Cần gói giải pháp tổng thể để phát triển năng lượng xanh cho doanh nghiệp sản xuất

Sử dụng điện mặt trời mái nhà đang là yếu tố quan trọng hướng tới mục tiêu xanh hóa và giảm phát thải trong các ngành sản xuất. Tuy nhiên doanh nghiệp cần có hướng dẫn lắp đặt cụ thể cho mô hình tự dùng.

Tham gia vào mục tiêu sản xuất xanh bảo vệ môi trường, trong vài năm gần đây, các ngành sản xuất, xuất khẩu như may mặc của Việt Nam đã quan tâm, tăng cường sử dụng nguồn nguyên vật liệu tự nhiên để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng khác là doanh nghiệp còn phải chứng minh về kế hoạch sử dụng năng lượng xanh trong sản xuất để đáp ứng yêu cầu giảm phát thải và bảo vệ môi trường.

Trong đó sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà đang là lựa chọn nhanh và đơn giản nhất cho doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, lợi ích của việc sử dụng điện năng lượng mặt trời không chỉ giảm phát thải trong sản xuất mà còn giúp giảm chi phí tiền điện hàng tháng và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Thế nhưng tỉ lệ các doanh nghiệp sử dụng năng lượng xanh trong sản xuất hiện vô cùng nhỏ. Đại đa số năng lượng tái tạo lắp đặt trong thời gian vừa qua là để bán điện trực tiếp cho EVN và sử dụng trong nhu cầu gia đình và một số ít cho khối văn phòng thương mại.

Theo các ngành hàng sản xuất, đối với những nhóm ngành sử dụng năng lượng cao như thủy hải sản, dệt sợi, linh kiện điện tử hay ngành công nghiệp phụ trợ, việc sử dụng điện mặt trời áp mái có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm từ 10-30% chi phí điện. Hiện nay với giá điện tăng cao, doanh nghiệp rất muốn đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà để sử dụng năng lượng xanh trong sản xuất, ngoài lợi ích về tiết kiệm chi phí, điện mặt trời mái nhà còn giúp doanh nghiệp có lợi thế nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa tại các thị trường xuất khẩu.

nang-luong-xanhh-1684315128.jpg
Tọa đàm năm 2023 với chủ đề: “Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn”.Ảnh Hương Lan

Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có hành lang pháp lý và các hướng dẫn rõ ràng về quy định lắp đặt điện mặt trời mái nhà cho nhu cầu tự dùng. Do đó, những quy định liên quan về đấu nối với lưới điện hiện hữu (kể cả của EVN và của bên thứ 3 đầu tư hạ tầng lưới điện ở các khu công nghiệp), phòng cháy chữa cháy, giấy phép xây dựng… cho mô hình này chưa rõ ràng nên nhiều doanh nghiệp sản xuất chưa dám đầu tư lắp đặt.

Bên cạnh đó, hiện nay việc lắp điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp đang gặp nhiều vướng mắc bởi tiêu chí, cụ thể đối với doanh nghiệp tự lắp đặt phục vụ cho mục tiêu kinh doanh và sản xuất.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Trong thực tế, chỉ ít doanh nghiệp xuất khẩu may mặc chọn phương án mua điện năng lượng tái tạo từ hệ thống điện mặt trời mái nhà của các Quỹ đầu tư nước ngoài. Với các ngành sản xuất còn rất nhiều lĩnh vực đang mong muốn được sử dụng năng lượng xanh để tiết kiệm chi phí hoạt động, vận hành nhà máy và thực hiện chứng chỉ xanh.

“Tuy nhiên hiện tại, vẫn chưa có quy định, hướng dẫn đầu tư, lắp đặt cụ thể rõ ràng cho mô hình tự dùng, các doanh nghiệp sản xuất còn lúng túng chưa chủ động được việc đầu tư và phát triển, chưa dám đầu tư lắp đặt. Do đó cần gói giải pháp tổng thể từ phía chính quyền, doanh nghiệp”, ông Hoàng Quang Phòng khẳng định.

Còn theo TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường ĐHKT-ĐHQG Hà Nội, trong báo cáo mà viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố, trong 10 năm trở lại đây, việc tự chủ nguyên liệu trong các ngành sản xuất như da giày, dệt may, linh kiện điện thoại, thủy sản là quan trọng nhất. Cũng dựa trên báo cáo này, bối cảnh lãi suất cao, chi phí vốn bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp… đã đặt ra những yêu cầu cấp thiết hơn trong năng lượng xanh bởi chi phí tính toán tiết kiệm năng lượng điện, năng lượng tái tạo đó là bài toán để tạo ra lợi thế cho doanh nghiệp.

Theo ông Việt, vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch điện 8). Quy hoạch điện 8 ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Nguồn điện này sẽ đạt tỉ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030. Mục tiêu là hướng tới đạt tỉ lệ năng lượng tái tạo 47% theo cam kết về chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP). Định hướng đến năm 2050, tỉ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%.

Vị chuyên gia cho biết, quy hoạch điện 8 sẽ tạo tiền đề cho phát triển năng lượng điện tái tạo. Hoàn thiện khung thể chế pháp luật điều kiện phát triển điện tái tạo, điện mái nhà, tự sản tự tiêu. Tuy nhiên, cũng có vấn đề đặt ra là không thể tự sản tự tiêu hoàn toàn, doanh nghiệp cần có sự dự trữ về năng lượng. Do vậy, việc đấu nối với điện lưới quốc gia cần được xem xét, cần có chính sách nào đấy để cho phép đấu nối.

Phó Viện trưởng VEPR cũng chỉ ra mặc dù đã có các quy định về các yếu tố kỹ thuật để kiểm soát, lắp đặt, sửa chữa điện năng lượng tái tạo, song thể chế chính sách còn chưa rõ ràng, quy trình thủ tục để lắp đặt hệ thống mới, hay sửa chữa mất rất nhiều thủ tục quy trình kèm theo. Đồng thời gây ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là với cơ sở, ngành xuất khẩu khi khách hàng có các yêu cầu về năng lượng sạch.

Theo ông Việt, để đạt được mục tiêu đề ra tại quy hoạch điện 8, cần có cơ chế xác nhận cho người dân làm. Đồng thời, thảo luận, sửa đổi quy trình, thủ tục, tìm phương án tháo gỡ để có cơ chế chính sách phù hợp, bởi “nếu không có phương án ngay chúng ta sẽ mất cơ hội"./.

Hương Lan

Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/can-goi-giai-phap-tong-the-de-phat-trien-nang-luong-xanh-cho-doanh-nghiep-san-xuat-a15931.html