước. Giá trị của sản phẩm du lịch được đánh giá bằng hai hình thức: lượng hóa được và không đo đếm được.

Giá trị lượng hóa được là doanh thu từ hoạt động du lịch, là sự hưởng lợi của cư dân qua hoạt động du lịch; Giá trị không đo đếm được là ấn tượng của du khách sau khi sử dụng các sản phẩm du lịch. Bản sắc văn hóa đa dân tộc nếu được coi trọng và bảo vệ sẽ phát huy thành điểm nhấn hấp dẫn du khách khi tới Hà Giang. Đó chính là việc làm thức dậy các di sản vật thể và phi vật thể độc đáo ở các miền đất của Hà Giang, cả vùng thấp, vùng cao núi đá và miền Tây núi đất.

Theo thống kê, lượng khách trong và ngoài nước đến Hà Giang tăng lên đáng kể, điều này có thể lí giải được là do “hiệu ứng” Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Cùng với đó, nắm bắt cơ hội phát triển du lịch - dịch vụ, nhiều tổ chức, cá nhân đã đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, nhà hàng, khách sạn, chú trọng chất lượng dịch vụ, nên đã từng bước đáp ứng được nhu cầu của du khách.

Các hoạt động xúc tiến thương mại - du lịch được tổ chức ở khắp các địa phương thông qua việc tổ chức Hội chợ thương mại, hoạt động văn hoá, du lịch ở các huyện, thành phố. Hà Giang đã tiến hành quy hoạch chi tiết các điểm, cụm du lịch; xây dựng các điểm dừng chân đón khách ở Tam Sơn - Quản Bạ, Mã Pí Lèng - Mèo Vạc, Đèo Gió - Xín Mần; phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức khảo sát tuyến điểm du lịch Tây - Đông Bắc trên địa bàn tỉnh; tổ chức Hội thảo về Cao nguyên đá Đồng Văn, Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì và triển khai các bước theo quy định để đề nghị tổ chức UNESCO Việt Nam công nhận trở thành “Di sản thiên nhiên”…

Trong những năm vừa qua, tỉnh cùng các doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong việc đa dạng hoá sản phẩm du lịch, mở ra nhiều tour, tuyến mới, phát triển các điểm du lịch nhằm đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu đa dạng của du khách. Xây dựng các sản phẩm loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch tâm linh.... Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch của Hà Giang hiện nay vẫn chưa khai thác hết các tiềm năng sẵn có. Các sản phẩm mới bước đầu triển khai, các dịch vụ và hạ tầng vẫn chưa đồng bộ, do đó chưa thực sự thu hút được sự quan tâm của khách du lịch nội địa cũng như quốc tế.

Một số công trình đã đưa vào sử dụng như: Trạm dừng chân trên đỉnh Mã Pí Lèng (Mèo Vạc), Cổng trời (Quản Bạ), Đèo gió (Xín Mần), Khu du lịch sinh thái Nậm An (Bắc Quang), Thạch Lâm Viên (TP Hà Giang)... Hiện Hà Giang vẫn tiếp tục mời gọi hoàn thiện một số dự án đầu tư khác, như Dự án du lịch sinh thái hồ Quang Minh (Bắc Quang), Dự án phát triển du lịch lòng hồ Bắc Mê, Dự án xây dựng khu di tích lịch sử Đồng Văn, Dự án du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng Quảng Nguyên (Xín Mần)…

ven-day-tay-con-linh-1684897091.jpg
Ruộng bấc thang nét đẹp của miền Tây Hà Giang

Hà Giang đã ký kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng và Bắc Kạn; ký kết hợp tác với các tỉnh có chung đường quốc lộ 2: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang; ký kết hợp tác phát triển du lịch lòng hồ Na Hang với Tuyên Quang và Bắc Kạn; ký kết hợp tác xây dựng thoả thuận khung hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh khu vực Tây Bắc mở rộng; ký kết hợp tác phát triển du lịch vùng chiến khu Việt Bắc... Tuy nhiên, việc tiến hành ký kết các biên bản hợp tác với một số tỉnh lân cận và trong khu vực về phát triển du lịch mới triển khai nội dung hợp tác được một phần rất nhỏ, chưa khai thác hết thế mạnh của từng vùng.

Hà Giang đã ký kết các biên bản hợp tác phát triển du lịch với Cục Du lịch Châu Vân Sơn, Cục Du lịch tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. 3 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn cùng với Cục Du lịch Vân Nam ký kết hợp tác phát triển du lịch khai thác lòng hồ thủy điện Na Hang, tạo điều kiện phát triển tuyến du lịch nối giữa Việt Nam với Malipho, Châu Vân Sơn, Côn Minh tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Hiện nay Hà Giang chưa có thoả thuận mở rộng hợp tác phát triển về du lịch với các nước khác trong khu vực. Đây là một trong những điểm yếu trong việc khai thác khách du lịch của Hà Giang.

