Sàn TMĐT và nền tảng truyền thông mạng xã hội tác động lớn đến tiêu dùng Việt Nam

Sự lạc quan của người tiêu dùng phục hồi rõ rệt, đi kèm với sự tích cực tham gia vào các hoạt động kinh tế chính, người tiêu dùng Việt Nam đang phân bổ lại chi tiêu, hướng tới chi tiêu tùy ý nhiều hơn.

Mới đây, Công ty Deloitte Đông Nam Á đã đưa ra báo cáo thăm dò thói quen người tiêu dùng và theo đó chỉ ra những xu hướng chính tác động đến thị trường tiêu dùng Việt Nam.

Cụ thể, 3 xu hướng đó là sự phục hồi trong niềm tin của người tiêu dùng, sự tái cân bằng trong các ưu tiên của người tiêu dùng và sự đổi mới trong bối cảnh của ngành bán lẻ.

nielsen-1675398992.jpg
(Ảnh minh họa: vneconomy.vn)

3 xu hướng tác động đến thị trường tiêu dùng Việt Nam

Sự phục hồi trong niềm tin của người tiêu dùng

Theo Deloitte, thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19 đã dẫn đến việc phục hồi nhanh chóng sự lạc quan của người tiêu dùng – mặc dù phải lưu ý rằng vẫn tồn tại một số khác biệt tâm lý giữa các hộ gia đình có mức thu nhập hàng tháng khác nhau, cũng như ở các thành phố khác nhau.

Tuy nhiên, trên diện rộng, rõ ràng là người tiêu dùng Việt Nam đang phân bổ lại chi tiêu của họ từ các nhu cầu thiết yếu cơ bản hướng tới chi tiêu tùy thích cho các sản phẩm giải trí và phong cách sống.

Sự tái cân bằng các ưu tiên của người tiêu dùng

Nghiên cứu của Deloitte đã chỉ ra rằng, việc cân nhắc về giá cả vẫn đóng vai trò quan trọng nhưng nó đã xếp sau các thuộc tính khác của sản phẩm. Điều này cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đang cân bằng lại ưu tiên của họ và đánh đổi các thuộc tính về giá cả để có những cân nhắc phù hợp hơn, chẳng hạn như chất lượng, hương vị và sự đa dạng của sản phẩm - từ đó gợi lên một số phương án khả thi mà các công ty có thể bán sản phẩm ở phân khúc cao hơn.

Trong tất cả các loại sản phẩm, kích thước bao bì trung bình được ưu tiên nhất, vì được xem là “dễ mang theo” và hợp túi tiền.

Sự đổi mới của bối cảnh ngành bán lẻ

Trong khi các kênh thương mại truyền thống được hưởng lợi từ hành vi tích trữ trong thời gian triển khai các chính sách giãn cách xã hội, thì việc chuyển dịch sang các kênh thương mại hiện đại được kỳ vọng sẽ tăng tốc nhờ khả năng mang lại trải nghiệm vượt trội.

Đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình đổi mới bối cảnh bán lẻ của Việt Nam bằng cách khuyến khích sự phát triển của các kênh thương mại hiện đại và thương mại điện tử (TMĐT), cũng như các dịch vụ giao hàng và thức ăn mua mang đi.

Nhưng có lẽ quan trọng hơn, nó cũng đang thúc đẩy một số xu hướng mới có thể trở thành thói quen lâu dài trong trạng thái bình thường mới, với tiềm năng tăng trưởng đáng kể cho các công ty tiêu dùng, ví dụ như các bữa ăn “tự làm” từ nhà hàng.

Kết quả khảo sát tại 4 thành phố gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ cho thấy, các kênh bán hàng hiện đại đang chiếm ưu thế trong sở thích của người tiêu dùng. Điều này cũng cho thấy một sự thay đổi đáng kể so với chỉ 4 năm trước, khi phần lớn những người trả lời khảo sát ưa thích các kênh bán hàng truyền thống.

Đặc biệt, tại Cần Thơ và Đà Nẵng, nghiên cứu cho thấy sự ưu tiên đối với các kênh bán hàng truyền thống giảm đáng kể từ khoảng 70% vào năm 2018 xuống dưới 50% vào năm 2021.

Mặc dù các kênh TMĐT tiếp tục đi sau so với cả kênh bán hàng hiện đại và kênh bán hàng truyền thống, nhưng rõ ràng lĩnh vực này đã cho thấy sự tăng trưởng bứt phá trong vòng hai năm qua.

Sàn TMĐT nổi lên như một kênh mua hàng trực tuyến phổ biến nhất

COVID-19 và giai đoạn phong tỏa đã thúc đẩy nhiều hành vi tiêu dùng trực tuyến và tăng động lực chuyển dịch sang các kênh TMĐT. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục trong tương lai, khi việc sử dụng công cụ số trở thành thói quen lâu dài.

bieu-do-1675399054.jpg
 

Trong số các kênh mua hàng trực tuyến khác nhau, các sàn TMĐT và nền tảng truyền thông mạng xã hội nổi lên như những kênh phổ biến nhất, với 68% và 54% người trả lời khảo sát chỉ ra rằng họ đã thực hiện ít nhất một giao dịch mua thông qua các kênh này.

Theo một ước tính, thị trường TMĐT của Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp ba lần, từ 13 tỷ USD vào năm 2021 lên 39 tỷ USD vào năm 2025. Sự gia tăng của phương pháp thanh toán số cũng góp phần thúc đẩy nhanh xu hướng này tại Việt Nam.

Theo một cuộc khảo sát với 15.000 nhà bán lẻ, thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 73% tổng số giao dịch vào năm 2021, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Chuyển khoản ngân hàng là phương thức thanh toán số phổ biến nhất, tiếp theo là ví điện tử, mã QR, thẻ ngân hàng và cổng thanh toán.

Bên cạnh đó, các kênh số gia tăng cũng ảnh hưởng đến quyết định mua hàng do sự tương tác hai chiều được đẩy mạnh cho phép các thương hiệu vừa giao tiếp với người tiêu dùng vừa nhận được phản hồi từ họ. Xu hướng này được thể hiện rõ nhất trong các danh mục mỹ phẩm chăm sóc sắc đẹp, vệ sinh cá nhân, thể thao, giải trí, thiết bị gia dụng.

Hơn nữa, với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các công cụ học máy (machine learning), các kênh mạng xã hội và kỹ thuật số cũng cho phép các thương hiệu tùy chỉnh nội dung cho người tiêu dùng của họ dựa trên hành vi duyệt web và mua hàng trước đây. Chính vì vậy, doanh nghiệp không chỉ nâng cao tỷ lệ chuyển đổi trong việc bán hàng mà còn nâng cao trải nghiệm tổng thể của khách hàng với nội dung quảng cáo phù hợp hơn./.

Theo Tâm An/Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông

Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/san-tmdt-va-nen-tang-truyen-thong-mang-xa-hoi-tac-dong-lon-den-tieu-dung-viet-nam-a13116.html