Lịch ta và nền văn minh lúa nước cổ truyền

THỜI GIAN, gắn liền với Không gian, tồn tại KHÁCH QUAN trong từng sự vật, từ thế giới vi mô đến thế giới vĩ mô. Chúng tôi xin đăng lại bài nghiên cứu của cố GS Trần Quốc Vượng, một trong 4 nhà sử học nổi tiếng nhất Việt Nam đương đại về Lịch ta.

anh-8-1674828148.jpg
Cố GS Trần Quốc Vượng và học trò đi điền dã

Con người cổ xưa, làm ăn và lễ lạt, “trông trời, trông đất, trông mây; trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm”… Nhìn mặt trời “mọc” và “lặn”, nhìn bóng mình, bóng cau, bóng mái nhà soi trong nắng, ngắn - dài hay “tròn bóng”; Trông trăng, trăng tròn - trăng khuyết, “trăng lên, trăng đứng, trăng tàn” ; Trông sao, sao Hôm - sao Mai, chuôi sao Bắc đẩu… mà nhận thức thời gian đắp đổi và định ra thời gian con Người, thời gian Xã hội.

“Thời”, “Thì” chuyển vào “Đời”, đời sống, đời người: dậy thì-đương thì-lỡ thì-quá thì…“Năm” trở thành “Tuổi”: tuổi thơ, tuổi trẻ, tuổi già, “mỗi xuân mỗi tuổi như đuổi xuân đi”. “Mùa” cũng là “vụ”: vụ chiêm - vụ mùa… Và thêm nữa những khái niệm cao hơn: giai đoạn, thời kỳ, kỷ nguyên, thời đại…

Cùng với thời gian diễn biến, con người cũng THỂ CHẾ HOÁ THỜI GIAN, xây dựng cơ cấu thời gian thành Lịch. LỊCH là cái biểu thời Ggian khách quan đã được nhận thức qua Chủ quan của con người, vì con người. Nhận thức ấy có tính động qua Lịch sử, qua không gian, tuỳ thuộc mỗi cộng đồng - tộc người, mỗi vùng văn hoá, mỗi khu vực văn minh, tuỳ theo trình độ sống - chất lượng sống, trình độ văn hoá - chất lượng văn hoá… LỊCH đã, đang và sẽ còn được xem xét lại và cải tiến không ngừng, cho tiếp cận ngày càng sát đúng với Thời tiết (năm) - Tuần trăng (tháng) - ngày đêm, giờ khắc…

Nếu mỗi con người là mỗi “đồng hồ sinh học” trong thời sinh học con người thì mỗi vùng trời, vùng đất, vùng người cũng đã và cần có mỗi lịch, mỗi giờ - khắc - tháng - năm riêng, trong nền lịch chung nhân loại. Cần cái CHUNG, mà cũng cần cái RIÊNG.

Từ vài ba ngàn năm trước Công nguyên, trước ảnh hưởng văn minh Trung Hoa và Ấn Độ xuống và sang miền Đông Nam Á từ Trường Giang tới miền bán đảo Đông Dương - những cư dân cổ ở khu vực này chủ yếu là những cộng đồng tộc người Tày - Thái cổ, Môn - Khơ me cổ, Tạng - Miến cổ, Mã Lai cổ… mà sử sách gọi phiếm xưng là Man, là Việt (Bách Việt) - đã xây dựng thành công một Miền Văn hoá lúa nước, một khu vực Văn minh Nông Nghiệp lúa nước, trong đó có Văn minh Châu Thổ Sông Hồng, hay Văn minh Đông Sơn, mà đỉnh cao biểu tượng là Trống Đồng. Hơn bất cứ việc gì hết, nghề trồng lúa nước đòi hỏi phải nắm vững thời tiết.

Ở một vùng châu Á gió mùa, mà khí hậu tuy nói chung là nóng ẩm (hằng số khí hậu) nhưng thời tiết lại đầy biến động, thất thường (biến số thời tiết)… những người chủ của nền văn hoá - văn minh này đã đề cao trên hàng đầu Bảng Giá Trị Văn Hoá việc nắm vững yếu tố THÌ (thì thời gian, thời vụ): “Nhất thì Nhì thục”, “Biết sự trời, mười đời chẳng khó (nghèo)”. Và bởi thế, người ta đã xây dựng một thể chế Lịch 12 Con Vật (Lịch này của miền Đông Nam Á cổ, không phải gốc Trung Hoa hay Ấn Độ).

