Sở GD&ĐT Hậu Giang: Những vấn đề bất cập xoay quanh công tác sử dụng ngân sách từ góc nhìn thực tiễn

Hiện nay có tình trạng, một số dự án đầu tư công sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, hồ sơ mời thầu (HSMT) đưa ra các tiêu chí lạ lùng, thậm chí không tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu, không phù hợp với quy mô, tính chất của gói thầu, làm hạn chế cạnh tranh, tạo điều kiện cho nhà thầu “ruột”. Không những vậy, mặc dù được tiến hành mời thầu rộng rãi, công khai qua mạng nhưng không đăng tải đầy đủ thông tin về sản phẩm mua sắm; nhiều thiết bị trong gói thầu tiền tỷ có dấu hiệu đội giá...Trong quá trình triển khai Chuyên đề nghiên cứu "Nhận diện môi trường đầu tư công trong lĩnh vực giáo dục: Khảo sát thực tiễn từ hoạt động đấu thầu có yếu tố doanh nghiệp tham gia”, chúng tôi đã nhận được những phản ánh đa chiều, tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ.

Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, cùng với đó phát triển giáo dục phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ khoa học, công nghệ, củng cố quốc phòng, an ninh; thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa; bảo đảm cân đối cơ cấu ngành nghề, trình độ, nguồn nhân lực và phù hợp vùng miền; mở rộng quy mô trên cơ sở bảo đảm chất lượng và hiệu quả; kết hợp giữa đào tạo và sử dụng. Phát triển hệ thống giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập nhằm tạo cơ hội để mọi người được tiếp cận giáo dục, được học tập ở mọi trình độ, mọi hình thức, học tập suốt đời.
Nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục bao gồm: Ngân sách nhà nước; Nguồn vốn đầu tư hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; Nguồn thu từ dịch vụ giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ; dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục; nguồn thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; lãi tiền gửi ngân hàng và nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật; Kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ của Nhà nước; Nguồn vốn vay; Nguồn tài trợ, viện trợ, tặng cho của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Hệ thống văn bản Luật trong đấu thầu có nhiều, nhưng cốt lõi vẫn nằm ở Luật đấu thầu của Quốc hội, Nghị định số 63/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 09/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chỉ thị số 47/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu…
Đấu thầu thực chất là quá trình lựa chọn nhà cung cấp tốt nhất, hướng đến nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả. Để đảm bảo cho hoạt động này được diễn ra thuận lợi, pháp luật về đấu thầu đã có những quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong đấu thầu trong đó có hành vi thông thầu và gian lận thầu. Đồng thời, xác lập các quy định về xử lý vi phạm trong đấu thầu nhằm răn đe các hành vi tiêu cực có thể xảy ra, tạo hành lang pháp lý để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. 
Từ thực tế trên, nhóm phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp & Kinh tế xanh đã triển khai Chuyên đề nghiên cứu “Nhận diện môi trường đầu tư công trong lĩnh vực giáo dục: Khảo sát thực tiễn từ hoạt động đấu thầu có yếu tố doanh nghiệp tham gia”, tại một số địa phương. Qua đó, đã nhận được những phản ánh đa chiều, tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ tại Sở Giáo dục và đào tạo (gọi tắt là Sở GD&ĐT) tỉnh hậu Giang.

Những gói thầu "siêu tiết kiệm" đáng suy ngẫm tại Sở GD&ĐT Hậu Giang

Kết quả phân tích dữ liệu của phần mềm đấu thầu quốc gia cho thấy, sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang có quan hệ với 55 nhà thầu; đã công bố kế hoạch lựa chọn nhà thầu của 51 dự án với tổng số 242 gói thầu; đã thực hiện mời thầu 40 gói (với 43 thông báo mời thầu); đã công bố kết quả của 30 gói, hủy thầu 0 gói (trong số các gói thầu ở trên). Có 88 gói có kết quả mà không có TBMT, TBMST. Trung bình số nhà thầu tham gia mỗi gói thầu là: 1,71 nhà thầu.

