Để hưởng lương hưu tối đa người lao động cần tham gia Bảo hiểm Xã hội bao nhiêu năm?

Hiện nay, nhiều người lao động muốn biết để được hưởng lương hưu tối đa thì thời gian tham gia Bảo hiểm Xã hội là bao nhiêu năm?

Theo khoản 2 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về mức lương hưu hằng tháng như sau: Từ ngày 01/01/2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 Luật Bảo hiểm Xã hội 2014 được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng Bảo hiểm Xã hội quy định tại Điều 62 Luật Bảo hiểm Xã hội 2014 và tương ứng với số năm đóng Bảo hiểm Xã hội như sau:

- Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;

- Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Sau đó, cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

huu-a-1679633430.jpg
Ảnh minh họa

Như vậy, theo Luật Bảo hiểm xã hội, lao động nam nghỉ hưu từ ngày 01/01/2022 trở đi, có mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng Bảo hiểm Xã hội trong 20 năm đóng bảo hiểm xã hội. Sau đó, cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam, mức tối đa bằng 75%.

Đối với lao động nam nghỉ hưu vào năm 2021 thì mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng Bảo hiểm Xã hội trong thời gian 19 năm đóng Bảo hiểm Xã hội. Sau đó, cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam, mức tối đa bằng 75%. 

Như vậy, lao động nam cần 35 năm đóng Bảo hiểm Xã hội để hưởng lương hưu tối đa.

Đối với lao động nữ, quy định về lương hưu cũng đã thay đổi trước đó. Cụ thể, lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 01/01/2021 trở đi, thì mức lương hưu được tính tương ứng với số năm đóng Bảo hiểm Xã hội. Lương hưu hằng tháng của lao động nữ được tính bằng 45% mức bình quân lương tháng đóng Bảo hiểm Xã hội tương ứng với 15 năm đóng Bảo hiểm Xã hội. Sau đó, cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa bằng 75%.

Do đó, lao động nữ cần 30 năm đóng Bảo hiểm Xã hội để hưởng lương hưu tối đa.

Được biết, tiền lương tháng đóng Bảo hiểm Xã hội bắt buộc là mức lương, phụ cấp theo quy định, không bao gồm các chế độ phúc lợi (tiền thưởng sáng kiến, ăn giữa ca, hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại…).

Năm 2022, ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tiếp tục tăng cường triển khai các dịch vụ công, rút ngắn thủ tục, thời gian giải quyết hồ sơ, đẩy mạnh chi trả các chế độ qua tài khoản ngân hàng,… đảm bảo quyền lợi cho người tham gia Bảo hiểm Xã hội (BHXH), Bảo hiểm Y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nhanh chóng - đúng - đủ - kịp thời. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động lớn đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, toàn Ngành đã luôn đồng hành, kịp thời nắm bắt khó khăn của người lao động và doanh nghiệp để tích cực, chủ động phối hợp với cấp có thẩm quyền tham mưu, đề xuất thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, đem lại quyền lợi tốt nhất cho người tham gia, thụ hưởng chính sách 

Ước trong năm 2022, toàn Ngành đã: giải quyết hơn 95 nghìn hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; đảm bảo chi trả kịp thời, an toàn cho hơn 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng; chi trả hơn 10,9 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; gần 1 triệu người hưởng các chế độ BHTN (bao gồm trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề)…; 151,4 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT nội trú và ngoại trú. Ước đến hết ngày 31/12/2022, toàn Ngành đã triển khai hỗ trợ và giảm mức đóng từ các quỹ BHXH, BHTN tới người lao động và người sử dụng lao động nâng tổng số tiền hỗ trợ đạt trên 47.200 tỷ đồng, chiếm 54,3% trên tổng các gói hỗ trợ Covid-19 của Chính phủ./.

Ánh Dương (t/h)

Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/de-huong-luong-huu-toi-da-nguoi-lao-dong-can-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi-bao-nhieu-nam-a14620.html