Mùa xuân vẫn hiện hữu trên miền đá xám

Mỗi mùa xuân đến, vùng đá màu tro xám quê tôi lại như bừng tỉnh. Những búp non chồi biếc và bạt ngàn hoa bung nở, những chú chim ríu rít chuyền cành. Hoa Đào, hoa Lê, hoa Cải, hoa Mận, đủ mọi sắc màu… như chiếc áo choàng sặc sỡ trùm lên vạn vật khiến cả đất trời lung linh rực rỡ.

cot-co-lung-cu-copy-1675129467.jpg
 

Có người nói, mùa xuân đến trên Hà Giang là khi những tảng đá tai mèo màu xám lạnh, nhọn hoắt “nở hoa”. Ấy là khi, khắp nơi vàng rực, tươi mới màu hoa cải, trắng tinh khôi của hoa mận, thắm phớt hồng của hoa đào, tím dịu của tam giác mạch… Thật khó có thể dùng từ ngữ nào để miêu tả, chỉ biết rằng rất nhiều người đã đến Hà Giang vào mùa xuân đều muốn trở lại đó thêm nhiều lần nữa, để được thưởng ngắm vẻ đẹp rực rỡ sắc đa màu của thiên nhiên, được hít thở hương thơm của các loài hoa thoảng bay trong gió, được hòa mình vào không gian rộn rã tiếng chim, khí trời trong ngần, giữa cỏ cây hoa lá mơn mởn của mùa xuân.

Nhớ đến xuân, đến Tết của Hà Giang lại nhớ các loài hoa nhưng bao giờ hoa đào cũng để lại ấn tượng sâu đậm nhất. Hoa đào khoe sắc trước sân nhà, nở bình yên trong vườn, trên núi, hoa đào cắm trong những chiếc bình sang trọng đặt trong phòng khách… Dẫu ở không gian nào thì hoa đào cũng mang đến một vẻ đẹp nền nã, chỉ có lúc xuân sang. Và hoa đào là đặc trưng không thể trộn lẫn của miền đá quê tôi, một loài hoa cứ xuân sang lại bung nở rực rỡ khắp nơi, giữa thiên nhiên lộng gió, khoáng đạt.

den-ha-giang-kham-pha-cong-vien-dia-chat-toan-cau-cao-nguyen-da-dong-van-01-1642429841-1675129516.jpg
 

Xuân này, tôi muốn được trở lại với Hà Giang, mảnh đất không chỉ đẹp bởi phong cảnh núi non hùng vĩ, những con đường uốn lượn quanh co như dải lụa vắt ngang lưng trời mà còn đẹp bởi những sắc màu văn hóa cổ truyền ẩn chứa trong đó. Tôi nhớ những rặng núi trẻ cao vút mỗi mùa có một vẻ đẹp riêng của Hoàng Su Phì, Xín Mần; nhớ những phiên chợ mang phong vị của từng dân tộc trải dài từ Quản Bạ lên Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc; nhớ những nếp nhà trình tường với bờ rào đá nằm chênh vênh trên sườn núi giữa màu xanh bạt ngàn của ngô non; nhớ người dân, những đồng bào của tôi, chân chất và thân thiện, nhớ những gương mặt tươi tắn với nụ cười hồn nhiên của các bé thơ… 

Hà Giang có diện tích rộng lớn và địa hình phân chia rõ rệt. Phía Tây Nam với Hoàng Su Phì, Xín Mần là những dãy núi đất cao vút của dãy Tây Côn Lĩnh và những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ, bức tranh do những người nông dân đời tiếp đời đã vẽ nên giữa đất trời rộng lớn. Phía Bắc và Đông Bắc trùng trùng những dãy núi đá tai mèo, vào mùa, ngô, rau, đậu chen với đá mọc lên. Thành phố và các huyện vùng thấp Bắc Mê, Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, núi thấp xen ruộng đồng, rừng cọ, rừng vầu, những con suối trong veo, làng bản hòa mình với thiên nhiên xanh thẳm và bình yên.

Nhưng đến Hà Giang vào bất kỳ mùa nào, dĩ nhiên mùa xuân là đẹp nhất, ai cũng muốn lên cao nguyên đá, bây giờ người ta đã quen gọi Công viên địa chất toàn cầu. Qua đèo Pác Xum quanh co uốn lượn sẽ tới Cổng trời Quản Bạ, từ lưng núi nhìn xuống thị trấn Tam Sơn mọi người đều ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của 2 ngọn núi được gọi là Núi Đôi Cô Tiên, một kỳ tích của Tạo hóa.

Vượt sông Đông Hà, qua cầu Tráng Kìm, theo con đường Hạnh Phúc, sẽ tới Rừng thông Yên Minh nổi tiếng. Từ địa phận xã Na Khê nhìn sang Lao Và Chải, xa kia là Bạch Đích, một địa danh làm người ta nhớ thời chiến tranh biên giới, tiến pháo ì ầm từ xa vọng lại. Những vạt rừng thông lớn với những cây thông lực lưỡng xanh mướt và những triền cỏ mượt mà trải dài tới những rặng núi mờ xa. Trên con đường uốn lượn giữa rừng thông, thấp thoáng những ngôi nhà trình tường ở phía bên kia núi và hàng cây sa mộc xanh ngắt, một loại cây đặc trưng của vùng cao núi đá Đồng Văn.

tu-xa-1485-1675129569.jpg
 

Trước khi tới thung lũng Phố Cáo sẽ phải vượt qua dốc Thẩm Mã với nhiều góc cua tay áo cực gắt, đem lại cảm xúc khó quên cho những người thích rong ruổi trên những cung đường đầy thử thách. Phố Cáo là thung lũng hẹp như một dải đất nằm giữa hai dãy núi lớn, vào mùa đông và mùa xuân được điểm tô bằng những màu sắc rực rỡ của hoa cải vàng tươi, hoa tam giác mạch tím hồng, hoa đào thắm đỏ. Phiên chợ ở Phố Cáo là phiên chợ lùi, với lễ hội Khèn được tổ chức vào mỗi đầu năm mới, một nếp sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc mang vẻ đẹp truyền thống của dân tộc H’Mông.

