Xuất khẩu bền vững - Chìa khóa thành công cho doanh nghiệp

Sau 3 năm thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hơn 1 năm thực hiện Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) đã có những tác động rất tích cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, nhất là từ những thị trường mà Việt Nam chưa từng ký FTA.

Theo số liệu được đưa ra tại Hội thảo xuất khẩu vào các thị trường FTA: Giải bài toán phát triển bền vững, năm 2022, xuất khẩu sang các thị trường FTA vẫn tiếp tục tăng. Cụ thể, với thị trường EU, sau 9 tháng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này ước đạt 39,4 tỷ USD, tăng 22,3%; xuất khẩu sang ASEAN ước đạt 28,9 tỷ USD, tăng 24%; xuất khẩu sang Hàn Quốc ước đạt 20,7 tỷ USD, tăng 15,4%; xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 19,8 tỷ USD, tăng 22%.

Còn với CPTPP, trong 8 tháng đầu năm năm 2022, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP đạt 31,4 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2021. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ khu vực này đạt 27,9 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất siêu sau 8 tháng ghi nhận đạt 3,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tại hội thảo, dù đã thu về những kết quả ấn tượng, nhưng những cam kết và quy định tại Hiệp định CPTPP tương đối mới và phức tạp nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn lúng túng, chưa tận dụng tối ưu được các ưu đãi. Đặc biệt, năm 2022, sau gần 2 năm chống chọi với đại dịch, khi các nền kinh tế và hoạt động thương mại giữa các nước trên thế giới bình thường hóa trở lại, nhiều nước bắt đầu đưa ra những tiêu chuẩn cao hơn với hàng nhập khẩu nhằm bảo vệ sản xuất trong nước cũng như sức khỏe của người tiêu dùng.

hoi-thao1-1668829794.jpg
Hội thảo xuất khẩu vào các thị trường FTA: Giải bài toán phát triển bền vững, năm 2022.

Đồng quan điểm, ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển sản xuất Thương mại Sài gòn (SADACO), trong điều kiện nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức, các FTA vẫn mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Sadaco là công ty xuất khẩu gỗ lâu đời ở phía Nam thì các chính sách chung và các FTA có tác động rất mạnh. Năm 2014 xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào thị trường Mỹ không đáng kể. Nhưng sau 15 năm thì tới nay xuất khẩu vào thị trường này đang chiếm khoảng 60% trong tổng lượng xuất khẩu đi các thị trường.

Sau 3 năm, các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ nhờ có CPTPP đã trưởng thành, hội nhập kinh tế toàn cầu. Hiệp định này đã giúp các doanh nghiệp đi sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và từng doanh nghiệp đều hòa cùng nhịp thở của doanh nghiệp thế giới. Nhờ đó, đến nay sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có thương hiệu tại các thi trường lớn, thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, ông Trần Quốc Mạnh thừa nhận, hiện nay mặc dù CPTPP có mang lại thuận lợi nhưng ngành gỗ lại đang gặp 2 khó khăn. Thứ nhất, hiện sức mua và đơn hàng ngành gỗ đã giảm 50%. Và vấn đề thứ hai là nội lực hiện nay của các doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp xuất khẩu dòng tiền đang có dấu hiện bị tắc nghẽn do khó tiếp cận vốn. Vì thế thông qua CPTPP, chúng tôi kỳ vọng vào các thị trường mới nổi, trong đó có thể kể tới như Canada, Chi-lê, Peru.

“Với Sadaco chúng tôi nhập nguyên liệu từ Chi-lê về và sản phẩm gỗ bên này giá rất rẻ. Và trong bối cảnh thị trường đang nổi lên sản phẩm mới như viên nén gỗ thì công ty chúng tôi có thể đầu tư liên doanh để sản xuất viên nén gỗ để xuất khẩu ra EU, Mỹ… Giống như câu chuyện của chúng tôi, thì tôi cho rằng, đã đến lúc doanh nghiệp Việt Nam phải nghĩ tới việc đầu tư ra nước ngoài” – ông Mạnh cho biêt thêm.

Để doanh nghiệp thấy rõ những lợi ích của các FTA mang lại cũng như sự cần thiết phải thay đổi, thích ứng với xu hướng phát triển bền vững, đáp ứng được xu hướng tiêu dùng xanh, cũng như quy định khắt khe từ các thị trường nhập khẩu, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Âu - Mỹ khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nắm bắt, điều chỉnh kế hoạch sản xuất và kinh doanh bài bản để kịp thời thích nghi với các yêu cầu, quy định mới của thị trường, tham gia hiệu quả, bền vững vào chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, bà NguyễnThảo Hiền nhấn mạnh, doanh nghiệp cần nỗ lực xanh hóa sản xuất, cũng như thực hiện các trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường cần được chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa. Theo đó, đổi mới công nghệ, đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường và đảm bảo các điều kiện cho người lao động là nhóm giải pháp cần thiết.

Bà NguyễnThảo Hiền cho biết, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, địa phương và các Hiệp hội ngành hàng xây dựng Chương trình hành động để tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược đảm bảo thiết thực, hiệu quả, để hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững của đất nước. Tuy nhiên hướng tới mục tiêu này vẫn còn một chặng đường rất dài với nhiều vấn đề đặt ra và cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, ngành hàng.

Đông Nghi

Link nội dung: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/xuat-khau-ben-vung-chia-khoa-thanh-cong-cho-doanh-nghiep-a11131.html