“Không thể nào quan niệm nổi một cư dân (người Việt cổ) đã biết trồng lúa hai mùa mỗi năm từ trước Công nguyên (“Lúa Giao Chỉ, chín 2 mùa, tháng 5 chín, tháng 10 lại chín” - Dị Vật Chí quyển I của Dương Phù, đầu thế kỷ thứ nhất), đề cao yếu tố “Thì” lên hàng đầu việc làm ăn, mà lại không có Lịch của riêng mình! Ngày xưa, mỗi thành tựu văn hoá lớn nào của người Việt Nam, người ta cũng cố tìm cội nguồn nơi Trung Quốc. Đó là tâm lý Tự ty dân tộc không đúng đắn.”

480px-likely-routes-of-early-rice-transfer-and-possible-language-family-homelands-archaeological-sites-in-china-and-se-asia-shown-1674828222.png
Bản đồ việc lan truyền cây lúa nước (khoảng 3.500 tới 500 trước công nguyên) tại vùng Đông Nam Á

NĂM gồm 12 tháng; THÁNG theo tuần trăng (tháng => Blăng => Trăng), có 2 loại, tháng thiếu 29 ngày, tháng đủ 30 ngày. NGÀY (hrei Chàm, thngay Khơ me) gồm nửa sáng (ban ngày) - nửa tối (ban đêm), và gồm 12 GIỜ, từ “nửa đêm về tối”.

LỊCH ấy, về cơ bản là xuất phát từ việc nhìn Ngắm Trăng: “Mồng Một lưỡi trai, mồng Hai lá lúa, mồng Ba câu liêm, mồng Bốn lưỡi liềm, mồng Năm liềm giật, mồng Sáu thật trăng… mười rằm trang náu, mười sáu trăng treo, mười bảy sảy giường chiếu…; nhìn Ngắm Sao, “sao Hôm sao Mai, hay “Đêm đêm tưởng giải Ngân hà/Chuôi sao Bắc đẩu đã ba năm tròn”. Nhưng lịch ấy cũng căn cứ vào cả chuyển động của mặt Trời. Người ta chiêm nghiệm: “Đêm tháng Năm chưa mằm đã sáng (tiết Hạ chí) - Ngày tháng Mười chưa cười đã tối” (tiết Đông chí).

Người ta bắt đầu “đọc” được Nhịp điệu thời gian qua những nhịp hoa văn lặp đi lặp lại trên đồ gốm Phùng Nguyên, tiền Đông Sơn (đầu thiên niên kỷ II trước Công nguyên). Người ta đã tìm cách “đọc” Lịch Lạc Việt ghi trên trống đồng, thạp đồng Đông Sơn (thiên niên kỷ I trước Công nguyên) mà ngoài công dụng thực tế (nhạc cụ, đồ đựng…) người ta đã thấy chúng còn là, hay chủ yếu là, những vật Biểu tượng của vũ trụ: Mặt trời giữa mặt trống, nắp thạp với 12-14 cánh sao, 4 chim mỏ dài nối nhau bay ngược chiều kim đồng hồ trên đa số trống Đông Sơn (4 mùa ?), 4 cặp trai gái giao phối hồn nhiên trên nắp thạp với mặt trời Đông Sơn ở giữa (4 tiêu điểm Xuân phân - Hạ chí - Thu phân - Đông chí ?), 6 hình thuyền bơi quanh thân thạp, mỗi thuyền có khắc lớp tách đôi, mỗi nửa có nhiều khắc nhỏ (tháng, ngày ?)… Lịch ấy - đúng hơn là “mảnh vụn” của lịch ấy - còn đọng lại trong phôn-cờ-lo (Folklore) Việt - Mường - Tày - Thái - Lô lô - Hà Nhì…

Sao chăng nữa, lịch Đông Nam Á cổ 12 con vật, lịch của toàn miền văn hoá tộc người trồng lúa nước không phải chỉ là lịch trăng (âm lịch) mà đã là Lịch Trăng - Trời - Sao (âm dương hợp lịch).

