Hỗ trợ chuẩn hóa các sản phẩm OCOP theo hướng sản xuất hàng hóa đạt chất lượng cao

Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn huyện Cẩm Khê phát huy lợi thế đã chú trọng phát triển các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng cao mang đặc trưng, thương hiệu riêng từng địa phương. Đặc biệt, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình ngày càng có ý thức xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.

Nhận thấy nhu cầu về thực phẩm sạch trên thị trường cao, HTX sản xuất, chế biến chè Đá Hen (xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) đã tập trung sản xuất chè VietGAP nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm.

HTX sản xuất, chế biến chè Đá Hen đi vào hoạt động từ năm 2017 có gần 20 thành viên, với tổng diện tích trồng chè hơn 10ha và liên kết với các hộ dân của làng nghề chè đá Hen là 100ha. HTX đang từng bước khẳng định và nâng cao vị thế trên thị trường, kết nạp thêm nhiều xã viên tham gia trồng chè, cung cấp các sản phẩm chè sạch, an toàn, chế biến đạt tiêu chuẩn.

Hiện nay, sản phẩm chè Đá Hen tiêu thụ ra thị trường mỗi tháng hơn 1 tấn sản phẩm, mang lại doanh thu 200 - 300 triệu đồng/tháng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 24 đến lao động, với mức thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng… Đến thời điểm hiện tại, chè Đá Hen đã được UBND tỉnh Phú Thọ cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Mặc dù mới được thành lập từ tháng 9/2019 với hơn 10 thành viên, thế nhưng đến nay, sản phẩm rau sắn của HTX Nông nghiệp Sản xuất – Chế biến Nông sản Liên Gia Trang (xã Thụy Liễu, huyện Cẩm Khê) đã đi vào các siêu thị lớn như siêu thị Big C, WinMart ở Hà Nội, Phú Thọ và các tỉnh lân cận.

af5a5c5fc77b174ca2241c2c88b38cbb2-1675399337.jpg
Chè Đá Hen đã đạt sản phẩm OCOP 4 sao.

Hiện nay, HTX Liên Gia Trang đang sản xuất theo mô hình hữu cơ trên diện tích hơn 4ha chủ yếu trồng nguyên liệu rau sắn, để phục vụ cho sản xuất sản phẩm rau sắn. Theo đó, mô hình sản xuất của HTX đang giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 10-15 lao động dư thừa tại địa phương với mức thu nhập bình quân từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, có hai sản phẩm là măng tây và trà măng tây của HTX Nông nghiệp hữu cơ Bắc Bộ (xã Chương Xá, huyện Cẩm Khê) được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao trong năm 2021. Để giúp kéo dài thời gian lưu trữ, thuận tiện cho tiêu thụ, HTX đã có sự đầu tư, mở rộng diện tích, mua sắm máy móc phục vụ chế biến và bảo quản sản phẩm.

Hiện nay, HTX Nông nghiệp hữu cơ Bắc Bộ đang phối hợp với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Tuấn Chang ở tỉnh Bắc Giang để tiêu thụ sản phẩm với tổng diện tích trên 16ha. Các thành viên của HTX đều được hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhờ đó, các sản phẩm của HTX rất thuận lợi trong quá trình đánh giá công nhận sản phẩm OCOP và tiêu thụ sản phẩm.

Theo bà Trần Thị Thu Hưởng - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cẩm Khê: Xác định OCOP là chương trình phát triển kinh tế quan trọng, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gia tăng giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương, năm 2022 huyện đã thực hiện hỗ trợ tiêu chuẩn hóa và phát triển sản phẩm cho các chủ thể về các hạng mục như: Tư vấn xây dựng liên kết, hỗ trợ đầu tư hạ tầng sản xuất, máy móc, thiết bị, giống, vật tư, bao bì... với tổng giá trị trên 1,1 tỉ đồng.

dsc-09561-1675399364.jpg
Rau sắn đưa vào máy vò.

Nhờ vậy, năm 2022, huyện đã xây dựng thành công năm sản phẩm, nhóm sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao và 4 sao. Trong đó, nhóm sản phẩm dao, thìa, đĩa, ống hút bằng tre của Hợp tác xã Tre trúc VNS Phú Thọ (xã Đồng Lương) đạt tiêu chuẩn 4 sao và bốn nhóm sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Như vậy, lũy kế đến hết năm 2022, toàn huyện Cẩm Khê có 15 sản phẩm được đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 12 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Dự kiến năm 2023, huyện sẽ tham gia đánh giá, phân hạng và tiêu chuẩn hóa năm sản phẩm gồm: Bánh chưng chay đậu đỏ của HTX Nông thương Đất Tổ, trà vối Sơn Bình và trà SK Sơn Bình của Công ty TNHH MTV Tập đoàn Sơn Bình, rượu gạo Thanh Lâm của HTX Nông nghiệp Thanh Lâm, tương nếp Tam Sơn - hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hằng (xã Tam Sơn).

mceclip129-1675399390.png
Sản phẩm cá thính bà Quy cũng được công nhận sản phẩm OCOP.

“Đối với sản phẩm mới tham gia Chương trình OCOP, huyện tập trung hỗ trợ tiêu chuẩn hóa, phát triển sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa có chất lượng; tư vấn hướng dẫn các chủ thể tham gia xây dựng hoàn thiện hồ sơ, hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ, chứng nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn sản xuất an toàn... đảm bảo đủ các điều kiện tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm,” bà Trần Thị Thu Hưởng - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cẩm Khê cho hay.

Theo Xuân Hiền/Tạp chí điện tử Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam

Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/ho-tro-chuan-hoa-cac-san-pham-ocop-theo-huong-san-xuat-hang-hoa-dat-chat-luong-cao-a13117.html