Một số làng văn hoá du lịch cộng đồng được xây dựng và đi vào hoạt động tại các địa phương bước đầu mang lại hiệu quả, thu hút lượng lớn khách du lịch trong nước và ngoài nước đến tham quan, lưu trú. Khách đến tham quan và tiêu dùng dịch vụ của địa phương đã đem lại thu nhập dù còn ít ỏi nhưng cũng là nguồn động viên khích lệ ban đầu cho những người dân có tham gia hoạt động du lịch cộng đồng như: Thôn Tiến Thắng, Thôn Tha, Bản Tùy (thành phố Hà Giang), Thôn Lùng Tao (Vị Xuyên), Thôn Nậm An (Bắc Quang), Thôn My Bắc, Thôn Chì (Quang Bình), Làng Giang (Hoàng Su Phì), Nấm Dẩn (Xín Mần), Bản Lạn (Bắc Mê), Nặm Đăm (Quản Bạ), Thôn Bục Bản (Yên Minh), Thôn Lũng Cẩm Trên, Lô Lô Chải (Đồng Văn), Sảng Pả A (Mèo Vạc)... Những nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của vùng đất đa dân tộc như Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn; Lễ cấp sắc của người Dao; Tết của người La Chí, Chợ tình Khau Vai, cày trên nương đá; Lễ hội chọi trâu, đấu ngựa, chọi dê... gắn với các làng văn hóa du lịch cộng đồng khiến các làng đã trở thành sản phẩm du lịch khá đặc sắc, góp phần làm phong phú các sản phẩm du lịch của tỉnh.

Đến Hà Giang có thể bắt gặp du khách say sưa chụp ảnh trên những cánh đồng hoa tam giác mạch dưới chân Cột cờ Lũng Cú, hay ngạc nhiên ngắm nhìn kiến trúc độc đáo của Dinh nhà Vương. Cũng có thể bắt gặp du khách choáng ngợp trước sự hùng vĩ của Cao nguyên đá, hoặc thấy mình thật nhỏ bé khi đứng trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng phóng tầm mắt ngắm nhìn những dãy núi trập trùng tiếp nối trải rộng ra xa tít. Đến Hà Giang còn có thể bắt gặp du khách lặng ngắm những vì sao nhấp nháy sâu dưới dòng Nho Quế uốn lượn quanh chân những ngọn núi đẹp lạ lùng với muôn dáng vẻ và, họ hẹn nhau sẽ đi chụp ảnh Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì và đến Đèo Gió, Bãi đá cổ Xín Mần... Đến Hà Giang còn có thể thấy du khách không đăng ký được phòng nghỉ trong những thời điểm diễn ra Chợ tình Khau Vai, mùa hoa Tam giác mạch mặc dù đã gọi điện đặt trước cả tuần, nhưng sau những dịp đó các khách sạn, nhà nghỉ lại rơi vào tình trạng quạnh hưu, vắng khách. Thực trạng đó cho thấy cần phải có một nghiên cứu, đánh giá thực tế, xác định chính xác giữa cung và cầu để có quy hoạch khoa học nhằm tận dụng tối đa tài nguyên sẵn có mà không lãng phí tiền của đầu tư.

Với những tài nguyên du lịch có sẵn bước đầu đã được khai thác, Hà Giang đã trở thành một trong những lựa chọn của du khách. Mục tiêu đầu tiên và cuối cùng của kinh doanh du lịch là du khách “hẹn gặp lại”, nhưng làm thế nào để du khách đến rồi sẽ trở lại và khi trở lại không chỉ có họ mà còn có thêm nhiều du khách mới? Đối với Hà Giang, đó chính là làm thế nào để có sản phẩm du lịch tương xứng với tiềm năng, có dịch vụ đáp ứng với yêu cầu của du khách, để phát triển du lịch bền vững. Nếu điều kiện cần và có trong hoạt động du lịch không đáp ứng, du khách chỉ đến một lần, điều đó cũng có nghĩa là ngành du lịch phát triển chưa có chiều sâu. Tài nguyên sẵn có, Nghị quyết đã có, kinh nghiệm cũng đã có, nhưng phát triển theo hướng nào, lộ trình ra sao đòi hỏi ngành du lịch, các địa phương phải chủ động, có kế hoạch thực hiện tương ứng với khả năng của mình.

Tiềm năng du lịch đã được chính những du khách đến với Hà Giang khẳng định, tuy nhiên, để không lặp lại những câu chuyện bi hài vào những mùa du lịch cao điểm như mùa Hoa Tam giác mạch, Chợ tình Khau Vai, Ruộng bậc thang mùa lúa chín vàng... khách du lịch ngủ vạ vật trên Phố cổ Đồng Văn, bên đường, vì các cơ sở lưu trú đã kín chỗ, nhà hàng cũng không thể đáp ứng được nhu cầu thực khách... Vì vậy, cần có sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, địa phương, để đưa ngành du lịch Hà Giang tiến xa hơn trên con đường phát triển.

Du lịch, một ngành kinh tế đang mang lại nguồn thu lớn cho nhiều địa phương trong cả nước. Hà Giang muốn bắt kịp được với xu thế ấy dựa trên tiềm năng sẵn có của mình thì cần lắm cái “bắt tay” của nhà quản lý, các địa phương, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và người dân./.

Nguyễn Đỗ

Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/ha-giang-dang-o-dau-trong-ban-do-du-lich-viet-nam-a16084.html