Đắk Lắk: Nông dân thuần hóa thành công loài cá ví như "thủy quái" ở sông Sêrêpốk

Để bảo tồn loài cá lăng đuôi đỏ (loài thủy sản quý hiếm trên dòng sông Sêrêpốk), nhiều năm nay một số nông dân tại xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã thuần hóa, nuôi thành công trong ao đất với môi trường nước tĩnh. Việc nuôi thành công loài cá lăng đuôi đỏ đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn nguồn gen các loài thủy sản quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng trên các dòng sông, đặc biệt là sông Sêrêpốk, mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao cho nông dân.

Thuần chủng "thủy quái" trên dòng sông Sêrêpốk

Với hàng loạt nhà máy thủy điện mọc lên, ngăn dòng làm thay đổi môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến sản lượng các loài thủy sản đặc sản, đặc hữu trên các hệ sông chính của Tây Nguyên. Thêm vào đó tình trạng đánh bắt tràn lan bằng các dụng cụ, hình thức trái phép khiến cho nhiều loài cá quý hiếm, trong đó có cá lăng đuôi đỏ trên sông Sêrêpốk dần khan hiếm, nguy cơ cơ bị tận diệt.

Theo ghi nhận của PV Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh tại một hộ nông dân tại thôn 5, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, ông Hoàng Quốc Bài là một trong những người tiên phong nghiên cứu, "thuần chủng" loài cá lăng đuôi đỏ quý hiếm trên dòng sông Sêrêpốk chảy ngược.

anh-1-bai-ca-o-song-serapok-1682822314.jpg
Hiện nay với 4 ao cá diện tích hơn 1ha nuôi loài cá lăng đuôi đỏ, mỗi năm trừ hết chi phí gia đình ông Hoàng Quốc Bài (thôn 5, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) có lợi nhuận gần 300 triệu đồng.

Được biết, dòng Sêrêpốk là một trong những con sông lớn nhất Tây Nguyên, phụ lưu quan trọng của sông Mê Kông. Vào mùa mưa, nước sông Sêrêpốk chảy cuồn cuộn. Thừa hưởng nguồn thủy sản trù phú của con sông mẹ Mê Kông nổi tiếng, sông Sêrêpốk có nhiều loài cá quý hiếm như cá mõm trâu, cá lăng đuôi đỏ, cá trà sóc...

Trong số các loài cá quý hiếm, cá lăng đuôi đỏ được xem loài "thủy quái" đặc trưng, nổi tiếng của dòng sông Sêrêpốk. Chính dòng sông Sêrêpốk với dòng chảy cuồn cuộn, lắm thác ghềnh là môi trường sinh trưởng lý tưởng của loài cá lăng đuôi đỏ.

Cách đây chưa lâu, số lượng cá lăng đuôi đỏ trên dòng sông Sêrêpốk còn rất nhiều. Theo một số người dân bản địa, họ có thể dễ dàng bắt được những con cá lăng đuôi đỏ trọng lượng lớn. Thậm chí người dân trong vùng đã từng bắt được cá lăng đuôi đỏ với trọng lượng lên đến gần 100kg.

Tuy nhiên, một phần do tác động của con người cùng hàng loạt các nhà máy thủy điện mọc lên, chặn dòng, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và khả năng sinh sản của nhiều loài thủy sản quý hiếm. Vướng các đập thủy điện, cá lăng đuôi đỏ không ngược dòng lên trung thượng nguồn sông Sêrêpốk để sinh sản. Vì vậy, số lượng cá lăng đuôi đỏ sông Sêrêpốk giảm nhanh trong những năm qua.

Chia sẻ về thực trạng này, ông Hoàng Quốc Bài cho hay, trước đây ông vốn làm nghề chài lưới trên sông Sêrêpốk, thời điểm đó, cá lăng đuôi đỏ trên sông nhiều vô kể. Việc câu được những con cá lăng đuôi đỏ to vài ba chục ký là bình thường. Có khi người dân còn câu được cá lăng đuôi đỏ hơn 80kg, dài tận 1,6m, khoảng 50 năm tuổi... Những con cá lăng nặng vài chục kg, sống lâu vài chục năm thực sự là sản vật trân quý của dòng sông.

"Thời điểm đó, việc đánh bắt cá chủ yếu là thủ công, dùng chài lưới, giăng câu... không dùng kích điện hay thuốc hóa học nên cá trên sông vẫn còn nhiều vô kể. Sau này, thủy điện chặn dòng, rồi việc đánh bắt vô tội vạ theo kiểu tận diệt khiến nguồn thủy sản cạn dần, cá lăng đuôi đỏ cũng khan hiếm. Nay nói về việc câu được con cá lăng to lớn ở sông Sêrêpốk thật sự là rất hiếm", ông Bài nhớ lại.