Nền văn minh Trung Hoa cổ, xuất phát từ một cơ tầng văn hoá trồng khô (culture sèche, kê, cao lương…) ở miền hoàng thổ (loess) trung du Hoàng hà, trải các đời Thương - Chu - Tần - Hán - Sở, đã có Một Loại Âm - Dương Lịch Khác, khá là tiến bộ: Giờ, ngày, tháng, năm được mã hoá theo hệ thống CAN (10), CHI (12) với chu kỳ Hoa giáp 60 (giáp tý - quý hợi) và đang trong quá trình cải tiến, biến đổi (Lịch Thương “kiến Sửu”, tháng 12 là tháng đầu năm; lịch Chu “kiến Tý”- tháng 11; lịch Tần - Hán - Sở “kiến Hợi” - tháng 10); thứ tự tháng tương đối với cái gọi là Lịch Hạ “kiến Dần” (tháng Giêng). Về Lịch Hạ xin xem đoạn sau sẽ rõ.

Từ Tây Chu - Xuân Thu (khoảng thế kỷ VIII trước Công nguyên) ở miền bình nguyên Giang Hán (trung lưu Trường Giang) xuất hiện Nước Sở là một quốc gia phi Hoa rồi nửa Hoa và cuối cùng Hoa hoá ở thượng tầng (tầng lớp thống trị), còn tầng nền vẫn là cư dân trồng lúa nước. Nhà Chu ban đầu gọi Sở là “Kinh man”, “Sở man”, không coi là Hoa Hạ. Vua Sở xưng VƯƠNG cho ngang vế với nhà Chu, cũng tuyên bố rõ “Ta là man di, không cùng thuỵ hiệu với Trung Quốc (chỉ Chu), (xem Tư Mã Thiên, Sử Ký, Sở Thế Gia…). Các vua Sở đều có danh hiệu Hùng 熊 - tức KHUN, CUN - chức vụ “thủ lĩnh” của người phương Nam, phi Hoa Hạ. Nước Sở ở trung lưu Trường Giang, cũng như các nước Ba, Thục ở thượng lưu và Ngô, Việt ở hạ lưu Trường Giang đều xuất phát từ một nền tảng văn hoá phi Hoa (văn hoá lúa nước) rồi mới dần dần bị Hoa hoá.

Vua Sở thấy ở vùng lãnh thổ mình cai trị cư dân trồng lúa nước (với thủ lĩnh huyền thoại hay anh hùng văn hoá là Viêm đế (vua xứ nóng) Thần Nông (khác Hoàng đế là thủ lĩnh thần thoại hay anh hùng văn hoá của ngừoi Hoa) đã có sẵn một thể chế Lịch 12 Con vật ứng với nghề Nông trồng lúa nước và các nghi lễ Nông nghiệp kèm theo (Tết Đoan ngọ 5/5 thuộc tiết Hạ chí, Tết Cơm Mới 10/10 quanh tiết Lập Đông, tết Trung thu 15/8 quanh tiết Thu phân… đây vốn là nghi lễ nông nghiệp vùng văn hoá lúa nước không phải gốc Trung Hoa, cũng như các sự tích mưa ngâu (chàng chăn trâu - nàng canh cửi), hai sao Khiên ngưu và Vụ nữ đều thuộc phân dã đất Việt (xem Hán thư - Địa lý chí).

Các nhà thiên văn lịch pháp học của Sở đã cải tiến lịch này, bổ sung bằng những kinh nghiệm và kiến thức thiên văn phong phú của Trung Hoa. “Các “mảnh vụn” của lịch cổ truyền (bằng lời, bấm đốt tay) còn đọng lại ở dân gian Việt - Mường - Tày - Thái - Lô Lô - Hà Nhì… Nếu sưu tầm, nghiên cứu, đối chiếu với âm, dương lịch ngày nay thật cẩn thận thì có thể phục chế được bảng lịch cổ ngàn xưa”.

Đó là Lịch Tháng Giêng (Dần) là tháng đầu năm, muộn hơn 2 tháng so với lịch Chu đương thời (Sở tỏ ra khác Chu, sử dụng lịch văn hoá phương Nam). Người ta dùng chữ nghĩa Trung Hoa và hệ Can - Chi biên soạn thành sách “Kinh Sở tuế thời ký”. Để tỏ ra cổ xưa hơn cả Chu đương thời, người ta “thác cổ” (giả danh mượn tiếng xưa - một tâm lý phổ biến của người xưa ở phương Nam trước áp lực ngày càng nặng nề của văn minh Hoa Hạ, gọi là tâm lý “Nam nhân, Bắc hướng”) gọi đó là Lịch đời Hạ.

