Hiệp định Paris về Việt Nam: Những điều khoản ký kết và thực hiện

Hiệp định Paris là kết quả của một cuộc hội đàm lịch sử trong cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ từ năm 1954-1975, nhiều nội dung đã phải trải qua cả đấu trí trên bàn đàm phán và đấu lực trên chiến trường mới được ký kết.

pr-1674796938.jpg
Tròn 50 năm kỷ niệm ngày hiệp định Pari được ký kết. kết thúc 4 năm 8 tháng và 14 ngày đàm phán

Sau khi Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương (ký ngày 20/7/1954), Mỹ can dự trắng trợn vào Việt Nam. Thông qua việc thực thi nhiều chiến lược chiến tranh dưới nhiều đời Tổng thống Mỹ suốt 20 năm, Mỹ muốn thiết lập chế độ thực dân kiểu mới tại miền Nam Việt Nam.

Trong khi đó, Việt Nam tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, từng bước làm thất bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Sau thắng lợi có ý nghĩa chiến lược trong hai mùa khô 1965-1966, 1966-1967 trên các chiến trường miền Nam, đặc biệt là sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cuộc chiến đã làm rõ thực tế: không thể giải quyết bằng so sánh lực lượng quân sự mà phải sử dụng bàn đàm phán để đưa chiến tranh đi vào giai đoạn kết thúc.

Việt Nam cũng chủ động mở thêm mặt trận tiến công ngoại giao với mục đích: đấu tranh đòi Mỹ phải chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, thương lượng ở bàn hội nghị về việc kết thúc chiến tranh, lập lại nền hòa bình thống nhất đất nước Việt Nam. Tổng thống Mỹ L. Johnson ngày 31/03/1968 quyết định “Mỹ đơn phương chấm dứt ném bom Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) từ vĩ tuyến 20 trở ra, sẵn sàng cử đại diện đàm phán với VNDCCH”.

Những điều khoản ký kết

Tại hội đàm Paris, Việt Nam đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân đội và vũ khí ra khỏi miền Nam Việt Nam, xóa bỏ chính quyền bù nhìn tay sai, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam.

Mỹ muốn chấm dứt chiến tranh, nhưng đòi hai bên cùng rút quân; đòi khôi phục lại khu phi quân sự và duy trì chính quyền Sài Gòn (nghĩa là vẫn muốn duy trì tình trạng chia cắt Việt Nam thành hai miền). Vì thế, trong thời gian hội đàm ở Paris (1968-1972), cả hai đều tìm mọi cách giành thắng lợi quyết định về quân sự để thay đổi cục diện chiến trường, lấy đó làm áp lực cho giải pháp chấm dứt chiến tranh đang đàm phán.

Sau cuộc tiến công chiến lược Xuân Hè 1972, đặc biệt là cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm, đồng thời với các đòn tấn công trên các chiến trường miền Nam, phái đoàn Việt Nam đã chủ động tấn công trên bàn đàm phán với việc đưa ra Dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” (ngày 8/10/1972). Vì thế ngày 20/10/1972, hai bên đã hoàn thành cơ bản dự thảo văn bản Hiệp định và nhất trí sẽ ký chính thức vào ngày 31/10/1972.

Tuy nhiên, ngay sau đó chính quyền Nixon ngừng đàm phán, triển khai chiến dịch Linebacker II dùng B52 tấn công Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh thành miền Bắc Việt Nam. Chỉ đến khi chịu thất bại trên chiến trường cũng như trên bầu trời Hà Nội, Mỹ buộc phải chấp nhận nối lại đàm phán và ký kết Hiệp định Paris.

Hội đàm Paris là cuộc đối chọi giữa hai nền ngoại giao của hai quốc gia có ý chí, trí tuệ, đạo lý và mưu lược khác nhau; ký Hiệp định Paris phản ảnh rõ nỗ lực chung của cả hai bên Việt Nam và Hoa Kỳ nhằm kết thúc chiến tranh. Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ký ngày 27/01/1973 (có hiệu lực ngày 28/01/1973) gồm chín chương, 23 điều, các nội dung hàm chứa trong Hiệp định này xoay quanh hai vấn đề quan trọng nhất.

Một, Hoa Kỳ phải hoàn toàn chấm dứt chiến tranh xâm lược, chấm dứt sự dính líu về quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam, rút hết quân đội của Mỹ và của các nước khác, cố vấn và nhân viên quân sự, vũ khí và dụng cụ chiến tranh ra khỏi miền Nam, hủy bỏ tất cả các căn cứ quân sự ở miền Nam Việt Nam.