132a4a12-a04e-4ba2-9916-3364794749a6-1679104672.jpg

Kết quả phân tích dữ liệu tại phần mềm đấu thầu của Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang.

Tổng giá trị theo gói thầu có KQLCNT hợp lệ là: 291.905.420.288 đồng, trong đó tổng giá trị trúng thầu là: 282.747.303.407 đồng (Bằng chữ: Hai trăm tám mươi hai tỷ, bảy trăm bốn mươi bảy triệu, ba trăm linh ba nghìn, bốn trăm linh bảy đồng). Tỉ lệ tiết kiệm là: 3,14%.

Theo khảo sát phóng viên Doanh nghiệp & Kinh tế xanh lựa chọn nghiên cứu ngẫu nhiên 8 gói thầu trong giai đoạn năm 2021 thì thấy rằng, tỉ lệ tiết kiệm sau đấu thầu ở mức rất thấp. 7/8 gói thầu này là do bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc sở phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. 5/8 gói thầu được thực hiện khi chỉ có 1 nhà thầu tham gia dự thầu và trúng thầu. Tổng giá dự toán của 8 gói thầu này là 173.234.055.000 đồng, trong đó tổng giá trị trúng thầu là 171.637.121.000 đồng (Bằng chữ: Một trăm bảy mươi mốt tỷ, sáu trăm ba mươi bảy triệu, một trăm hai mươi mốt nghìn đồng). Điều này đồng nghĩa, sau quá trình đấu thầu hàng trăm tỷ đồng, tiền tiết kiệm cho ngân sách chỉ 1.596.934.000 đồng, đạt tỉ lệ là 0,9%.

e890bf17-19f4-4b27-9e98-6a94a0642e8c-1679127425.jpg

Bảng thống kê do phóng viên khảo sát và thực hiện.

Ở gói thầu Trang thiết bị phòng học vi tính thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 của năm 2021 có 4 nhà thầu tham gia dự thầu, trong đó, đơn vị trượt thầu là công ty TNHH Nhật Linh Đà Nẵng đã tham gia 1.960 gói thầu, nhưng chỉ trúng 121 gói, trượt 1.506 gói, 239 chưa có kết quả, 94 gói đã bị huỷ. Gói thầu này có giá trị 12.873.240.000 đồng (hơn 12,8 tỷ đồng) được phê duyệt theo Quyết định Số 480/QĐ-SGDĐT ngày 22/07/2021 do bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang ký, công ty Cổ phần thương mại dịch vụ Việt Star trúng thầu, chỉ tiết kiệm được khoảng 1%.

thiet-ke-chua-co-ten-1679110272.jpg

Quyết định Số 480/QĐ-SGDĐT, ngày 22/07/2021 về việc phế duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu: Trang thiết bị phòng học vi tính thực hiện Chương trình GDPT 2018 của năm 2021.

Ngày 08/09/2021, bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang ký Quyết định Số 562//QĐ-SGDĐT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu: "Gói thầu hỗn hợp thi công xây dựng và mua sắm thiết bị thuộc Dự án: Đầu tư hệ thống lọc nước uống cho các trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2" cho Liên danh Remy - Vietcom (0106558274 - công ty Cổ phần công nghệ REMY VIỆT NAM, 0101401840 - công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Vietcom) trúng thầu với giá 52.521.000.000 đồng (Bằng chữ: Năm mươi hai tỷ, năm trăm hai mươi mốt triệu đồng); giá dự toán gói thầu là 52.832.736.000 đồng,  tiết kiệm ngân sách được 311.736.000 đồng tương đương tỉ lệ tiết kiệm chỉ 0,59% và chỉ một nhà thầu tham gia dự thầu rồi trúng thầu(?)

thiet-ke-chua-co-ten-1679106003.jpg

Quyết định Số 562//QĐ-SGDĐT, ngày 8/9/2021 về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu: Gói thầu hỗn hợp thi công xây dựng và mua sắm thiết bị thuộc Dự án: Đầu tư hệ thống lọc nước uống cho các trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2.