Y như các vua phương Nam, để tỏ ra “không kém Trung Quốc” (vô tốn Trung Hoa) cũng “đẩy” tổ tiên của mình lên ngang thời “tam đại” hoặc tìm gốc phương Bắc (Thái Bá, Trọng Ung) cho “oai” hơn… Tần thay Chu (vốn ở phía Tây Nam của Chu, bị Chu xem là Nhung (phi Hoa) gần với dân du mục Trung Á), thay luôn cả tháng gốc của lịch Chu để tỏ ra “mới”, “sửa chính sóc”. Hán thay Tần, các đời vua đều theo các thể chế của Tần, kể cả thể chế lịch. Thế nhưng Hán Lưu Bang cũng như Sở Hạng Võ, vốn đều là người nước Sở, tập nhiễm sâu sắc văn hoá lúa nước phương Nam. Đó là một chuyện.

Nền tảng kinh tế nông nghiệp Trung Hoa, cây  lương thực nuôi sống người Hoa là Kê và Cao Lương. Đời Thương bắt đầu trồng Mạch (kiều trồng khô) do chịu ảnh hưởng từ miền Kapkazơ, Trung Á, song các nghiên cứu lịch sử nông nghiệp hiện đại Trung Quốc đều thừa nhận là cho đến trước đời Tần, mạch chưa phải là nguồn lương thực lượng yếu của người Hoa. Lúa Gạo cũng vậy, người Hoa biết trồng lúa gạo từ Thương - Ân, song đến cuối Xuân Thu (VI - V trước Công nguyên) Khổng Tử người nước Lỗ còn bảo ăn toàn cơm là cực kỳ lãng phí!

Sau đó Tần diệt Thục, diệt Sở, xâm lược Bách Việt (218-209 trước Công nguyên) và nhất là Hán Vũ đế (140 - 87 trước Công nguyên) đã bành trướng mạnh mẽ xuống phương Nam chiếm hết đất Việt, thì Lúa Gạo dần đã trở thành nguồn lương thực chính của Trung Hoa (cho đến thập kỷ 50 của thế kỷ XX, Hoa Bắc không tự túc được lương thực, phải nhờ vào lúa gạo của Hoa Nam). Thế là từ Hán Vũ đế trở đi, văn minh Hoa hạ đã Hội Nhập Văn Minh Lúa Nước Phương Nam. Và Hoa Nam trở thành địa bàn lương thực chính của toàn đế chế Hán.

Đó là hai chuyện. Chính dựa trên những điều kiện đó mà khoảng năm 104-103 trước Công nguyên, Hán Vũ đế đã lệnh sửa “chính sóc”, ban hành lịch mới (Thái sơ), bảo là trở về với Lịch Hạ, “kiến Dần”, kỳ thực là dùng lịch của miền Kinh Sở, Miền Văn Minh Lúa Nước Phương Nam. Nhờ thiên Nghiên Điển ở Kinh Thư… người ta đã biết được Lịch Chu. Nhờ văn giáp cốt đào thấy ở Ân Khư, người ta biết qua loa lịch Thương Ân. Nhưng cho Đến Nay, Giới Khảo Cổ Học Trung Quốc (rất đông) đào đâu ra cái Lịch đời Hạ, với tảng nền Văn hoá Hạ?

Cái gọi là “lịch Hạ kiến Dần” thực ra là lịch Sở, lịch của miền Kinh Sở (Hồ Bắc-Hồ Nam), miền văn hoá lúa nước. Lịch ấy được người Hoa “Chữ Nghĩa Hoá” thành sách vở, trải rất nhiều lần cải tiến từ Hán đến Thanh, đã trở thành lịch âm - dương của Á Đông hiện nay, mà nhiều người quen gọi là LỊCH TÀU, và cũng có thời (thuộc Pháp) gọi là LỊCH TA. Đúng ra, phải gọi lịch đó là Lịch Hoa - Việt.

Lịch ấy vốn là thành tựu văn hoá của người Việt - Sở (trồng lúa nước), được bổ xung phong phú bởi nhiều thế hệ kinh nghiệm thiên văn lịch pháp Trung Hoa. Lịch ấy không hẳn sát đúng hẳn với miền hoàng thổ Hoa Bắc (quê hương buổi đầu của người Hoa), cũng không sát đúng hẳn với miền châu thổ sông Nhị - quê hương buổi đầu của người Việt Nam. Nó đã “trông trăng”, “trông sao”, dựa vào thực tiễn làm ăn và biểu hiện qua vốn liếng ca dao tục ngữ. Lịch đó là thành tựu chung của miền văn hoá lúa nước cổ truyền./.

GS Trần Quốc Vượng

Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/lich-ta-va-nen-van-minh-lua-nuoc-co-truyen-a12940.html