Chọn cho mình lối sống giản dị, nên chăng?

Dù ở bất kỳ thời đại nào, sống giản dị cũng giúp chúng ta cảm thấy thật nhẹ nhàng, thoải mái. Cuộc sống xã hội ngày càng phát triển, giúp cho mỗi người được đáp ứng tốt hơn mọi nhu cầu về vật chất và tinh thần. Mỗi người có thể tự chọn cho mình lối sống phù hợp. Tuy nhiên, lối sống giản dị vẫn luôn có giá trị riêng và được nhiều người theo đuổi.

Những giá trị do lối sống giản dị mang lại

Lối sống giản dị giúp con người ta luôn thấy an nhiên và thanh thản. Khi nhu cầu phù hợp với bản thân hay thấp hơn mức xã hội, con người sẽ không cần phải đau đầu để làm sao bằng người ta. Tính giản dị giúp chúng ta tiết kiệm thời gian, khi không cần suy nghĩ đến những nhu cầu không cần thiết. Người có tính giản dị được mọi người xung quanh yêu quý và tôn trọng. Đồng thời, tạo thành thói quen tốt để người khác noi theo. Sống giản dị giúp chúng ta hòa đồng hơn, sống chan hòa và gần gũi hơn với vạn vật xung quanh.

Thế nào là giản dị

Giản dị là đơn giản nhất có thể mọi thứ, nhưng nó không đồng nghĩa với qua loa, đại khái hay xuề xoà. Sự giản dị tưởng chừng như thiếu thốn, nhưng thực chất nó lại rất đầy đủ ở góc độ vừa phải chứ không hề sơ sài. Dễ hiểu nhất như bộ trang phục chúng ta thường mặc, nó đáp ứng đủ các tiêu chí: gọn gàng, sạch sẽ, lịch sự, phù hợp với công việc và con người đang mặc nó, nhưng nó không quá diêm dúa, cầu kỳ. Trong lời ăn tiếng nói, người giản dị luôn có văn phong nhẹ nhàng, chọn những lời lẽ mộc mạc, dễ hiểu, nói đúng và nói trúng vấn đề. Cách nói của họ cũng đơn giản, thường dùng những ngôn từ bình dân, rõ nghĩa để bất kỳ ai đọc cũng có thể hiểu được.

gian-di-1669693879.jpg
Sống giản dị là cách sống đơn giản, không cầu kì. (Nguồn ảnh: VIetnamnet.vn)

Trong công việc và cuộc sống, người có lối sống giản dị cũng luôn biết bằng lòng với những điều kiện hiện có, không đòi hỏi người khác những điều họ không có hoặc không thể đáp ứng được. Họ luôn chú trọng đến mục đích chính của công việc, tránh mọi sự phục vụ không cần thiết. Như vậy, sống giản dị chính là cách sống đơn giản, không cầu kì. Là cách sống phù hợp với hoàn cảnh của bản thân, gia đình và xã hội, thậm chí nó còn được miêu tả cho sự sống dưới mức nhu cầu của một ai đó. Lối sống giản dị là một lối sống đáng quý, không phô trương.

Khi đức tính giản dị không được coi trọng

Ngược lại với giản dị là lối sống xa hoa, ưa hình thức, phô trương và ưa những thứ cầu kỳ, kiểu cách, đòi hỏi ở người khác những thứ vượt mức họ có. Người thiếu sự giản dị thường cố tỏ ra mình giàu có, hơn người, tự cao tự đại và sử dụng tiền bạc, vật chất, thời gian và mọi thứ một cách phung phí. Danh giới giữa giản dị và lôi thôi, xuề xoà hoặc sơ sài đại khái nhiều khi rất mong manh. Cần hiểu đúng, hiểu đủ để rèn cho mình phẩm chất đáng quý của một người giản dị, tránh lấy sự giản dị để bao biện cho sự cẩu thả, keo kiệt, bủn xỉn hoặc thiếu thốn, lôi thôi.