Ngày 27/12/2021, bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang tiếp tục ký Quyết định Số 865/QĐ-SGDĐT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu: Mua sắm Trang thiết bị tối thiểu lớp 6 thuộc dự án Trang thiết bị tối thiểu lớp 6 cho Công ty TNHH TMDV Sao Việt trúng thầu với giá trúng thầu sau thuế là 31.737.298.000 đồng (Bằng chữ: Ba mươi mốt tỷ bảy trăm ba mươi bảy triệu hai trăm chín mươi tám nghìn đồng), giá dự toán gói thầu là 32.084.142.000 đồng, tiết kiệm ngân sách được 346.844.000 đồng.

thiet-ke-chua-co-ten-1679109032.jpg

Quyết định Số 865/QĐ-SGDĐT, ngày 27/12/2021 về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu: Mua sắm Trang thiết bị tối thiểu lớp 6 thuộc dự án Trang thiết bị tối thiểu lớp 6.

Cùng ngày, bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang ký Quyết định Số 866//QĐ-SGDĐT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu:" Mua sắm Trang thiết bị phòng học vi tính cấp trung thọc cơ sở thuộc dự án Trang thiết bị phòng học vi tính cấp trung học cơ sở". Đơn vị trúng thầu: Công ty cổ phần Công nghệ DTG với giá trúng thầu 29.338.497.000 đồng (Bằng chữ: Hai mươi chín tỷ ba trăm ba mươi tám triệu bốn trăm chín mươi bảy ngàn đồng); giá dự toán 29.668.280.000 đồng; tiết kiệm ngân sách được 329.783.000 đồng.

thiet-ke-chua-co-ten-1-1679108074.jpg

Quyết định Số 866//QĐ-SGDĐT, ngày 27/12/2021 về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu: Mua sắm Trang thiết bị phòng học vi tính cấp trung thọc cơ sở thuộc dự án Trang thiết bị phòng học vi tính cấp trung học cơ sở.

Bên cạnh đó, có những nhà thầu không trượt gói nào khi tham gia dự thầu ở sở GD&ĐT Hậu Giang. Đơn cử như nhà thầu chi nhánh công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và Xây dựng Cosevco Phương Nam tại Cần Thơ (Địa chỉ trụ sở: 128 đường 3/2, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, Cần Thơ) tham gia 22 gói thầu (chủ yếu là các gói tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu), trong đó đã trúng thầu 22 gói; hay nhà thầu công ty Cổ phần Tư vấn kiểm định xây dựng và Môi trường 579 (số 94a Quốc Lộ 61, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) có tham gia 15 gói thầu đã trúng thầu 15 gói (hầu hết là gói tư vấn thẩm định hồ sơ mời thầu và thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu); nhà thầu công ty TNHH Xây dựng thương mại dịch vụ Chi Lan (Ấp 7a1, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, Hậu Giang) tham gia 7 gói thầu Giám sát cung cấp và lắp đặt thiết bị, trúng cả 7 gói; nhà thầu công ty Trách nhiệm hữu hạn Thẩm định giá Tây Nam (số 80/7a đường Phó Cơ Điều, phường 3, thành phố Vĩnh Long, Vĩnh Long) tham gia 7 gói thầu Thẩm định giá thiết bị, trúng thầu 7 gói; nhà thầu công ty TNHH Tư vấn và xây dựng Toàn Thắng (số 150, Ấp 2, xã Vị Thuỷ, huyện Vị Thủy, Hậu Giang) tham gia 6 gói thầu Chi phí tư vấn thẩm định hồ sơ yêu cầu và thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, trúng 6 gói; nhà thầu công ty TNHH Đầu tư phát triển BITECH (số 39 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường 1, quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh) trúng 5/6 gói thầu về phần mềm quản lý…

hg2-1679110548.jpg

Theo thống kê, chi nhánh công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và Xây dựng Cosevco Phương Nam tại Cần Thơ trúng thầu 100% tại sở GD&ĐT Hậu Giang với các gói thầu về lập hồ sơ, chi phí tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu. 