Hai, Hoa Kỳ và các nước khác cam kết tôn trọng quyền dân tộc cơ bản (độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam) và quyền dân tộc tự quyết của nhân dân Việt Nam (hai miền Nam, Bắc Việt Nam) tự quyết định tương lai chính trị của mình thông qua tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ. Nói ngắn gọn như lời của Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn dặn Cố vấn Lê Đức Thọ khi đi đàm phán, phải đạt được là “Mỹ rút ra, ta ở lại (miền Nam)”.

Những điều được thực hiện

Thực hiện những ký kết trong Hiệp định, Việt Nam thành lập hai đoàn đại biểu quân sự, tổng số sĩ quan, cán bộ, chiến sĩ hai phái đoàn khoảng 300 người, trụ sở đóng tại Trại Davis, thuộc căn cứ không quân Tân Sơn Nhất.

Việc thực thi Hiệp định tập trung vào ba nhiệm vụ chính: (i) đấu tranh buộc quân Mỹ và quân các nước đồng minh rút khỏi miền Nam Việt Nam trong 60 ngày kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; (ii) đấu tranh buộc đối phương thực hiện nghiêm chỉnh việc trao trả tù quân sự và tù dân sự của các bên bị bắt trong chiến tranh; (iii) đấu tranh buộc đối phương chấm dứt chiến sự, nghiêm chỉnh thực hiện ngừng bắn, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Đối với hai nhiệm vụ đầu, đó là sự đấu trí, đấu lý quyết liệt cho việc thực thi điều 5 (Mỹ rút quân) kết hợp với điều 8 (trao trả tù binh Mỹ, tù binh quân sự và tù chính trị): quân Mỹ và các nước đồng minh (khoảng 54.000 người) rút thành bốn đợt, mỗi đợt 25% và kết thúc không chậm hơn ngày kết thúc đợt trao trả tù binh (tù quân sự và tù dân sự).

Ngày 29/03/1973, người lính Mỹ cuối cùng đã rời khỏi Việt Nam. Đây là yếu tố rất quan trọng góp phần vào việc thay đổi tương quan lực lượng trên chiến trường, tác động mạnh về tâm lý và chính trị khiến quân đội Sài Gòn suy sụp sức chiến đấu. Đối với nhiệm vụ thứ ba (chấm dứt chiến sự, nghiêm chỉnh thực hiện ngừng bắn), chính quyền và quân đội Sài Gòn thực hiện phá hoại ngay từ khi Hiệp định ký chưa ráo mực bằng những chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”, đưa quân lấn chiếm vùng giải phóng.

Hội nghị 21 Ban chấp hành Trung ương Đảng (13/10/1973), đề ra nghị quyết xác định “phương hướng chủ động tích cực, có lợi nhất cho sự nghiệp cách mạng của cả nước là luôn luôn giương cao ngọn cờ hòa bình và chính nghĩa, đấu tranh chính trị, quân sự và ngoại giao, buộc địch phải thi hành Hiệp định để thắng địch”.

Từ cuối năm 1973 đầu năm 1974, phối hợp với đấu tranh chính trị, ngoại giao, lực lượng vũ trang cách mạng kiên quyết phản công và tiến công, đập tan những âm mưu và hành động lấn chiếm của địch, giành quyền chủ động trên khắp các chiến trường, củng cố và hoàn chỉnh thế chiến lược liên hoàn từ Bắc vào Nam, xây dựng và tăng cường các binh đoàn chủ lực cơ động; phát động phong trào đấu tranh chính trị sôi nổi ở thành thị với khẩu hiệu “hòa bình, độc lập, hòa hợp dân tộc”…

Sau đó, dựa vào phát triển của tình hình, quân và dân miền Nam tiến hành cuộc tiến công và nổi dậy chưa từng có với hàng loạt chiến dịch nối tiếp nhau, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam ngày 30/4/1975. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ về phương pháp luận: “Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải đấu tranh trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn”.

Cuộc hòa đàm Paris được ghi nhận là cuộc đàm phán dài nhất trong thế kỷ XX với 4 năm 8 tháng và 14 ngày, gồm 202 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng Việt Nam - Hoa Kỳ. Ký kết Hiệp định Paris có ý nghĩa làm trọn vẹn một cuộc chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam - cuộc chiến vì độc lập tự do, vì hòa bình thống nhất Tổ quốc./.

PGS.TS Hà Minh Hồng

Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/hiep-dinh-paris-ve-viet-nam-nhung-dieu-khoan-ky-ket-va-thuc-hien-a12932.html