Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số nhiệm vụ lâu dài cho phát triển bền vững ở Hà Giang

Cán bộ người dân tộc thiểu số chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong đội ngũ cán bộ của Đảng. Vì thế việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số trong một quốc gia có nhiều dân tộc không chỉ có ý nghĩa mang lại quyền bình đẳng về mọi mặt giữa các dân tộc mà còn tạo động lực đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ổn định chính trị và giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc.

t-1677377059.jpg
 

Hà Giang, một tỉnh có 22 dân tộc anh em quần cư trên một giải đất rộng, nhiệm vụ ấy càng cấp thiết. Hiện đại hóa các vùng miền núi không chỉ là việc nâng cao trình độ kỹ thuật - công nghệ trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và phát triển cơ sở hạ tầng mà còn bao gồm cả việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, hệ thống giáo dục, y tế và các dịch vụ đời sống khác ở miền núi.

Hiện đại hóa không có nghĩa là phủ định toàn bộ những gì tạo dựng được trong quá khứ, càng không phải là đưa toàn bộ công nghệ hiện đại vào nông thôn miền núi mà là áp dụng những công nghệ thích hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng vùng. Vì thế cần thiết phải có đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, nhất là cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư của chính người dân tộc thiểu số; và quan trọng hơn, phải đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng và hợp lý về cơ cấu ngành nghề, độ tuổi, địa phương.

Cùng chung một tiếng nói, hát chung một bài dân ca sẽ tạo ra những thuận lợi ban đầu rất quan trọng để có được sự tin cậy, cởi mở của đồng bào, nhờ vậy cán bộ dân tộc dễ có được sự chia sẻ, ủng hộ của đồng bào. Cán bộ người dân tộc thiểu số là những người có khả năng và lợi thế về tập hợp, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời có khả năng tổ chức các hoạt động khoa học, thực hiện các chương trình mục tiêu ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, qua đó giảm bớt gánh nặng về chi phí ngân sách nhà nước cho các chương trình, đề tài nghiên cứu về vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Năng lực tư duy, khả năng điều hành quản lý, tính nhạy bén và kinh nghiệm thực tiễn của cán bộ dân tộc thiểu số trong cơ chế mới còn nhiều hạn chế. Điều này được rút ra từ kết quả điều tra của một số đề tài nghiên cứu khoa học hầu hết các quyết định quản lý các cấp ở địa phương do người dân tộc thiểu số đứng đầu đều phải xin ý kiến cấp trên trước lúc ban hành.

Điều đó chưa phù hợp với xu hướng phân cấp quản lý, mở rộng quyền tự chủ cho cơ sở và phân công trách nhiệm ngày càng nhiều cho cấp dưới hiện nay ở nước ta. Hơn thế nữa, nhiều tình huống xuất hiện ở các vùng dân tộc thiểu số đòi hỏi cán bộ chủ chốt phải chủ động xử lý và ra quyết định kịp thời, không thể chờ đợi xin ý kiến chỉ đạo hay họp bàn giao quyết định, ví dụ vấn đề tranh chấp đất đai, buôn lậu, phá rừng, tranh chấp biên giới, nội bộ cơ quan mất đoàn kết...  

Đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số nói chung sống giản dị, thật thà, trung thực, có lòng tin vào Đảng, lòng tôn kính Bác Hồ và trung thành với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, không riêng gì ở thành phố, đồng bằng mà đây đó trong các tỉnh miền núi đã xuất hiện những quyền lực và lợi ích mới, khác thường, nghĩa là dùng quyền lực chính trị để đạt tới sự giàu sang cho cá nhân. Không ít cán bộ chủ chốt ở vùng cao tham nhũng hoặc làm thất thoát tài sản.

Có nhiều giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, trong đó tập trung giải quyết các vấn đề sau:

- Coi trọng việc củng cố và nâng cấp hệ thống trường dân tộc bán trú ở xã, trường nội trú ở các huyện vùng cao, miền núi, đặc biệt quan tâm đầu tư mở rộng quy mô trường dự bị dân tộc, bởi vì đây là loại cơ sở đào tạo có hiệu quả nhằm tạo nguồn cho các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề.

- Để phát triển nguồn cán bộ dân tộc thiểu số, nếu chỉ dựa vào các trường dân tộc miền núi ở các cấp huyện, tỉnh, bộ - ngành và hệ thống giáo dục như hiện nay thì khó đáp ứng được nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng núi. Do đó, Nhà nước cần đầu tư cho mỗi cụm kinh tế - xã hội ở ba vùng khó khăn nhất một trường dân tộc nội trú, tạo điều kiện thuận lợi cho con em các dân tộc thiểu số được học hành.  