Đấu thầu tiết kiệm thấp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thâm hụt ngân sách nhà nước

Liên quan đến vấn đề tỉ lệ tiết kiệm thấp trong các gói thầu, Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận xét: Đấu thầu thực chất là quá trình lựa chọn nhà cung cấp tốt nhất, hướng đến nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả. Để đảm bảo cho hoạt động này được diễn ra thuận lợi, pháp luật về đấu thầu đã có những quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong đấu thầu trong đó có hành vi thông thầu và gian lận thầu. Đồng thời, xác lập các quy định về xử lý vi phạm trong đấu thầu nhằm răn đe các hành vi tiêu cực có thể xảy ra, tạo hành lang pháp lý để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Có thể thấy, đấu thầu là quá trình lựa chọn các ứng viên nhà thầu có thể đáp ứng được hết những yêu cầu đưa ra của bên mời thầu. Bên mời thầu là chủ của một dự án, chủ đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của dự án. Chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện công việc đấu thầu. Nhà thầu là nhà xây dựng trong đấu thầu xây lắp, là nhà cung cấp trong đấu thầu mua sắm hàng hóa, nhà tư vấn trong đấu thầu tuyển chọn tư vấn.

Hành vi đấu thầu là một hình thức cạnh tranh văn minh trong nền kinh tế thị trường phát triển nhằm lựa chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu kinh tế kỹ thuật của chủ đầu tư. Đấu thầu phải đảm bảo bốn nội dung: hiệu quả - cạnh tranh - công bằng - minh bạch. Hiện tượng nhiều gói thầu tỉ lệ tiết kiệm thấp rất có khả năng có các dấu hiệu vi phạm pháp luật, đặc biệt là trong quá trình mời thầu và lựa chọn nhà thầu. Nếu tỉ lệ tiết kiệm sau đấu thầu thấp, hiệu quả kinh tế không cao do phát sinh từ việc vi phạm trong hoạt động đấu thầu thì đây là hành động cần lên án và phải bị xử lý.

Bởi lẽ, với việc dùng các thủ thuật để hạn chế nhà thầu tham gia, bỏ giá thấp, có các hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì những nhà thầu có kinh nghiệm, kỹ năng bị loại bỏ, giảm động lực cạnh tranh, đổi mới, phát triển của doanh nghiệp, xã hội. Ngoài ra, tạo ra cơ chế quan liêu, nhũng nhiễu từ một số bộ phận và gây thiệt hại cho cơ quan, chủ đầu tư.

Tỉ lệ tiết kiệm rất thấp thì rõ ràng là chưa đạt được mục tiêu là hiệu quả kinh tế trong công tác đấu thầu theo quy định của luật Đấu thầu. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần thanh tra, kiểm tra quá trình lập hồ sơ mời thầu, xây dựng giá dự toán và thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu của các gói thầu này, để làm rõ nguyên nhân nào mà các gói thầu có dấu hiệu kém hiệu quả kinh tế”.

Hiện tượng nhiều gói thầu tỉ lệ tiết kiệm thấp, hay một số nhà thầu “quen mặt” với bên mời thầu rất có khả năng tồn tại các dấu hiệu thiếu khách quan, đặc biệt là trong quá trình mời thầu và lựa chọn nhà thầu. Việc đấu thầu tỉ lệ tiết kiệm thấp sẽ gây thất thoát rất lớn cho ngân sách Nhà nước./.

Hà Anh Duy

Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/so-gddt-hau-giang-nhung-van-de-bat-cap-xoay-quanh-cong-tac-su-dung-ngan-sach-tu-goc-nhin-thuc-tien-a14454.html