Thử hình dung một cuộc gặp mặt hoặc tiếp khách, nếu chúng ta cứ cố tỏ ra giàu có sang trọng trong khi người gặp gỡ rất đỗi bình dân thì sự giàu có, sang trọng ấy chỉ làm cho họ và chúng ta có thêm khoảng cách, không thể cởi mở chan hoà như mong muốn của đôi bên. Với những dịp tiếp khách quý hay các sự kiện trọng đại trong đời, cũng nên chuẩn bị kỹ lượng, tạo cho mình sự giản dị nhưng không kém phần sang trọng để bộc lộ sự tôn trọng lẫn nhau và coi trọng mỗi quan hệ mình đang có.

Có nhiều người, khi vừa có chức, có quyền đã tự cho mình được phép xa hoa, lãng phí. Dùng tiền của cơ quan, tập thể để mua sắm cá nhân, xây những biệt phủ thật hoành tráng, hay mặc những bộ trang phục rất đắt tiền. Trong công việc, dù không thật cần thiết nhưng vẫn làm thật hoàng tráng gây tốn kém, lãng phí. Lại có người nói lời nào cũng phải chọn các câu từ hoa mĩ nhất, dùng từ mượn cho ra vẻ trang trọng, nhưng thực chất lại rất khó hiểu với người đọc, người nghe. Có người bằng mọi cách phải “chỉ đạo” cho ra dáng lãnh đạo, tuyệt nhiên không bao giờ mó tay làm bất cứ việc gì vì mình là “cấp trên”. Lại có những người về cơ sở làm việc rất quan liêu, hạch sách đủ điều, bắt cấp dưới phải đón tiếp thật hoành tráng để tỏ rọ sự tôn trọng mặc dù điều kiện cơ sở vật chất của họ còn nghèo nàn, thiếu thốn…Tất cả những điều đoá làm tha hoá phẩm chất của một con người. Họ không những không trở nên cao quý mà còn tự làm xấu đi hình ảnh của mình.

bac-ho-1669693875.jpg
Bác Hồ kính yêu của chúng ta có lối sống vô cùng giản dị.

Càng giản dị càng trở nên cao quý

Là một vị Chủ tịch nước và là danh nhân văn hoá thế giới, nhưng Bác Hồ kính yêu của chúng ta có lối sống vô cùng giản dị. Chính sự giản dị đó tạo nên nét đẹp cao quý trong lối sống và trong phẩm chất của Người. Từ bộ quần áo Bác thường hay mặc đến đôi dép cao su, từ những câu hò điệu ví mộc mạc chân quê hay những món an dân dã đều khiến Người yêu thích vô cùng. Phòng làm việc của Bác cũng rất đỗi đơn sơ, giản tiện. Từ lời ăn tiếng nói đến văn phong Bác viết hàng ngày, tất cả đều toát lên sự giản dị đến bất ngờ.

Giống như Bác, cả đại tướng Võ Nguyên Giáp hay Đại tướng Lê Đức Anh… những người con ưu tú nhất của dân tộc cũng đều toát lên vẻ đẹp đáng quý này! Oai phong là thế, vĩ đại là thế mà trong công việc hay đời sống thường ngày, những con người cao cả ấy đều giản dị đến vô cùng. Trên thế giới, lối sống giản dị cũng rất được ưa chuộng và học tập. Xu hướng sống tối giản như người Nhật bản ngày càng được nhiều nước khác trên thế giới yêu thích và áp dụng theo. Khi chọn cho mình lối sống giản dị, tối giản nhất có thể, bạn sẽ thấy cuộc sống nhẹ nhàng và thoải mái, giúp mình tiết kiệm được thời gian và tiền bạc để dành cho những điều khác quan trọng hơn trong cuộc sống.

Giản dị là lối sống hợp với mọi thời đại

Từ bao đời nay, người dân Việt Nam ta vẫn luôn coi trọng và đề cao lối sống giản dị. Đó là một đức tính đáng quý của con người. Giản dị tạo nên chân dung những con người hiền lành, chất phác, ở họ toát lên vẻ đẹp đơn sơ, mộc mạc nhưng lại đạt đến đỉnh cao về phẩm chất đáng quý của con người. Dù có ở bất kỳ thời đại nào đi nữa, giản dị vẫn là đức tính khiêm nhường mà mỗi người cần học tập, noi theo. 

Huyền Thương

Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/chon-cho-minh-loi-song-gian-di-nen-chang-a11440.html