- Nhà nước cần bổ sung hoàn thiện quy chế cử tuyển, dự tuyển, thi tuyển và có một số tiêu chuẩn cụ thể đối với con em các dân tộc còn ít hoặc chưa có người vào học các trường trung học chuyên nghiệp, đại học và cao đẳng. Cần phải cải cách có tính cách mạng về chương trình, nội dung đào tạo, phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ giảng dạy, cũng như công tác quản lý đào tạo, phù hợp với đặc điểm, khả năng, điều kiện của sinh viên người dân tộc thiểu số.

- Ở các trường đại học, cao đẳng, nhất là các trường khu vực dành riêng cho miền núi, đồng thời với cải cách mạnh mẽ chương trình, nội dung đào tạo, phương pháp giảng dạy, cần đổi mới công tác quản lý cho phù hợp với đặc điểm, khả năng, điều kiện của sinh viên dân tộc thiểu số.

Vì thế, chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế người dân tộc thiểu số dù tốt đến đâu nhưng so với yêu cầu của thực tiễn ở các vùng, các đơn vị kinh tế cơ sở ở miền núi thì vẫn còn có khoảng cách. Những tri thức đạt được trong quá trình đào tạo chỉ là vốn liếng ban đầu, cơ bản để cán bộ nói chung và cán bộ quản lý kinh tế nói riêng bước vào hoạt động thực tiễn. Nguồn vốn đó so với yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn quản lý kinh tế ở địa phương thì còn quá ít ỏi, vì thế phải thường xuyên tự học, tự rèn luyện và tham gia vào các lớp bồi dưỡng để tiếp nhận thông tin mới, trang bị thêm các tri thức mới, nhất là đối với những nơi xa trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước.

Chỉ sau một thời gian không xa nữa, đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế ở miền núi phải tự mình quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp. Bởi vậy, việc tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn để trang bị kiến thức về khoa học và công nghệ, về kinh tế thị trường và quản lý Nhà nước và quản lý kinh tế… là một trong những cách thức và con đường để “hiện đại hóa” bộ não cho đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế người các dân tộc thiểu số.

Nội dung và phương pháp bồi dưỡng phải căn cứ vào mục đích, đối tượng và điều kiện cho phép, tuy nhiên một cách chung nhất, đó là những chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội; những kiến thức về kinh doanh trong nền kinh tế thị trường; những kinh nghiệm và điển hình về chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông - lâm - ngư nghiệp và phát triển kinh tế nhiều thành phần.

Đặc biệt, việc trang bị và hướng dẫn áp dụng kỹ thuật và công nghệ mới về nuôi trồng, khai thác, chế biến cây - con cho cán bộ kỹ thuật là rất cần thiết và phải được tổ chức thường xuyên hơn cả. Qua đó, giúp nhân dân các dân tộc thiểu số - mà trước hết là đội ngũ cán bộ - thay đổi tập quán lạc hậu, lối làm ăn tự cấp tự túc và cải thiện nhanh chóng đời sống vật chất và tinh thần, do tạo ra được năng suất cao và chất lượng sản phẩm  tốt.

Thực hiện nhất quán nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, đi đôi với phát huy quyền và trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ. Chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm những sai phạm; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tiêu cực trong công tác cán bộ.

Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Giang đã thực hiện đồng bộ những nhiệm vụ mang tính chiến lược trước mắt cũng như lâu dài trong công tác cán bộ, cụ thể hóa, thực hiện nghiêm các nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ; rà soát hoàn thiện quy định về phân cấp quản lý cán bộ ở các cấp, quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ; bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; xử lý hài hoà, hợp lý mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, trong đó tiêu chuẩn là chính; giữa xây và chống, trong đó xây là nhiệm vụ chiến lược, cơ bản, lâu dài, chống là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.

Những nhiệm vụ trên đây tuy chưa bao quát đầy đủ các hoạt động giáo dục đào tạo nhưng là những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng và có thể thực hiện được trong điều kiện hiện nay để sớm bổ sung vào đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số cho các địa phương ở Hà Giang./.

Nguyễn Minh Tiến UVBTV, Trưởng Ban Tổ chức tỉnh ủy

Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/dao-tao-boi-duong-doi-ngu-can-bo-dan-toc-thieu-so-nhiem-vu-lau-dai-cho-phat-trien-ben-vung-o-ha-giang-a13850.html