Hà Nội: Tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, nỗ lực phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi

Thời điểm này, các hộ chăn nuôi, trang trại đẩy mạnh công tác tái đàn gia súc, gia cầm phục vụ thị trường cuối năm nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn như cúm gia cầm, lở mồm long móng, dại,... Để bảo đảm nguồn cung cho thị trường, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người chăn nuôi cần nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.

Theo ông Nguyễn Hưng Thỉnh ở xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ), trang trại của gia đình ông đang nuôi hơn 200 con lợn thịt thương phẩm. Do bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh rất lớn nên trang trại tập trung chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và kiểm soát từ con giống tới thức ăn chăn nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh.

Hay hộ giá đình ông Hoàng Văn Triển ở xã Xuân Thu (huyện Sóc Sơn), gia đình ông đang nuôi 5 con bò thịt thương phẩm và 5 con bò cái. Do chăn nuôi nhỏ lẻ, thời tiết thay đổi bất thường nên nguy cơ dịch bệnh rất lớn…

Về những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, hiện nay, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát, nhưng thời điểm này tổng đàn vật nuôi, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, đàn lợn đang được tái đàn, tăng đàn.

Hiện toàn thành phố Hà Nội có gần 1,5 triệu con lợn, hơn 38,9 triệu con gia cầm, 163 nghìn con trâu, bò. Tuy nhiên, tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố còn cao, trên 60%. Hơn nữa, Hà Nội có gần 730 cơ sở giết mổ nhưng có tới 673 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công trong khu dân cư khó kiểm soát cũng là một trong những nguy cơ có thể bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

“Bên cạnh đó, thời tiết thay đổi, diễn biến phức tạp là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn vật nuôi. Từ nay đến cuối năm, việc gia tăng vận chuyển động vật, sản phẩm động vật phục vụ nhu cầu tiêu dùng cũng là một trong những nguy cơ xảy ra dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm”, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm.

1-3-1664090040.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Để phòng, chống dịch bệnh động vật phát sinh, theo Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) Nguyễn Đình Tường, các chủ trang trại, nông dân cần mua con giống khi tái đàn ở các cơ sở có uy tín; trước khi nuôi, cần tổng vệ sinh tiêu độc môi trường xung quanh chuồng trại.

Còn theo Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thường Tín Dương Xuân Tĩnh, thời gian tới, Trạm phối hợp với các xã, thị trấn chủ động giám sát dịch bệnh, đặc biệt tại các xã, phường, thị trấn có tổng đàn lợn lớn, gia cầm lớn, khu vực giết mổ có nguy cơ cao để cảnh báo và xử lý dứt điểm ngay khi dịch bệnh được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không chủ động khai báo…

Các xã, thị trấn cần tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đúng quy định; triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả ngay từ cơ sở; xử lý dứt điểm các ổ dịch, tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan diện rộng…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, trong thời điểm giao mùa hiện nay, công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được người dân đặc biệt quan tâm. Đây là tiền đề rất quan trọng để ngành chăn nuôi Hà Nội phát triển an toàn, ổn định.

Tuy nhiên, chăn nuôi của Hà Nội tỷ lệ nhỏ lẻ còn cao, nên các địa phương cần tăng cường tuyên truyền hướng dẫn người chăn nuôi phòng bệnh cho vật nuôi, chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho vật nuôi, bảo đảm tỷ lệ tiêm đạt hơn 80% tổng đàn; thường xuyên kiểm tra đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt phát hiện sớm những bất thường trên đàn vật nuôi.

Khi nghi ngờ gia súc, gia cầm mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, bệnh Dịch tả lợn châu Phi… phải báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở và chính quyền địa phương để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh lây lan, bùng phát dịch bệnh.

Thi Nguyên (t/h)