19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước nắm giữ 1,173 triệu tỷ tiền vốn, sinh lời hơn 83.000 tỷ đồng trong năm 2022

Tính đến cuối năm 2022, 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nắm giữ khoảng 1,173 triệu tỷ đồng tổng vốn chủ sở hữu và 2,44 triệu tỷ đồng tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước. Năm 2022, lợi nhuận trước thuế của 19 tập đoàn, tổng công ty này đạt hơn 83.000 tỷ đồng, tăng gần 16.000 tỷ đồng so với năm 2021.

19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước nắm giữ 1,173 triệu tỷ đồng tổng vốn chủ sở hữu

Sáng ngày 18/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thuộc Ủy ban. Sau gần 5 năm thành lập Ủy ban, mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận, đồng ý chủ trương tiếp tục thực hiện mô hình Ủy ban là cơ quan trực thuộc Chính phủ, làm đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hội nghị được tổ chức nhằm thực hiện kết luận của Bộ Chính trị để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty. Thủ tướng Chính phủ đánh giá, bên cạnh những kết quả rất quan trọng, cơ bản, đóng góp của các tập đoàn, tổng công ty chưa thực sự tương xứng với nguồn lực nắm giữ và dư địa phát triển còn rất lớn.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá kỹ lưỡng thành tựu, kết quả đã đạt được, cũng như chỉ ra những việc chưa làm được, tồn tại, hạn chế, xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp - ông Hồ Sỹ Hùng nhấn mạnh, sau 5 năm thành lập Uỷ ban, các doanh nghiệp tăng trưởng tốt, có hiệu quả về mặt kinh tế-xã hội. Theo ông Hùng, điều này cho thấy việc tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước là phù hợp.

Uỷ ban đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật để triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư. Nổi bật trong số đó là 10 dự án lớn, quan trọng, cấp thiết đã chậm tiến độ từ nhiều năm, với tổng mức đầu tư khoảng 259.000 tỷ đồng, ông Hùng cho hay.

Thông tin cụ thể về tình hình hoạt động và đầu tư phát triển của doanh nghiệp trực thuộc, ông Hồ Sỹ Hùng cho biết, cơ bản các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đạt được hằng năm đều tăng trưởng. 

"Riêng trong năm 2022, tổng doanh thu đạt 1,598 triệu tỷ đồng (năm 2021 đạt 1,319 triệu tỷ đồng). Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 83.167 tỷ đồng (năm 2021 đạt 67.478 tỷ đồng). Tổng nộp ngân sách nhà nước đạt 191.781 tỷ đồng (năm 2021 đạt 177.211 tỷ đồng)", Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp - ông Hồ Sỹ Hùng thông tin.

Tính đến năm 2022, 19 tập đoàn, tổng công ty đã đảm bảo khoảng 87% điện năng, 50% xăng dầu bán lẻ, 100% khí khô, 70% khí hóa lỏng, 70% phân bón, 45% thuê bao di động, 41% băng rộng cố định mặt đất, 49% vận tải hành khách hàng không nội địa… Dù chịu ảnh hưởng ở mức độ khác nhau bởi dịch Covid-19 và những biến động phức tạp trong khu vực và quốc tế, có doanh nghiệp bị lỗ, giảm vốn chủ sở hữu, nhưng về cơ bản, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đạt được hàng năm đều tăng trưởng.

Cũng trong năm 2022, hợp nhất các tập đoàn, tổng công ty đã thực hiện đầu tư đạt gần 156 nghìn tỷ đồng, trong đó, lĩnh vực năng lượng (điện, than) đạt gần 126 nghìn tỷ đồng (chiếm 80,47%), xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông (cảng hàng không, cảng biển, đường cao tốc, logistics) đạt gần 16 nghìn tỷ đồng (chiếm 10,61%)...

Đến cuối năm 2022, 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nắm giữ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu và 65% tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước. Người đứng đầu Chính phủ đánh giá, bên cạnh những kết quả rất quan trọng, cơ bản, đóng góp của các tập đoàn, tổng công ty chưa thực sự tương xứng với nguồn lực nắm giữ và dư địa phát triển còn rất lớn.

Ông Hùng nhấn mạnh các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã thể hiện rõ vị trí, vai trò nòng cốt trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng. Bảo đảm các cân đối lớn cho nền kinh tế và nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, là công cụ để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện chính sách an sinh xã hội.

4798-1665733078-1679152544.jpg

Ảnh minh họa.

Chưa chú trọng đầu tư các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế

Tuy nhiên, đại diện Uỷ ban cũng chỉ ra một số điểm cần tập trung khắc phục trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty. Như chưa phát huy hết nguồn lực vốn, tài sản được Nhà nước giao trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư; phân bổ nguồn vốn đầu tư chưa tập trung vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt. Năng lực quản trị và triển khai dự án còn yếu. 

Ngoài ra, một số dự án đầu tư ra nước ngoài có vốn đầu tư lớn nhưng không thành công, rủi ro cao như dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản hoặc các dự án đầu tư tại các quốc gia bất ổn về chính trị… dẫn đến thua lỗ trong nhiều năm, tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý.

Phó Chủ tịch Uỷ ban cũng thẳng thắn nêu tồn tại, hạn chế, như: Một số công việc tuy không còn tồn đọng kéo dài như trước đây nhưng cũng chưa bảo đảm thời hạn giải quyết theo quy định. Chưa tập trung nhiều cho việc định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển để thúc đẩy, định hướng doanh nghiệp phát huy nguồn lực hiện có. Chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả với các bộ quản lý ngành liên quan trực tiếp và ảnh hưởng dẫn đến hoạt động của doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đã có vai trò quan trọng trong xây dựng, phát triển hạ tầng với nhiều dự án đầu tư trọng điểm, có tính kết nối lan tỏa, động lực cao… Tuy vậy, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty dù nắm giữ nguồn lực vốn, tải sản lớn nhưng chưa huy động, khai thác hiệu quả để đẩy mạnh thực hiện đầu tư các dự án quan trọng. Vì vậy, vai trò, vị trí của các doanh nghiệp có quy mô lớn không đạt như kỳ vọng.

Đáng chú ý, thời gian qua có rất ít dự án, công trình mới được khởi công, hầu như các tập đoàn, tổng công ty chỉ tiếp tục thực hiện dự án dở dang, hoặc xử lý dự án còn tồn đọng từ trước.

Các doanh nghiệp cũng chưa chú trọng đầu tư các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hoạt động đầu tư cũng mang tính đơn lẻ, chưa có sự liên kết để thực hiện dự án lớn. Có nghịch lý là trong khi có những doanh nghiệp gặp khó khăn trong thu xếp nguồn vốn, như dự án điện, dầu khí, thì vẫn còn doanh nghiệp có vốn nhàn rỗi.

Hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội là tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước với đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp, năm 2018, Chính phủ đã thành lập Ủy ban và giao thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty (trước đây thuộc 5 bộ).

Sau gần 5 năm thành lập Ủy ban, mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận, đồng ý chủ trương tiếp tục thực hiện mô hình Ủy ban là cơ quan trực thuộc Chính phủ, làm đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiếp tục hoàn thiện mô hình, đổi mới hoạt động của Ủy ban để đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Trong đó, tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là hoạch định chiến lược phát triển cho hệ thống doanh nghiệp nhà nước để giữ vai trò nòng cốt trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thi Nguyên (t/h)

Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/19-tap-doan-tong-cong-ty-nha-nuoc-lai-hon-83000-ty-dong-trong-nam-2022-a14469.html