Trước tình trạng số lượng cá lăng đuôi đỏ trên sông Sêrêpốk cứ khan hiếm dần, năm 2005 ông Hoàng Quốc Bài đã tiên phong và thử nghiệm mô hình đưa loài cá quý hiếm này ở ngoài sông Sêrêpốk về thuần chủng trong môi trường nước tĩnh, nuôi thả trong ao hồ. Sau nhiều năm nuôi thử nghiệm, nghiên cứu, loài "thủy quái" nước ngọt này đã thích ứng được với môi trường nước tĩnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong nông nghiệp.

Nhớ lại những ngày đầu thuần chủng loài thủy quái nước ngọt này, ông Bài cho biết, ban đầu, tôi múc 0,5ha đất ven sông Sêrêpốk rồi tìm mua cá lăng nhỏ về thả, nuôi. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nuôi, môi trường sống và nguồn thức ăn bị thay đổi nên cá chậm lớn, không đạt năng suất, giá cả không được như kỳ vọng. 

Không nản chí, ông Bài tiếp tục tìm hiểu các sách vở các tài liệu nghiên cứu. Sau thất bại lần đầu, ông rút ra nhiều kinh nghiệm cải tạo lại hồ cá, thức ăn cho cá cũng được thay đổi bằng các loại tự nhiên như ngoài sông, suối.

Hơn 1 năm sau, nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, cá lăng trong ao lớn nhanh như thổi, trọng lượng đạt từ 3 - 7 kg/con. Đặc biệt, dù là cá nuôi trong ao hồ nhưng do dùng các loại thức ăn trong tự nhiên như tôm, tép, cá nhỏ... nên thịt cá lăng nuôi không khác gì cá lăng trên sông Sêrêpốk.

anh-2-bai-ca-o-song-serapok-1682822314.jpg
Cá lăng đuôi đỏ thuần chủng nuôi trong ao đất đang được bán với giá trên 300.000đ/kg tùy vào trọng lượng to nhỏ.

Mô hình nông nghiệp hiệu quả, mang lại kinh tế cao

Từ mô hình nuôi thử nghiệm nhưng mang lại hiệu quả kinh tế hơn các loại cá truyền thống, ông Bài bắt đầu mở rộng ao để nuôi thả. Hiện nay, với 4 ao cá diện tích hơn 1ha, ngoài việc đủ cung cấp cá lăng cho các chợ đầu mối, nhà hàng trong tỉnh, thì cá còn được xuất ra các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…

Ông Bài cho biết thêm: “Cá lăng đuôi đỏ thuần chủng nuôi trong ao đất đang được bán với giá trên 300.000đ/kg tùy vào trọng lượng của cá, cá càng to giá càng cao. Cá lăng tự nhiên trên sông Sêrêpốk có giá khoảng 450.000đ – 700.000đ/kg. Từ mô hình nuôi cá lăng đuôi đỏ, mỗi năm trừ hết chi phí gia đình tôi có được lợi nhuận gần 300 triệu đồng, có kinh tế ổn định trong vùng”.

Từ mô hình cá lăng đuôi đỏ thành công của ông Bài, nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản ở xã Hòa Phú bắt đầu theo chân ông, mạnh dạn đầu tư, đưa giống cá lăng đuôi đỏ làm vật nuôi chính trong ao, hồ và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Thanh Trung, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đánh giá, ông Hoàng Quốc Bài là một trong những hộ dân tiên phong của xã thành công trong mô hình thuần chủng cá lăng đuôi đỏ trong môi trường nước tĩnh. Mô hình nuôi cá lăng đuôi đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương. Hiện nay, UBND xã đã thành lập HTX cá lăng đuôi đỏ, với diện tích hơn 10 ha, tạo điều kiện thuận lợi để người dân trao đổi kinh nghiệm, quảng bá thương hiệu cá lăng đuôi đỏ và có đầu ra ổn định.

Còn theo ông Nguyễn Văn Thảo, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Đắk Lắk cho biết, cá lăng đuôi đỏ là một trong những trong những loại cá đặc trưng ở sông Sêrêpốk và có nguy cơ khan hiếm, đe dọa mất nguồn gen do tác động của con người.  Mô hình thuần hóa cá lăng đuôi đỏ ở xã Hòa Phú vừa bảo tồn được nguồn gen thủy sản còn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để khuyến khích người dân phát triển, nhân rộng mô hình nuôi cá lăng đuôi đỏ, đơn vị cũng phối hợp với Trung tâm khuyến nông TP.Buôn Ma Thuột tổ chức các đợt tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật để bà con xã Hòa Phú phát triển tốt mô hình này.

"Ngoài ra, để chủ động phát triển ngành nghề nuôi cá lăng đuôi đỏ, UBND TP.Buôn Ma Thuột cũng đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu cá lăng đuôi đỏ Hòa Phú - Buôn Ma Thuột, góp phần quảng bá thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm để bà con yên tâm nuôi thả...", ông Thảo cho biết thêm./.

Văn Ngọc Thi

Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/dak-lak-nong-dan-thuan-hoa-thanh-cong-loai-ca-vi-nhu-thuy-quai-o-song-serepok-a15567.html