Thung lũng Sủng Là nổi tiếng với ngôi nhà được chọn làm bối cảnh trong bộ phim “Chuyện của Pao”, đó là một dải đất bằng phẳng nằm giữa khe núi. Quốc lộ 4C chạy uốn lượn giữa thung lũng bình yên, hai bên là những ngôi nhà trình tường với những hàng rào đá đặc trưng của miền quê yên ả. Hình như Sủng Là cũng là nơi trồng nhiều tam giác mạch và cây sa mộc nhất của Cao nguyên đá Đồng Văn.

Ngược lại một chút là Phó Bảng một thị trấn sát biên giới với Trung Quốc từng một thời là nơi giao thương buôn bán rất sầm uất mà bây giờ chỉ còn là hoài niệm. Ngược lên Sà Phìn thăm quần thể di tích dinh thự thủ lĩnh người H’Mông được xây dựng từ đá phiến, phía trước là những cây sa mộc lớn. Khu nhà được thiết kế với mái ngói âm dương, các gian phòng được chia theo phong cách của người Mông, những trụ đá và cột đều được chạm khắc tinh xảo. Đây là địa chỉ văn hóa, kiến trúc không du khách nào muốn bỏ qua khi đến với Cao nguyên đá Đồng Văn.

mua-xuan-ve-tren-que-huong-tay-bac-020718225-1675129706.jpg
 

Đến đây, không thể không đến thăm cột cờ Lũng Cú, một biểu tượng cương vực đất đai của cha ông. Cột cờ được xây dựng trên đỉnh núi Long Sơn (Núi Rồng) có độ cao chừng 1.700m so với mực nước biển. Cột cờ Lũng Cú hiện nay có thiết kế kiểu bát giác giống cột cờ Hà Nội, cao hơn 33m, trên đỉnh là lá cờ có diện tích 54m2, biểu tượng của 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S.

Sau chặng đường dài có thể về phố cổ Đồng Văn nghỉ ngơi thư giãn hoặc tản bộ quanh thị trấn. Chợ Đồng Văn cũ có tuổi đời hàng trăm năm được xây bằng đá và lợp ngói âm dương vẫn giữ nguyên nét đặc trưng kiến trúc của đồng bào vùng cao. Dừng chân khu phố cổ có bề dày lịch sử lâu đời ngắm những ngôi nhà cổ được giữ gìn và bảo tồn khá nguyên vẹn, hoặc leo lên khu Đồn Cao phía sau chợ cũ, nơi có thể ngắm nhìn toàn bộ thị trấn Đồng Văn trong những làn sương mỏng bảng lảng bay. Nơi đây từng một thời được coi là Hồng Kông của vùng cao Hà Giang.

Đèo Mã Pí Lèng, cung đèo nổi tiếng nối liền Đồng Văn và Mèo Vạc, nằm trên con đường mang tên Hạnh Phúc. Mã Pí Lèng, con đèo có dốc dựng đứng như sống mũi ngựa được định danh là một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam không chỉ rất cheo leo và hiểm trở mà còn mang một vẻ đẹp độc đáo. Một bên là núi đá dựng đứng, phía còn lại là vực sâu với dòng sông Nho Quế xanh như ngọc chảy êm ả qua từng khe đá. Từ trên đỉnh Mã Pí Lèng, tầm nhìn vô cùng rộng mở, bên kia là hẻm vực Tu Sản, một nét đứt gãy địa chất hùng vĩ và độc đáo, bên này là cung đường ngoằn ngoèo hạ dần độ cao tới thị trấn Mèo Vạc, phía trước là Săm Pun trập trùng núi trập trùng mây xa tít tận chân trời.

Có thể theo cung đèo có hình chữ M nằm trên đường từ Mèo Vạc về Yên Minh để có thêm những trải nghiệm mới. Con đường uốn lượn qua trùng trùng điệp điệp núi đá tạo nên vẻ đẹp kỳ vĩ, lạ và đẹp đến ngỡ ngàng nhưng cũng không kém phần nguy hiểm. Cung đường này chắc chắn sẽ đem lại cảm giác mạnh, niềm hạnh phúc cho những phượt thủ đam mê chinh phục.

Sao mà nhớ mùa xuân quê hương, nhớ cái se lạnh cuối đông, đầu xuân, khi hoa đào - sứ giả của mùa xuân - ửng hồng bên những chồi biếc non tơ. Với tôi, mùa xuân luôn nhắc tôi nhiều kỷ niệm về mảnh đất này. Ở đó tôi có người thân, bạn bè, một thời gắn bó, chia sẻ những vui buồn qua năm tháng./.

 

 

 

 

Anh Tú

Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/mua-xuan-van-hien-huu-tren-mien-da-xam-a13013.html