Để thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc doanh nghiệp cần chuyển đổi mạnh mẽ hơn

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Trung Quốc mở cửa biên giới là tin vui với nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam trong năm nay. Tuy nhiên, để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cần chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa trong cách nghĩ, cách quản lý, quy hoạch sản xuất kinh doanh theo hướng "chủ động nắm bắt cơ hội, tích cực tham gia hội nhập".

Tại Diễn đàn "Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây)” mới đây, bà Trần Thị Bích Ngọc, Trưởng ban Quản lý cửa khẩu Quốc tế Móng Cái cho biết, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với một số mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với nhóm hàng rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su; thị trường xuất khẩu lớn thứ ba đối với nhóm hàng thủy sản, chỉ sau Mỹ, Nhật Bản.

Một số nhóm mặt hàng như thủy sản, trái cây, cà phê của Việt Nam đều nằm trong số 10 quốc gia xuất khẩu lớn nhất vào Trung Quốc; nhiều mặt hàng như cá tra, cá basa, cá mực, quả thanh long, quả vải, hạt điều chiếm thị phần gần như tuyệt đối về khối lượng cũng như kim ngạch nhập khẩu.

Bà Ngọc cũng cho biết thêm, đối với thành phố Móng Cái hiện nay, hoạt động thông quan hàng nông sản, thủy sản và các sản phẩm nông thủy sản được triển khai tại tất cả các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn và có triển vọng ngày càng gia tăng cả về chủng loại, sản phẩm hàng hóa cùng như số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

Thời gian qua, lượng hàng nông sản, thủy sản và các sản phẩm nông thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc qua lối thông quan này đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 60%/năm. Riêng năm 2021, lượng hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu đạt xấp xỉ 1 triệu tấn, tăng 157% so cùng kỳ năm 2020; 02 tháng đầu năm 2023 đạt 116.275 tấn tăng 122% so cùng kỳ 2022.

img-6753-1678807127.jpg
Để thúc đẩy xuất khẩu qua Trung Quốc doanh nghiệp cần chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa. Ảnh minh họa

Do đó, theo bà Ngọc, để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cần chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa trong cách nghĩ, cách quản lý, quy hoạch sản xuất kinh doanh theo hướng "chủ động nắm bắt cơ hội, tích cực tham gia hội nhập"; Bên cạnh đó, tập trung khai thác, tận dụng tối đa công nghệ số, công nghệ thông tin, tận dụng tối đa tính ưu việt của các sàn giao dịch thương mại điện tử để tăng cường quảng bá sản phẩm; Không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa từ khâu nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, đóng gói, vận chuyển xuất khẩu; Doanh nghiệp cũng cần đẩy nhanh thay đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn, có các tiêu chuẩn cụ thể, quản lý quy trình canh tác, đáp ứng yêu cầu quy định của nước bạn.

"Mặt khác, cần chủ động, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp xuất khẩu trên nguyên tắc cùng nắm bắt, cùng khai thác thị trường theo câu châm ngôn “Muốn đi nhanh thì đi 1 mình; Muốn đi xa hãy đi cùng nhau”, bà Ngọc nhấn mạnh.

Trao đổi thêm về việc hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu vào Trung Quốc, đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thông tin, đăng ký xuất khẩu sản phẩm thủy sản được thực hiện hoàn toàn trên Hệ thống thương mại một cửa (CIFER) của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC).

Cơ sở đăng ký xuất khẩu sản phẩm thủy sản sống như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, tôm hùm sống cần được NAFIQAD thẩm định, chứng nhận điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam và Trung Quốc. Các cơ sở nuôi, cơ sở bao gói cần phải được cơ quan quản lý nông lâm thủy sản địa phương kiểm tra, chứng nhận điều kiện an toàn thực phẩm/điều kiện vệ sinh thú y và được cấp mã số.

Vị này cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc và lưu ý trong đăng ký xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Theo đó, việc xử lý, phê duyệt hồ sơ đăng ký trên CIFER và phê duyệt hồ sơ đăng ký bổ sung cơ sở bao gói thủy sản sống của phía Trung Quốc thường chậm. Phía Trung Quốc cũng chậm phản hồi đối với hồ sơ đăng ký bổ sung sản phẩm của phía Việt Nam.

Trong đó, một số doanh nghiệp chưa kịp thời bố trí nguồn lực để triển khai việc đăng ký trên CIFER, đặc biệt là đăng ký gia hạn. Trong thời hạn từ 3-6 tháng trước khi hết thời hạn đăng ký, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ gia hạn đăng ký trên CIFER.

Đại diện Cục lưu ý, các doanh nghiệp khẩn trương thực hiện đăng ký gia hạn theo quy định của GACC để không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, hạn chế các ách tắc thương mại.

Đồng thời, để tháo gỡ các khó khăn, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường khuyến nghị phía Trung Quốc đẩy nhanh việc phê duyệt các hồ sơ đăng ký trên CIFER; phê duyệt hồ sơ đăng ký cơ sở bao gói thủy sản sống và hồ sơ đăng ký bổ sung sản phẩm.

Còn đối với các doanh nghiệp, Cục đề nghị ưu tiên nguồn lực để triển khai việc đăng ký trên CIFER, đặc biệt là đăng ký gia hạn. Đối với cơ quan quản lý cần tích cực liên hệ với GACC để bố trí họp trực tuyến nhằm trao đổi, giải đáp kịp thời các vướng mắc trong quá trình đăng ký trên CIFER; tích cực liên hệ, đôn đốc phía Trung Quốc xử lý kiến nghị của phía Việt Nam.

Đông Nghi

Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/de-thuc-day-xuat-khau-qua-trung-quoc-doanh-nghiep-can-chuyen-doi-manh-me-hon-nua-a14360.html